|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao giá tiêu chưa bị 'thủng' mốc 63.000 đồng/kg?

18:23 | 21/04/2023
Chia sẻ
Thị trường đang trong giai đoạn giằng co giữa bên bán và và bên mua. Chi phí trồng tiêu hiện tại của người dân khoảng 63.000 đồng/kg. Đây là lý do tại sao mức giá này được xem là ngưỡng kháng cự vững chắc bởi nó đảm bảo cho người dân hoà vốn, họ chỉ bán ra khi giá ít nhất đạt ngưỡng này.

Cuộc chiến cân sức giữa người mua và bán

Sau khi tăng mạnh 15% (8.000 – 8.500 đồng/kg) trong trong tháng 2, giá tiêu đen có xu hướng đi ngang 63.000 – 66.000 đồng/kg kéo dài suốt hai tháng 3 và 4. 

H.Mĩ tổng hợp

Bình luận về diễn biến giá đi ngang thời gian qua, trao đổi với người viết bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị (VPSA) cho rằng thị trường đang trong giai đoạn giằng co giữa bên bán và bên mua. 

Sau nhiều lần va vấp trên thương trường, doanh nghiệp cũng đã có kinh nghiệm mua hàng. Còn với người nông dân, họ cũng có những mức giá mục tiêu riêng nhằm đảm bảo chi phí đầu vào và trang trải cuộc sống gia đình. 

Chi phí trồng tiêu hiện tại của người dân khoảng 63.000 đồng/kg. Đây là lý do tại sao mức giá này được xem là ngưỡng kháng cự vững chắc bởi nó đảm bảo cho người dân hoà vốn, họ chỉ bán ra khi giá ít nhất đạt ngưỡng này.

“So sánh biến động giá từ đầu năm đến nay đã thấy sự giằng co giữa nông dân và thị trường. Người nông dân không có nhiều tiêu để bán ồ ạt. Kể cả những hộ có nhiều hàng họ cũng không hạ giá. Thái độ bán hàng của bà con hiện rất cẩn trọng và không còn bán ồ ạt như những giai đoạn trước đây. Điều đó rất tốt, quyền đàm phán 2 bên cũng rất cân sức và tôi mừng cho bà con”, bà Liên cho biết.  

Tính đến thời điểm cuối tháng 3, vụ thu hoạch hạt tiêu của Việt Nam đã đạt khoảng 70% nên lượng hàng khá dồi dào. Các đại lý, thương lái bắt đầu thu mua hạt tiêu để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, theo Cục Xuất nhập khẩu.

Cần theo dõi sức kéo của nguồn cung - cầu

Theo bà Liên, để đánh giá việc liệu rằng giá có tăng nữa hay không cần theo dõi sức kéo của cung - cầu trong thời gian tới. 

"Về mặt tâm lý ai cũng muốn giá lên, người dân muốn giá lên để hỗ trợ chi phí, doanh nghiệp muốn giá lên để có lợi nhuận chia sẻ với người dân. Bản thân nhà nước cũng cần giá tốt để tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên cần đánh giá xem sức kéo của cung và lực đẩy của cầu có làm được điều đó hay không", bà Liên nhận định.

Với góc độ nhu cầu, hoạt động xuất khẩu tiêu thời gian gần đây cũng bắt đầu cải thiện hơn. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 3 đạt khoảng 36 nghìn tấn, trị giá 106,5 triệu USD, tăng 28% về lượng và tăng 27% về trị giá so với tháng 2; so với cùng kỳ năm ngoái tăng 51% về lượng, nhưng giảm 5% về trị giá. 

Đây là tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận xuất khẩu tiêu tăng mạnh so với kỳ năm ngoái. Trước đó, trong tháng 2, lượng tiêu xuất khẩu tăng gần gấp đôi so với tháng 2/2022.

Sự phục mạnh mẽ nhu cầu nhập khẩu tiêu của Trung Quốc đã giúp bù đắp nhu cầu sụt giảm ở khu vực châu Âu, Mỹ do lạm phát tăng cao và những tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine. 

Theo số liệu của VPSA, tính đến hết quý I năm nay lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt 25.919 tấn, tăng đột biến hơn 12 lần so với 2.138 tấn của cùng kỳ và vượt xa con số 20.498 tấn mà Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm ngoái.

 Số liệu: VPSA (H.Mĩ tổng hợp)

Với kết quả này, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của nước ta trong quý I với tỷ trọng chiếm 33,8% so với 3,9% của cùng kỳ.

  Số liệu: VPSA (H.Mĩ tổng hợp)

Tính chung quý I, tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 76,2 nghìn tấn tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá tiêu xuất khẩu bình quân giảm 34% so với cùng kỳ xuống3.064 USD/tấn, nên dù khối lượng tăng mạnh nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 6%. 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

 

  Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ diễn ra sôi động hơn trong quý II/2023 nhờ nhu cầu tăng cao từ các thị trường Trung Quốc, Papua New Guinea, ASEAN, Thổ Nhĩ Kỳ..., bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu vẫn trầm lắng của thị trường Mỹ và EU.

Tuy nhiên với thị trường châu Âu và Mỹ, theo ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng VPSA trong thời gian tới, trừ khi nào xung đột Đông Âu kết thúc thì mới có tín hiệu tích cực về thị trường.

Còn với góc độ về nguồn cung, theo bà Liên, cần theo dõi sát sản lượng của các nước sản xuất lớn, đặc biệt là Việt Nam và Brazil. 

Tại Việt Nam, theo VPSA, sản lượng tiêu năm nay có thể tăng 7- 10% so với năm 2022 lên khoảng 200.000 tấn do thời tiết thuận lợi. 

Tuy nhiên, một số quốc gia khác ghi nhận tình hình nguồn cung không mấy khả quan. Tại Brazil, nông dân nước này đang tập trung vào cây acai và cà phê thay vì hồ tiêu. Sản lượng của Brazil tăng trong những năm qua, nhưng xuất khẩu giảm 8% vào năm 2022, do nông dân tích trữ hồ tiêu với hy vọng giá tăng. Nông dân ở bang Espirito Santo đã bán cà phê của họ trước, theo báo cáo tháng 4 của công ty Nedspice Group.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các quốc gia khác, dẫn đến sản xuất toàn cầu tiếp tục thấp hơn nhu cầu, tồn kho tại các nước xuất khẩu trọng điểm giảm.

Tại Indonesia, nông dân nước này đang chuyển sang trồng cọ, cao su và cà phê. Do đó, sản lượng của Indonesia có xu hướng giảm, với vụ mùa của Bangka và Lampung ước tính giảm 10-15%/năm. Hiện sản lượng của Indonesia dự kiến vào khoảng 40 nghìn tấn, tiêu thụ nội địa là 17 nghìn tấn, còn khoảng 20 nghìn tấn dành cho xuất khẩu.  

Sản xuất liên tục thu hẹp kéo theo sự sụt giảm trong dự trữ toàn cầu. Nedspice cho rằng khi vụ thu hoạch của Việt Nam kết thúc, dự kiến ​nguồn cung sẽ thấp hơn nhu cầu vào nửa cuối năm nay. Nếu các nhà đầu cơ tham gia thị trường, xu hướng tăng của giá tiêu sẽ diễn ra nhanh hơn.

"Chúng ta đã nhìn thấy sữ giằng co quyết liệt giữa người nông dân và thị trường. Có thể năm tới giá tiêu sẽ rất khác", bà Liên nhận định. 

H.Mĩ