|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Việt Nam bỏ xa Thái Lan, Malaysia trong cuộc đua xe điện

14:16 | 03/01/2025
Chia sẻ
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc so với các nền công nghiệp ô tô mạnh, có truyền thống trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia.

Trong 11 tháng năm 2024, VinFast - một hãng xe nội địa thành lập năm 2017 của Việt Nam, vươn lên trở thành đơn vị bán nhiều xe nhất thị trường trong nước. Vượt qua các tên tuổi đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc như Toyota, Honda, Hyundai, KIA,… VinFast bán tổng cộng khoảng 67.000 xe trong 11 tháng - chiếm thị phần lớn nhất.

Ngoài doanh số, dữ liệu VinFast tự công bố cho thấy hãng đang từng bước làm chủ được công nghệ sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa của xe điện VinFast đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc. 

VinFast nói đã xây dựng lộ trình để nâng tỷ lệ nội địa hoá lên 84% vào năm 2026 sau khi tự sản xuất được pin điện - một trong những linh kiện có giá trị cao nhất trong ô tô điện.

Nhìn sang các nước trong khu vực, Việt Nam là thị trường duy nhất có hãng xe điện nội địa đã thương mại hoá. Thái Lan, Singapore là địa điểm lắp ráp, gia công cho các nhà sản xuất nước ngoài trong khi Malaysia mới ra mắt nguyên mẫu xe điện vào tháng 8 năm ngoái.

 Nguyên mẫu xe điện đầu tiên của Proton. (Ảnh: The Business Times).

Tháng 8, Proton - hãng xe nội địa Malaysia, giới thiệu nguyên mẫu chiếc xe điện đầu tiên e.Mas. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, Proton e.Mas sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc (CBU), tức là xe hoàn thiện được đưa về mà không cần lắp ráp. Phó Tổng Giám đốc Roslan Abdullah cho biết chiến lược này sẽ kéo dài cho đến khi công ty nâng cao năng lực sản xuất trong nước và chuẩn bị đội ngũ lao động.

Trước đó tháng 5, Perodua - nhà sản xuất ô tô lớn nhất Malaysia nổi tiếng với dòng xe Myvi, cũng đã giới thiệu mẫu xe điện đầu tiên của mình là eMO-1. Hãng dự kiến sẽ ra mắt mẫu xe này vào quý IV/2025 với giá bán ước tính từ 50.000 đến 100.000 ringgit (khoảng 300 - 600 triệu đồng).

Theo Tech in Asia, thị trường xe điện tại Malaysia vẫn còn mới mẻ. Sản lượng hiện tại chưa đủ lớn để giảm chi phí. Phần lớn xe điện đang bán đều được nhập khẩu nguyên chiếc, với giá trên 100.000 ringgit (trên 600 triệu đồng).

Ông Max Koh, một nhà phân tích tại Macquarie, cho biết Proton và Perodua hiện chiếm 60% thị phần trong nước. Tuy nhiên, xe điện chỉ chiếm 0,1% tổng số 20 triệu xe đang lưu thông. Ông dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên 3,4% vào năm 2030 khi Proton và Perodua bắt đầu tung ra xe điện vào năm tới. Dự kiến, đến năm 2030, xe điện sẽ chiếm 30% doanh số bán xe hàng năm.

Chính phủ Malaysia hiện giới hạn giá xe điện ở mức 100.000 ringgit để bảo vệ các nhà sản xuất ô tô trong nước. Tuy nhiên, các hãng xe có thể vượt qua mức trần này bằng cách lắp ráp xe trong nước hoặc nhập khẩu dưới dạng linh kiện rời (CKD) và lắp ráp tại địa phương.

Các chuyên gia dự đoán mức giới hạn này sẽ được dỡ bỏ khi Proton và Perodua bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2025.

Trái ngược với Việt Nam và Malaysia, Thái Lan không đi theo hướng phát triển hãng xe điện nội địa riêng. Ngành công nghiệp ô tô điện của nước này lại phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài.

Trong đó, có hai cái tên nổi bật đại diện cho chiến lược này là BYD và BMW. Dù có xuất phát điểm khác biệt khi BYD là một công ty Trung Quốc mới nổi, còn BMW là thương hiệu Đức lâu đời với 108 năm lịch sử, cả hai đều quyết định mở rộng sản xuất xe điện tại Thái Lan. Quyết định này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Thái Lan như một trung tâm sản xuất xe năng lượng mới.

Nhà máy BYD tại Thái Lan. (Ảnh: Laurent Malespine).

Chính phủ Thái Lan đã triển khai nhiều chính sách thu hút đầu tư, như miễn giảm thuế, trợ cấp và các ưu đãi khác. Những biện pháp này nhằm biến Thái Lan thành trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất xe điện chạy pin và công nghệ hybrid.

Tháng 7/2024, BYD khánh thành nhà máy hiện đại tại Rayong, nằm trong Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan, với vốn đầu tư khoảng 900 triệu USD. Nhà máy này sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch mở rộng quốc tế của BYD, đặc biệt tại thị trường ASEAN.

Ngoài BYD, các hãng xe lớn của Trung Quốc như Great Wall Motor, Hozon New Energy Automobile, SAIC Motor, Chongqing Changan Automobile, GAC Aion và Chery Automobile cũng đang xây dựng cơ sở sản xuất tại Thái Lan.

Isuzu Motors (Nhật Bản) cũng đã công bố kế hoạch sản xuất chiếc xe điện đầu tiên của hãng, phiên bản chạy điện của dòng bán tải D-Max, tại Thái Lan. Đây là bước tiến lớn với Isuzu, hãng hiện chiếm 50% thị phần xe bán tải tại quốc gia này.

Hai hãng xe Đức gồm Mercedes-Benz và BMW đã lắp ráp xe điện và pin tại Thái Lan từ năm 2022. BMW dự kiến sẽ ra mắt các mẫu xe điện sản xuất tại Thái Lan vào năm 2025. Trong khi đó, Hyundai đã được phê duyệt đầu tư 1 tỷ baht Thái (khoảng 2,8 triệu USD) vào lắp ráp xe điện chạy pin tại Thái Lan, dự kiến bắt đầu vào năm 2026.

Có thể thấy chiến lược khác biệt của Thái Lan là trở thành trung tâm sản xuất của khu vực, thay vì có thương hiệu nội địa mạnh. 

Về thị trường xe điện, năm 2023, doanh số xe điện bán ra tại Thái Lan tăng 8 lần đạt 76.000 chiếc, chiếm 12% tổng lượng xe bán ra. (Nếu so sánh với 11 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam, con số này gần như sít sao trong khi quy mô thị trường ô tô Việt Nam nói chung nhỏ hơn gấp nhiều lần Thái Lan).

Thái Lan đặt mục tiêu đạt chiến lược 30@30, tức 30% xe sản xuất vào năm 2030 sẽ là xe điện. Mục tiêu này bao gồm cả ô tô cá nhân, xe tải và xe buýt.

Đức Huy