Vì sao Việt Nam, Indonesia tăng nhập khẩu cà phê từ Brazil?
Từ những con phố ở TP HCM đến các quán cà phê ở Jakarta, dân chuộng cà phê đang tìm kiếm những hương vị mới. Điều này khiến hai nước sản xuất cà phê lớn ở ASEAN là Việt Nam và Indonesia trở thành những nhà nhập khẩu hàng đầu, theo Bloomberg.
Việt Nam và Indonesia vừa xuất khẩu cà phê robusta ra thế giới, nhưng đồng thời cũng tăng nhập khẩu cà phê arabica từ Brazil để đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước.
Sự yêu thích cà phê được pha chế theo cách mới lạ hơn là tín hiệu cho thấy hai nước này sẽ tiếp tục nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt và sản lượng thiếu hụt những năm qua đã đè nặng lên sản xuất toàn cầu.
Neumann Kaffee Gruppe, tập đoàn cung cấp cà phê nhân đang đặt cược vào sự thay đổi này, mở văn phòng nhập khẩu ở Indonesia vì dự báo nhu cầu tại đây sẽ cao hơn sản lượng cây trồng trong nước có thể đáp ứng.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Indonesia (AEIKI), tiêu thụ cà phê tăng khoảng 4% mỗi năm trong thập niên qua. Con số này cao hơn mức tăng trưởng 2,2% của nhu cầu cà phê toàn cầu mà Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự kiến trong năm nay.
Theo Hội đồng các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), sản lượng cà phê của Brazil xuất khẩu sang Indonesia tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái.
“Dư địa tăng trưởng xuất khẩu cà phê sang các nước châu Á vẫn còn rất lớn, đặc biệt là khi mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người ở khu vực này còn thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới”, Márcio Ferreira, Chủ tịch của Cecafé nhận định.
Khi thói quen uống cà phê trong nước bùng nổ, sản lượng cà phê của Indonesia lại gần như bị chậm lại. Moelyono Soesilo, một lãnh đạo của AEIKI cho biết, nhu cầu cà phê trong nước có thể vượt quá sản lượng trong vòng 5-8 năm tới nếu các tốc độ tăng trưởng vẫn duy trì như hiện nay.
AEIKI đang hỗ trợ nông dân nhằm tăng năng suất trên mức hiện tại là 1,1 tấn cà phê/ha. Để so sánh cho dễ hình dung, các khu vực sản xuất giống cà phê robusta tương tự ở Brazil có năng suất khoảng 2,5 tấn/ha.
Trong khi đó, các lô hàng cà phê từ Brazil đến Việt Nam cũng đang tăng mạnh, tăng hơn 6 lần từ tháng 1/2023-1/2024, theo báo cáo của Cecafé.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho biết cà phê nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này đang phục vụ ngành cà phê hòa tan của Việt Nam.
Trong khi đó, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp thông tin, một số công ty nhập khẩu cà phê của Brazil để thực hiện các hợp đồng đã ký và để sản xuất cà phê rang.
Thời tiết diễn biến bất thường khiến các nước châu Á tăng nhập khẩu cà phê của Brazil. Hiện tượng El Nino gây khô hạn cực độ ở Đông Nam Á trong niên vụ năm nay làm giảm sản lượng ở Việt Nam và Indonesia, khiến giá nội địa tăng vọt.
Bà Trần Thị Lan Anh thừa nhận, hiện nay, rất khó thu mua cà phê dù giá tăng cao. Điều này cho thấy, có lẽ nông dân cũng không còn nhiều cà phê trong tay để bán.
Việt Nam là nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất thế giới. Trước khi giá cà phê tăng vọt vào năm ngoái, thời tiết khắc nghiệt và nhiều năm lợi nhuận thấp khiến một số nông dân chuyển đổi cây trồng khác.
Công ty tư vấn quản lý rủi ro Hedgepoint Global Markets ước tính, thị phần của Việt Nam trên thị trường cà phê toàn cầu giảm dần trong thập niên qua và hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Nguồn cung cà phê của Việt Nam và Indonesia dự kiến phục hồi một phần vì giá cao hơn sẽ cải thiện thu nhập của nông dân, thúc đẩy họ đầu tư mở rộng diện tích canh tác cà phê. Tuy nhiên, Carlos Costa, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Hedgepoint nhận định, những thách thức dài hạn đối với nỗ lực tăng sản lượng cà phê ở hai nước này vẫn còn.
“Đa phần hoạt động sản xuất cà phê của họ đến từ các hộ nông dân nhỏ lẻ, khiến việc mở rộng quy mô trở nên khó khăn. Trong khi đó, cà phê của Brazil có thể sẽ là lựa chọn thay thế cho thị trường”, ông nhận định.