Vì sao giới tội phạm đang chán bitcoin dần chuyển sang dùng một đồng tiền ảo 'vô danh' khác?
Theo CNBC, khi FBI đột nhập thành công một ví điện tử do các hacker Colonial Pipeline nắm giữ bằng cách theo dấu vết dòng tiền trên blockchain của bitcoin, nhiều tội phạm số cảm thấy bất ngờ và lo lắng. Những người này luôn cho rằng việc giao dịch tự động bằng tiền mã hóa có thể bảo vệ họ khỏi các hoạt động điều tra.
Một trong những đặc tính cốt lõi của bitcoin là hoạt động dựa trên một sổ cái công khai. Đây là nơi chứa tất cả các token của giao dịch và bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy. Vì lý do này, nhiều hacker bắt đầu tìm đến các đồng tiền như dash, zcash và monero vì chúng có mức độ nặc danh cao hơn.
Đặc biệt, đồng monero đang ngày càng trở thành lựa chọn hàng đầu về tiền mã hóa cho các nhóm hacker ransomware (mã độc tống tiền) trên thế giới.
"Nhiều tội phạm đang dùng đồng monero", ông Rick Holland, Giám đốc bảo mật thông tin tại Digital Shadows, một công ty tư vấn tội phạm số, chia sẻ.
Ra đời năm 2014
Monero ra đời năm 2014 bởi một nhóm các lập trình viên, nhiều người trong số họ đến nay vẫn chọn giữ nặc danh. Như được nhắc đến trong sách trắng của monero, "nặc danh và riêng tư" là hai đặc tính quan trọng nhất của đồng tiền số này.
Monero vận hành trên mạng blockchain của riêng nó. Về cơ bản, mạng lưới này ẩn toàn bộ các chi tiết về giao dịch. Định danh của người gửi, người nhận và thậm chí cả số tiền giao dịch cũng được giấu kín.
Vì các đặc điểm này, monero cho phép tội phạm số được tận hưởng sự tự do lớn hơn so với những gì mạng blockchain của bitcoin mang lại, theo CNBC.
"Trên blockchain của bitcoin, bạn có thể thấy địa chỉ ví giao dịch, số lượng bitcoin, bitcoin đến từ đâu và được chuyển đi đâu", ông Fred Thiel, cựu chủ tịch Ultimaco, một trong những công ty mã hóa lớn nhất ở Châu Âu, chia sẻ.
"Với monero, blockchain của nó làm rối địa chỉ ví, số tiền giao dịch, các bên liên quan và đó chính xác là những gì kẻ xấu mong muốn", ông nhận định thêm.
Mặc dù bitcoin vẫn là đồng tiền phổ biến nhất mà các hacker yêu cầu khi đòi tiền chuộc, nhiều kẻ xấu đang bắt đầu muốn giao dịch bằng monero, theo Marc Grens, chủ tịch DigitalMint, một công ty chuyên giúp các nạn nhân thanh toán chi phí đòi tiền của hacker.
"Chúng tôi thấy hacker giảm giá hoặc yêu cầu thanh toán bằng monero trong một vài tháng trở lại đây", Holland nói thêm.
Hạn chế của monero
Dù vậy, vẫn có một số rào cản để monero có thể phổ biến hơn.
Đầu tiên, monero không có mức độ thanh khoản cao như các đồng tiền mã hóa khác. Nhiều sàn giao dịch không niêm yết đồng tiền này vì quan ngại liên quan đến quản lý, ông Mati Greenspan, người sáng lập Quantum Economics, nói. "Monero không được hưởng lợi nhiều từ làn sóng ủng hộ đầu tư các tổ chức gần gây", ông nói thêm.
Trong thực tế, điều này khiến các hacker khó được thanh toán trực tiếp bằng đồng tiền này.
"Nếu bạn là một doanh nghiệp và bạn muốn mua monero để trả tiền cho ai đó, rất khó để làm điều này", Thiel nói với CNBC.
Đồng tiền tiền cũng chắc chắn dễ bị tổn thương hơn trong các vấn đề liên quan đến quản lý tiền số. "Tôi cá là Mỹ và các nhà điều hành khác sẽ muốn đóng cửa đồng tiền này", Thiel nói thêm.
Một cách để làm điều này là gỡ giấy phép của các sàn giao dịch nếu niêm yết đồng monero.
Mặc dù chính phủ Mỹ có thể hạn chế monero bằng cách làm giảm tính thanh toán của nó, ông Nic Carter, thành viên sáng lập của Castle Island Ventures, tin rằng rất khó để quản lý thị trường cho phép chuyển đổi ngang hàng đồng monero sang tiền pháp định.
Bên cạnh đó, hacker cũng có thể chọn cách giao dịch monero ở các quốc gia không kiểm soát gắt gao như Mỹ.
Bitcoin vẫn là lựa chọn hàng đầu với hacker tống tiền
Bảo hiểm số vẫn là lý do hàng đầu khiến bitcoin là đồng tiền nhiều hacker tống tiền lựa chọn.
"Bảo hiểm cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực này và nhà bảo hiểm thường từ chối bổi thường nếu khoản thanh toán tống tiền được thực hiên bằng monero", Peter Marta, một cựu nhân viên CIA, chia sẻ. Hiện tại, ông là người tư vấn các công ty về quản lý rủi ro số trong vai trò đối tác công ty luật Hogan Lovells.
"Một trong những điều các nhà bảo hiểm luôn yêu cầu là hình thức thẩm định mà công ty nạn nhân đã thực hiện, trước khi thanh toán để giảm thiểu tối đa khả năng chuyển tiền cho một bên đang nằm trong danh sách cấm vận", Marta giải thích.
Rõ ràng, giao dịch với bitcoin dễ dàng theo dõi hơn. Bên cạnh đó, hạ tầng blockchain của bitcoin cũng đã khá hoàn thiện để các cơ quan chức năng có thể quản lý giao dịch. Hiện tại, cơ quan chức năng vẫn theo dõi một danh sách các ví điện tử liên quan đến các khu vực bị cấm vận.
Điều đáng ngại là hiện tại kẻ xấu đã có thể tìm ra nhiều cách để nặc danh hóa giao dịch trong bitcoin. Ông Holland chia sẻ tội phạm thường tìm đến các dịch vụ "hòa trộn" để trộn tiền bẩn và các khoản tiền mã hóa sạch và tạo ra bitcoin mới.
"Cúng giống như cách bạn chuyển đổi từ USD sang bảng… hacker có thể dùng bitcoin, chuyển sang monero và sau đó quay lại bitcoin, đến đây họ có thẻ bitcoin ATM và rút USD", Holland giải thích.
Vì thế, ngay cả khi blockchain của bitcoin là công khai, vẫn có cách để hacker làm rối hướng điều tra, theo dõi điểm đến cuối cùng của tiền.