Vì sao doanh số smartphone tại Việt Nam đột nhiên tăng vọt thời gian trầm lắng?
Theo Counterpoint Research, trong quý III năm nay, 51% số điện thoại bán ra tại Việt Nam có giá dưới 200 USD (khoảng 5 triệu đồng), chủ yếu đến từ các thương hiệu như Xiaomi, Oppo, Samsung và một số hãng khác. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ quý I/2022.
Việt Nam ngừng hoàn toàn mạng 2G nhằm dọn đường cho công nghệ 4G và 5G, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp triển khai chính sách giảm giá và các chương trình ưu đãi để khuyến khích người dân nâng cấp thiết bị.
Counterpoint nhận xét: “Chính phủ cùng các nhà mạng đã rất quyết liệt trong chiến dịch truyền thông, áp dụng các phương thức như thông báo cuộc gọi chờ hay phát thanh qua loa công cộng.”
Tờ Nikkei Asia cho rằng loa phát thanh vẫn là phương tiện truyền thông quen thuộc tại Việt Nam. Tại Hà Nội, các loa gắn trên cột điện còn ở TP HCM, loa thường được gắn trên các xe lưu động. Trong thời kỳ COVID-19, nhiều thông báo y tế đã được phát qua hình thức này.
Các doanh nghiệp như Viettel, VNPT, FPT và Mobifone tung ra các chương trình thu cũ đổi mới, tặng voucher sử dụng gói cước dữ liệu nhằm hỗ trợ người dân, đặc biệt là ở các tỉnh nghèo và vùng sâu vùng xa.
Theo Counterpoint dự báo, tỷ lệ điện thoại 4G sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong những tháng tới, khi các nhà sản xuất đẩy mạnh xả hàng tồn kho thiết bị 4G ở phân khúc giá rẻ. Số liệu từ hãng nghiên cứu này cho thấy, 83% số điện thoại bán ra trong quý III có mức giá từ 600 USD trở xuống.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam gần như không còn điện thoại hỗ trợ 2G, giảm từ 18 triệu thiết bị vào tháng 1 xuống gần như bằng 0. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi ban đầu gặp khó khăn ở các vùng núi và nông thôn. Bộ cũng cho biết một bộ phận người dùng vẫn còn tâm lý e ngại hoặc chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi.
Các nhà mạng đã tích cực thông báo qua cuộc gọi, tin nhắn và phối hợp cùng chính quyền địa phương để tiếp cận người dân. Tuy nhiên, quá trình này cũng bị gián đoạn do siêu bão Yagi vào tháng 9, khi 1,8 triệu người vẫn còn phụ thuộc vào thiết bị sử dụng mạng 2G.
Trên thế giới, Nhật Bản đã ngừng sử dụng 2G từ năm 2012, trong khi Singapore hoàn tất quá trình này vào năm 2017. Công nghệ 2G lần đầu tiên được triển khai tại Phần Lan vào năm 1991.
Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu khai tử mạng 3G vào tháng 9/2028. Hiện nay, mạng 3G vẫn phục vụ 38,2 triệu thuê bao trên cả nước.
Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu dùng smartphone tiềm năng mà còn là trung tâm sản xuất điện tử quan trọng. Samsung hiện đang sử dụng Việt Nam làm căn cứ sản xuất một nửa sản lượng điện thoại toàn cầu của hãng.
Việc khai tử mạng 2G đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình số hóa tại Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho thị trường smartphone giá rẻ và thúc đẩy phổ cập công nghệ 4G, 5G trên diện rộng.