Vị trí thống lĩnh thị trường pin xe điện của ông lớn CATL bị đe dọa bởi nhiều đối thủ trong và ngoài lãnh thổ Trung Quốc
Sự thống trị của Contemporary Amperex Technology, hay CATL trên thị trường pin xe điện đang bị đe dọa bất chấp lợi nhuận kỷ lục vào năm ngoái, theo Asia Nikkei.
Kết quả tích cực trong năm 2021
CATL tiếp tục xếp ở vị trí thứ nhất trên thị trường pin xe điện trong năm 2021, theo báo cáo thường niên được công bố mới đây. Đây là năm thứ 5 liên tiếp mà công ty này dẫn đầu thị trường. Lãi ròng của doanh nghiệp trong năm qua đạt 2,47 tỷ USD, tăng gần 3 lần so với năm trước. Các con số mà CATL ghi nhận trong năm 2021 đa số đều phá vỡ kỷ lục đã tồn tại trước đó.
Công ty chiếm 38,6% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực pin ô tô vào năm 2021, tăng 12,6 điểm phần trăm so với năm trước, theo công ty nghiên cứu Techno Systems Research có trụ sở tại Tokyo. Trong khi đó, xếp ở vị trí thứ hai là LG Energy Solution với 18,2% thị phần.
Sự thống trị của CATL được thúc đẩy từ việc Trung Quốc đang phát triển thị trường ô tô điện, xe hybrid và các phương tiện sử dụng năng lượng mới. Doanh số bán xe điện tại Trung Quốc trong năm 2021 đã tăng gấp 2,6 lần so với năm 2020. CATL đang mở rộng công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.
Rủi ro từ nhiều yếu tố
Dù ghi nhận nhiều thông tin tích cực, kết hợp với sức mạnh sẵn có đã được xây dựng trong nhiều năm, song CATL vẫn đối mặt với nhiều rủi ro tiềm tàng, đặc biệt là sự vươn lên của các đối thủ khi mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc phủ một bóng đen lên kế hoạch mở rộng ra nước ngoài của công ty.
Tỷ suất lợi nhuận đối với mảng kinh doanh pin ô tô chủ lực của CATL đã giảm xuống 22% vào năm 2021. Trước đó, công ty từng thiết lập mức đỉnh 34% vào năm 2018. Giá cổ phiếu của công ty này đã lao dốc khoảng 30% kể từ đầu năm trên sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến và vốn hóa thị trường của CATL cũng giảm xuống dưới 1.000 tỷ Nhân dân tệ lần đầu tiên sau 10 tháng vào ngày 20/4.
Johnson Wan, một nhà phân tích làm việc tại Jefferies có trụ sở tại Hong Kong, đã viết trong một lưu ý ngày 22/4 cho khách hàng rằng khoản lợi nhuận mà CATL thu được trong năm 2021 "trở thành nạn nhân của mức giá thượng nguồn cao hơn”.
Ông Wan dự đoán rằng tỷ suất lợi nhuận “có thể tiếp tục xấu đi khi giá pin của công ty chưa thể tăng kịp theo tốc độ tăng giá của lithium, nguyên liệu dùng để sản xuất pin”. Mặc dù sự gia tăng về khối lượng trong nửa cuối năm nay có thể bù đắp cho sự sụt giảm tỷ suất lợi nhuận, nhưng ông vẫn đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư nên “hold” cổ phiếu của công ty ở thời điểm hiện tại.
Trái lại, chuyên gia Jack Shang tại Citibank cho biết đợt điều chỉnh giá cổ phiếu gần đây do chi phí nguyên liệu thô tăng là "quá trớn" vì công ty có thể sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng toàn cầu sang xe điện trong dài hạn. Ông khuyên nhà đầu tư nên mua vào cổ phiếu CATL thời điểm này, và xếp hạng đây là một trong những doanh nghiệp đầu ngành liên quan đến xe điện.
Tỷ lệ cạnh tranh ngày càng cao cả ở trong lẫn ngoài Trung Quốc là một vấn đề khác với CATL. Công ty này chiếm hơn một nửa lượng pin ô tô được lắp đặt tại Trung Quốc vào năm 2021. Dù vậy, tỷ lệ này đã giảm xuống mức 50% trong quý đầu năm nay, khi các đối thủ như BYD và China Aviation Lithium Battery, hay CALB, đều đẩy mạnh sản xuất.
Trong khi đó ở Hàn Quốc, các nhà sản xuất pin đang làm việc với các nhà sản xuất ô tô nhằm đẩy mạnh năng lực trên thị trường quốc tế và đạt được các hợp đồng dài hạn nhằm khai thác sự chuyển dịch nhanh chóng trên toàn cầu đối với xe điện.
LG Energy đang cùng General Motors xây dựng ba nhà máy ở Mỹ cũng như hợp tác với Stellantis ở Canada và Hyundai Motor ở Indonesia. SK Innovation đang xây dựng một nhà máy pin ở Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua liên doanh với Ford Motor.
Mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng ảnh hưởng đến kế hoạch của CATL. Thông tin cho rằng Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với CATL đã manh nha xuất hiện trong tháng Hai, khiến công ty phải đưa ra một tuyên bố bác bỏ những tin đồn "ác ý".
Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ các công ty liên quan đến xe điện như một phần trong mục tiêu biến nước này thành một cường quốc ô tô. Sự tăng trưởng của CATL có thể gây ra những lo ngại về an ninh kinh tế lớn hơn ở Mỹ và châu Âu trong tương lai.
Theo một chuyên gia trong ngành, việc mở nhà máy CATL mới ở Đức đã bị trì hoãn hơn một năm cho đến cuối năm 2022. Các nhà chức trách châu Âu có thể đã do dự trong việc bật đèn xanh cho CATL do những lo ngại liên quan đến Trung Quốc.
CATL chỉ tạo ra khoảng 20% doanh thu ở nước ngoài và sẽ cần phải mở rộng ra toàn cầu để đảm bảo tăng trưởng bền vững ngay cả khi thị trường Trung Quốc đã bão hòa. Công ty sẽ xây dựng thêm các cơ sở sản xuất ở nước ngoài và tạo ra một hệ thống đào tạo nhân viên bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, theo xác nhận của một giám đốc điều hành công ty.