|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuỗi cầm đồ được Digiworld hậu thuẫn 'chơi lớn', hứa trả lại tiền cho khách nếu thanh lý tài sản nhiều hơn số nợ

09:57 | 17/02/2025
Chia sẻ
Việt Money có nhiều cửa hàng cầm đồ tại TP HCM và Bình Dương, cho cầm từ điện thoại, máy tính, laptop, xe máy, máy ảnh, trang sức, ô tô, đồng hồ, túi hiệu...

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch CTCP Thế Giới Số (Digiworld – Mã: DGW) cho biết, hệ thống cầm đồ Viet Money đang trong quá trình tái cấu trúc, thay đổi toàn bộ từ danh mục sản phẩm đến bộ nhận diện thương hiệu.  

Theo ông Việt, Viet Money sẽ hướng tới là đơn vị duy nhất trong ngành trả lại tiền cho khách hàng nếu bán sản phẩm cầm cố thu được nhiều tiền hơn số tiền mà khách hàng đang nợ.

"Ví dụ khách hàng cần 10 triệu đồng, dù sản phẩm thế chấp có thể vay tối đa 20 triệu nhưng sẽ không vì chạy theo doanh thu mà muốn khách hàng vay toàn bộ 20 triệu đồng. Chúng tôi sẽ chỉ khuyến khích khách hàng vay vừa đủ, tránh gánh nặng lãi suất cao”, người đứng đầu Digiworld chia sẻ.

 Viet Money là chuỗi cầm đồ được Digiworld rót vốn. (Ảnh: Digiworld).

Cam kết không thẩm định người thân, không đòi nợ

CTCP Việt Money thành lập vào tháng 9/2016 với tên gọi ban đầu là CTCP Thương mại và đầu tư Việt Money, có trụ sở chính tại quận 10, TP HCM. Người đại diện theo pháp luật hiện là ông Nguyễn Văn Thuận – Tổng Giám đốc.

Hoạt động kinh doanh chính của công ty là cầm đồ. Việt Money đang cho cầm điện thoại, máy tính, laptop, xe máy, máy ảnh, trang sức, ô tô, đồng hồ, túi hiệu…

Thông tin trên webssite, Việt Money có hơn 11 cửa hàng giao dịch tại TP HCM và Bình Dương. Cửa hàng cầm lên đến 85% giá trị tài sản, giải ngân đến 2 tỷ đồng. 100% tài sản được niêm phong, có bảo hiểm tài sản. Công ty cam kết không thẩm định người thân và không đòi nợ.

Chia sẻ về lý do thành lập Viet Money, ông Trịnh Văn Phương, cựu CEO Viet Money từng cho rằng, ai cũng có nhu cầu cần gấp một khoản tiền trong ngắn hạn, song, không phải ai cũng muốn hỏi mượn tiền từ người thân, bạn bè. Nếu gõ cửa ngân hàng hay các công ty tài chính, mọi người cần nhiều thủ tục phức tạp mà thời gian xử lý không thể trong 1-2 ngày, hơn nữa không phải ai cũng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu vay vốn dù bạn có tài sản cá nhân.

Nhu cầu thiết thực này hiện chỉ được đáp ứng ở các tiệm cầm đồ truyền thống hay thậm chí là hoạt động cho vay xã hội bên ngoài, vốn chứa đựng rất nhiều rủi ro cho người đi vay. Khai thác trong phân khúc này với muốn xây dựng một kênh tài chính an toàn, một giải pháp tiện lợi cho khách hàng cá nhân, đó là lý do công ty ra đời”, ông Phương nói.

Liên tục tăng vốn, nhận đầu tư từ quỹ ngoại

Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Viet Money có vốn điều lệ ban đầu là 9 tỷ đồng. Trong đó, ông Trịnh Văn Phương góp 55% lệ, ông Lý Hoàng Tuấn góp 40%, ông Lê Quang Vũ góp 5%. 

Tháng 4/2017, công ty nâng vốn điều lệ từ 9 lên 20 tỷ đồng. Tháng 11/2018, công ty tăng vốn lên sát 23 tỷ đồng. Sau đó hai năm (8/2020), vốn điều lệ Viet Money hơn 69 tỷ đồng và cán mốc hơn 92 tỷ đồng vào tháng 12/2020.

Tháng 11/2024, công ty điều chỉnh vốn điều lệ, tăng từ 92 tỷ đồng lên hơn 125 tỷ đồng. Song cơ cấu cổ đông chi tiết không được tiết lộ.

Thông tin website, năm 2018, Vietmoney nhận đầu tư từ Indochine Investment. Năm 2020, công ty hoàn thành vòng gọi vốn Series A từ Quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures (DV). Năm 2023, Digi Venture nắm 73% vốn tại VietMoney.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư hồi tháng 8/2024, lãnh đạo Digiworld tiết lộ, trong nửa đầu năm 2024, chuỗi cầm đồ Viet Money có mức lỗ trung bình hàng tháng là khoảng 1 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản chi phí trụ sở. Digiworld cũng đánh giá Viet Money sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ trong thời gian còn lại của năm 2024. 

Tại các thông báo trước đó, Digiworld dự báo đóng góp của chuỗi cầm đồ vào lợi nhuận của công ty là không đáng kể trong thời gian tới.

Theo con số thống kê gần nhất do Bộ Công an công bố, tới cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 27.000 cơ sở cầm đồ đang hoạt động. Trong đó, một số doanh nghiệp đã phát triển theo dạng chuỗi như F88, Người Bạn Vàng hay Viet Money.

Với nguồn tiền dồi dào, những chuỗi cầm đồ đang cải thiện dịch vụ, tăng cường các sản phẩm tài chính khác như bảo hiểm, chuyển tiền, chi hộ, thu hộ tiền điện, nước, internet,… nhằm thích ứng linh hoạt với nhiều phân khúc khách hàng.

Hoàng Dung