|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao các công ty chứng khoán tích cực 'gom' trái phiếu ngân hàng?

07:05 | 30/09/2019
Chia sẻ
Các công ty chứng khoán liên tục mua vào một lượng lớn trái phiếu ngân hàng có lãi suất chỉ dưới 7%. Mục đích thực sự sau các đợt "gom hàng" này là gì?
C63D99A66D1448B37542CAA8CAF81B42

Ảnh minh họa (Nguồn: Nhà đầu tư)

Công ty chứng khoán mua hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu ngân hàng

Hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng tiếp tục diễn ra nhộn nhịp trong tháng 9 với khối lượng huy động lên tới hàng nghìn tỉ đồng mỗi đợt. Đáng chú ý, với mức lãi suất thấp hơn nhiều lãi suất tiết kiệm cùng kì hạn nhưng trái phiếu ngân hàng vẫn rất "đắt hàng" và các nhà đầu tư thu mua trái phiếu ngân hàng phần lớn đều là các công ty chứng khoán.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) thông báo phát hành thành công 500 tỉ đồng trái phiếu 3 năm vào ngày 24/9 với lãi suất 6,6%/năm. Toàn bộ lượng trái phiếu trên được công ty chứng khoán SSI mua trọn.

Trước đó, Công ty chứng khoán VNDirect cũng đã trở thành trái chủ duy nhất của lô 200 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 3 năm, lãi suất cố định 6,6%/năm của OCB.

VNDirect cũng là công ty chứng khoán đã mua trọn lô 400 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 3 năm của ngân hàng MSB (ngày 11/9) và lô 200 tỉ đồng trái phiếu 3 năm, lãi suất 6,7%/năm do LienVietPostBank phát hành vào ngày 3/9.

Ngày 16/9, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết đã phát hành riêng lẻ thành công 950 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 3 năm với lãi suất cố định 7%/năm. Toàn bộ lượng trái phiếu trên được một công ty chứng khoán trong nước bí ẩn mua hết. Trong tháng 8, một công ty chứng khoán không lộ "danh tính" cũng đã mua toàn bộ 2.000 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 2 năm do SHB phát hành.

Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), trong hai ngày 17/9 và 19/9, ngân hàng này đã phát hành thành công 2.600 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 2 năm và 3 năm với lãi suất 6,7%/năm đối với kì hạn 2 năm và 6,8%/năm đối với kì hạn 3 năm.

Tất cả lượng trái phiếu được ACB phát hành trong hai đợt vừa qua đều do các nhà đầu tư tổ chức mua. Mặc dù ACB không công bố thông tin trái chủ tuy nhiên theo lịch sử các đợt phát hành trước đo, phần lớn trái phiếu của ngân hàng này đều do các công ty chứng khoán mua vào.

Các công ty chứng khoán tích cực 'gom' trái phiếu ngân hàng nhằm mục đích gì? - Ảnh 2.

Thống kê hoạt động phát hành trái phiếu của Ngân hàng ACB trong nửa đầu năm 2019 (Nguồn: Viettimes, HNX)

Người cuối cùng nắm giữ trái phiếu ngân hàng là ai?

Thông thường khi mua vào trái phiếu các công ty chứng khoán có hai mục đích: Thứ nhất, nắm giữ như một loại tài sản tài chính; thứ hai là nhằm phân phối lại cho các nhà đầu tư khác.

Với mặt bằng chỉ dao động dưới 7%, lãi suất trái phiếu ngân hàng hiện đang thấp hơn cả lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm cùng kì hạn chứ chưa kể tới lãi suất trái phiếu doanh nghiệp các ngành nghề khác đang dao động từ 10 - 14%/năm. Bên cạnh đó, với qui mô nguồn vốn tương đối thấp (chủ yếu dưới 10.000 tỉ đồng) thì việc nắm giữ một lượng lớn trái phiếu lãi suất thấp (mỗi đợt lên tới hàng nghìn tỉ đồng) chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của các công ty chứng khoán.

Chính vì vậy, mục đích các công ty chứng khoán mua trái phiếu ngân hàng nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư là rất thấp. Chưa kể, một số công ty này đang phải đi vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu với lãi suất từ 9 – 11%/năm thì việc nắm giữ một lượng lớn trái phiếu ngân hàng có lãi suất dưới 7%/năm là điều "không bình thường".

Còn đối với mục đích mua vào để phân phối lại thì câu hỏi đặt ra là những nhà đầu tư nào sẵn sàng mua lại lượng trái phiếu ngân hàng có lãi suất thấp như vậy?

Câu trả lời có lẽ nằm ở chính bảng cân đối kế toán của chính các ngân hàng. Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 18 ngân hàng niêm yết, tính đến cuối tháng 6/2019, tổng giá trị chứng khoán nợ (tức trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi) được các ngân hàng nắm giữ chéo lẫn nhau đã tăng thêm 50.500 tỉ đồng (tương ứng tăng 26%) so với thời điểm đầu năm.

Với tốc độ tăng như vậy, đây là một trong những khoản mục tài sản tăng nhanh nhất của các ngân hàng, gấp 4,5 lần tốc độ tăng của tổng tài sản (5,9%)

Đáng chú ý, trong công bố thông tin kết quả các đợt phát hành trái phiếu từ đầu năm đến nay, chưa có một nhà băng nào được công bố là người mua trực tiếp. Như vậy, câu hỏi đặt ra là nếu không phải mua trực tiếp trái phiếu tại thời điểm phát hành thì các ngân hàng mua trái phiếu của nhau từ nguồn nào? Phải chăng là từ chính các công ty chứng khoán?

Các công ty chứng khoán tích cực 'gom' trái phiếu ngân hàng nhằm mục đích gì? - Ảnh 3.

Nguồn: PV tổng hợp

Ngân hàng sở hữu chéo trái phiếu của nhau

Tại báo cáo về thị trường trái phiếu 6 tháng đầu năm, SSI Research cho rằng rất có thể các NHTM đã sở hữu chéo các trái phiếu của nhau, mục đích là để gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỉ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỉ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn của NHNN.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng đã nhận định rằng hệ số an toàn vốn (CAR) toàn hệ thống ngân hàng chưa tin cậy khi một số nhà băng đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau, làm "cải thiện ảo" hệ số CAR.

Mặc dù báo cáo của Kiểm toán Nhà nước dựa trên số liệu của năm 2017 và NHNN cũng đã ban hành Thông tư 19/2017 để hạn chế tình trạng tăng vốn ảo, tuy nhiên trong bối cảnh vấn đề tăng vốn của hệ thống ngân hàng đang trở nên cấp bách thì cũng cần đề phòng một kịch bản tương tự có thể lặp lại.

Quốc Thụy