|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao chứng khoán Mỹ bất ngờ ‘loạng choạng’ trong những ngày đầu năm 2024?

07:51 | 05/01/2024
Chia sẻ
Trái với đà tăng không ngừng nghỉ trong những tuần cuối năm 2023, thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ sụt giảm trong ba phiên giao dịch đầu năm mới.

Nhà đầu tư trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York ngày 2/1/2024. (Ảnh: Bloomberg). 

Trong một lưu ý công bố vào ngày 3/1, ông Jonas Goltermann, Phó giám đốc kinh tế thị trường của Capital Economics, nhận xét: “Có thể nói rằng thị trường chứng khoán Mỹ đã khởi đầu năm 2024 như một người vẫn còn chếnh choáng men say”.

Quả thực, diễn biến của chứng khoán Mỹ trong ba ngày đầu năm 2024 khác xa đà tăng mạnh mẽ hồi cuối năm ngoái. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite có diễn biến tiêu cực nhất, giảm hơn 3% trong ba phiên sau khi nhảy vọt gần 40% trong năm 2023.

Trong lưu ý, ông Goltermann đã chỉ ra ba nguyên nhân chính khiến thị trường bất ngờ sảy chân vào đầu năm mới. Một số lý do có vẻ khá bình thường, số khác có thể tạo ra tác động lâu dài đối với nền kinh tế và thị trường toàn cầu.

Củng cố sau khi tăng mạnh

Chứng khoán không đi theo đường thẳng. Ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và chứng khoán có đủ mọi yếu tố để bùng nổ thì thị trường luôn có những ngày sụt giảm. Chỉ số S&P 500 đi lên liên tiếp trong 9 tuần cuối năm 2023 - đà tăng dài nhất trong 34 năm.

Ông Goltermann cho biết: “Cách giải thích đầu tiên và đơn giản nhất là sau đà tăng mạnh mẽ của hầu hết mọi loại tài sản tài chính trong hai tháng cuối năm 2023, có thể thị trường cần một giai đoạn củng cố hoặc điều chỉnh”.

 

 

 

 

Ông Jay Hatfield, CEO Infrastructure Capital Management, cho biết tâm lý của nhà đầu tư và lợi ích về thuế khi chốt lời vào đầu năm mới là những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường hiện nay. Ông giải thích: “Thị trường đã trải qua một đợt sóng tăng và các nhà đầu tư đã lãi khá nhiều. Vậy nên mọi người đều nghĩ: ‘Thị trường có vẻ sắp suy yếu, do đó tôi nên chốt lời’”.

Vị CEO giữ nguyên dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ cán mốc 5.500 điểm trong năm 2024. Ông tin sự suy yếu của thị trường trong những ngày gần đây chỉ thể hiện giai đoạn củng cố “bình thường”, không phải điềm báo gở cho tương lai.

Nhà đầu tư bớt lạc quan về chính sách tiền tệ

Ông Goltermann lo rằng những nhà đầu tư từng vui mừng vào tháng 12 có thể đang bị bất ngờ bởi giọng điệu cứng rắn của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này. Ông viết trong lưu ý: “Các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách đẩy lùi kỳ vọng của thị trường rằng họ sắp sửa giảm lãi suất”.

Hôm 3/1, ông Thomas Barkin, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, cảnh báo ngân hàng trung ương Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới nếu thấy lạm phát vẫn cứng đầu.

Theo ông Goltermann, có thể một số nhà đầu tư đang nghĩ là Fed sẽ không giảm lãi suất nhiều như dự đoán ban đầu của họ, điều này khiến cho cổ phiếu gặp áp lực.

Tuy nhiên, Capital Economics nhìn nhận khả năng Fed tăng lãi suất trở lại “rất khó tin”. Ông Goltermann viết: “Chúng tôi nghĩ Fed và hầu hết các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất chính sách”.

Biên bản cuộc họp tháng 12 cho thấy các quan chức tin là họ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống lạm phát và dự kiến sẽ hạ lãi suất, nhưng chưa thể thống nhất về thời điểm và quy mô của các đợt cắt giảm. Biên bản nhấn mạnh “mức độ không chắc chắn cao bất thường” về lộ trình chính sách và điều này khiến một số nhà đầu tư lo lắng.

Ông Thomas Simons, nhà kinh tế cấp cao của Jefferies, nhận thấy biên bản cuộc họp vừa được công bố “mang hơi hướng diều hâu hơn nhiều” cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi cuối năm ngoái. Ông cho là ngôn ngữ của biên bản đã được “chỉnh sửa” để tránh bị diễn giải theo hướng bồ câu.

Khủng hoảng Biển Đỏ thổi bùng nỗi lo lạm phát

Căng thẳng ở Trung Đông vẫn leo thang trong bối cảnh Israel tiếp tục tấn công Gaza. Nhóm phiên quân Houthi đã tấn công tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ - tuyến đường quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tờ Fortune cho biết khoảng 15% lưu lượng vận chuyển hàng hải của thế giới đi qua Biển Đỏ mỗi năm. 

Cuối tuần trước, trực thăng của Hải quân Mỹ đã phá hủy ba tàu của Houthi sau khi một tàu vận tải bị tấn công. Iran đáp trả bằng cách triển khai tàu chiến. Các hãng vận tải khổng lồ bao gồm Maersk và Mediterranean Shipping Co. đã đình chỉ hoạt động ở Biển Đỏ, buộc nhiều tàu container phải đi vòng quanh châu Phi để đưa hàng hóa sang phương Tây.

Một số người lo ngại chi phí vận tải gia tăng và các vấn đề chuỗi cung ứng từ khủng hoảng Biển Đỏ có thể khiến lạm phát nóng lên, nhưng ông Goltermann cho rằng kịch bản này ít có khả năng xảy ra. Theo ông, mối nguy thực sự là cuộc chiến Israel - Hamas “leo thang thành xung đột toàn Trung Đông”.

Ông giải thích: “Diễn biến này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng tới triển vọng kinh tế toàn cầu, bao gồm nguy cơ giá năng lượng tăng đột biến khiến các ngân hàng trung ương lùi thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ”. Nhưng bất chấp căng thẳng gia tăng tại Trung Đông và nguy cơ lãi suất cao hơn dự báo, ông Goltermann vẫn giữ nguyên quan điểm lạc quan về chứng khoán Mỹ.

Ông kết luận: “Nhìn chung, tôi nghĩ bức tranh tổng thể vẫn khá tươi sáng đối với cổ phiếu và trái phiếu. Có thể thị trường sẽ còn phải trải qua một số sự kiện bất ổn, nhưng chúng tôi nghĩ chủ đề quan trọng nhất của năm 2024 vẫn là các ngân hàng trung ương chuyển sang nới lỏng chính sách”. 

Giang

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.