Phim Việt liên tiếp thắng trăm tỷ đồng
Chưa đầy một tháng, có ba phim Việt chinh phục mốc "trăm tỷ". Ông Nguyễn Khánh Dương - sáng lập Box Office Vietnam - đánh giá đây là hiện tượng hiếm của điện ảnh trong nước, lần gần nhất là năm 2019, khi Cua lại vợ bầu, Trạng Quỳnh, Hai Phượng liên tiếp đạt doanh thu cao.
Hôm 20/2, Bộ tứ báo thủ đạt 330 tỷ đồng, vượt mức bốn triệu lượt khán giả, là dự án thành công nhất về thương mại ở phòng vé trong nước từ đầu năm đến nay. Mùa Tết Ất Tỵ, phim chiếm hơn 70% tổng doanh thu phòng vé. Về sau, dù suất chiếu giảm, tác phẩm vẫn giúp Trấn Thành có bốn phim góp mặt trong top năm ăn khách nhất rạp Việt từ trước tới nay, sau Mai (2024), Nhà bà Nữ (2023), Bố già (2021) cũng của đạo diễn này.

Trấn Thành trong tạo hình nhân vật cậu Mười Một ở "Bộ tứ báo thủ". Ảnh: Huyền Đỗ
Nụ hôn bạc tỷ vượt 200 tỷ đồng sau hơn 20 ngày phát hành, đưa Thu Trang trở thành đạo diễn nữ đầu tiên có phim gia nhập "câu lạc bộ trăm tỷ" ngay từ tác phẩm đầu tay.
Gần nhất, Đèn âm hồn - dự án chạm ngõ điện ảnh của YouTuber Hoàng Nam - đạt mốc 100 tỷ đồng. Khi mới phát hành hôm 7/2, phim bất ngờ gây chú ý, cạnh tranh cùng Bộ tứ báo thủ, Nụ hôn bạc tỷ, khiến thay đổi cục diện đường đua phim Tết.
Thắng ở phương diện thương mại, nhưng ba tác phẩm cùng nhận góp ý từ người trong nghề và khán giả về chất lượng kịch bản, diễn xuất. Bộ tứ báo thủ nhận được đánh giá là "bước lùi" so với Mai - phim từng chinh phục công chúng lẫn giới chuyên môn của Trấn Thành, ra mắt năm 2024.
Đạo diễn Chung Chí Công - khán giả đi xem phim - cho rằng phần đầu mang màu sắc hài (sở trường của Trấn Thành), nhưng nửa sau chuyển sang tâm lý, lãng mạn khiến chân dung, cá tính và số phận nhân vật còn chưa được khắc họa trọn vẹn. Phim dài 132 phút nhưng kịch bản cũng chưa giải quyết được các mảng miếng bày ra. Blogger điện ảnh Tuyết Tùng Lukas nhận xét phim không có những cảnh đối đáp để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Theo anh, tác phẩm của Trấn Thành cho thấy sự nỗ lực tìm hiểu, ứng dụng về quay phim, kỹ xảo, ánh sáng nhưng vẫn vướng ở khâu kịch bản.
Tương tự, Đèn âm hồn - lấy ý tưởng từ truyện ngắn Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) - được đầu tư nhiều ở khâu bối cảnh, hình ảnh song nội dung còn nhiều lỗ hổng. Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân nói tác phẩm thiếu chất điện ảnh, gần giống một vở kịch trên màn ảnh rộng với lối diễn xuất còn "khoa trương". Đạo diễn Lý Minh Thắng cũng nhận xét cách kể chuyện thiếu sự gãy gọn, cô đọng của điện ảnh, chủ yếu theo hơi hướng của phim truyền hình.
Với Nụ hôn bạc tỷ, môtíp tình tay ba bị một bộ phận khán giả cho rằng màu sắc cũ kỹ. Diễn biến mối quan hệ giữa các nhân vật chưa thuyết phục, cách xây dựng lời thoại thiếu tự nhiên. Theo nhà báo Như Ngọc - cây bút chuyên về bình phim, tác phẩm "hài quá lố, đạo lý quá đà và mảng miếng 'nhai đi nhai lại' ".

Dàn diễn viên "Nụ hôn bạc tỷ" tại buổi giao lưu cine-tour ngày 14/2 ở TP HCM. Ảnh: Thảo Lê
Lý giải hiện tượng một số dự án đạt trăm tỷ đồng những chất lượng vẫn gây tranh cãi về ý kiến khen chê, đạo diễn Bùi Trung Hải nói hiện nay yếu tố truyền thông có sức tác động lớn đến phim. Theo ông, khả năng tạo chú ý với dư luận, đưa phim vào xu hướng nổi bật trên mạng xã hội, có thể ảnh hưởng doanh thu.
Giới chuyên môn nhận định về lâu dài, phim hay mới giữ chân người xem. Ông Bùi Trung Hải nói khán giả vẫn chờ đợi, ủng hộ phim Việt có nội dung tốt. "Việc đầu tư quá lớn cho khâu quảng bá, khiến tác phẩm vượt xa giá trị thực của phim, sẽ có thể khiến người xem mất lòng tin ở những lần ra mắt sau", ông nhận định.
Đồng quan điểm, Trần Thanh Huy - đạo diễn Ròm - cho rằng những năm gần đây, công chúng được nâng tầm về thẩm mỹ điện ảnh nhờ dễ tiếp cận các phim hay của Hollywood và khu vực. "Nếu đạo diễn không cập nhật kiến thức, xu hướng làm phim, họ sẽ lạc hậu và tự đánh mất người xem. Điều đó được thể hiện qua doanh số bán vé sụt giảm (đối với dòng phim thương mại)", anh nhận xét.
Còn đạo diễn Charlie Nguyễn kết luận dù doanh thu là một trong số tiêu chí quan trọng đánh giá thành công của một phim điện ảnh, một bộ phim hay và định hình thương hiệu cá nhân đạo diễn mới là câu chuyện lâu dài. Mỗi khi khán giả nhắc tên nhà làm phim, họ chỉ nhớ đến thể loại gắn bó với người đó, như tình cảm gia đình, hài - lãng mạn, hành động. "Tôi nghĩ thương hiệu càng uy tín, cộng đồng fan càng lớn thì doanh số càng cao", đạo diễn Dòng máu anh hùng nói.