Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thuận lợi cho tăng trưởng
Theo bà Bùi Thị Quỳnh Nga, Chuyên viên cao cấp phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), giai đoạn khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã qua, đặc biệt là khi các các quy định pháp lý mới được áp dụng, giúp thị trường minh bạch, bền vững hơn. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ổn định ở mức 4 - 5% cũng thúc đẩy dòng tiền chuyển dịch sang các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn.
Bên cạnh đó, nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn cũng kéo theo kỳ vọng về sự hồi phục trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ đó, giúp cho chất lượng tài sản của các doanh nghiệp tốt hơn và là cơ sở để nhà đầu tư gia tăng niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định: Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần bước vào giai đoạn ổn định, quá trình tái cơ cấu tiếp diễn với Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08) trong bối cảnh thuận lợi hơn nhờ lãi suất vẫn đang ở mặt bằng thấp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp cũng dần đi vào ổn định với lượng trái phiếu niêm yết và thanh khoản tăng.
Dữ liệu từ Bộ Tài chính, trong năm 2024, đã có 96 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với với khối lượng 396,7 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2023. Trong khi đó, khối lượng mua lại trước hạn khoảng 187 nghìn tỷ đồng (giảm 24,7% so với năm 2023).
Trên thị trường đã có 1.431 mã trái phiếu của 326 tổ chức phát hành thực hiện đăng ký giao dịch trên Hệ thống giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tổng giá trị giao dịch đạt 1.026,6 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.224,8 tỷ đồng/phiên. Những diễn biến trên cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã “ấm” lên.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một yếu tố then chốt trong phát triển thị trường vốn của mỗi quốc gia. Nhằm thúc đẩy sự phát triển này, Chính phủ đã đặt mục tiêu nâng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp lên 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn cần có hướng phát triển mới để ổn định trong tương lai.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, những điều chỉnh như sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (Nghị định 65), tăng thêm tiêu chuẩn của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đưa thêm điều kiện phải có tài sản đảm bảo vào phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới chỉ giúp thị trường nhích lên được vài bước. Để đi đường dài cần phát triển kênh phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây là hướng đi theo thông lệ quốc tế và cũng là hướng đi duy nhất giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch và bền vững. Luật Chứng khoán (sửa đổi) mới nhất dù không siết chặt thêm điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng, song cũng chưa có động thái “mở” thêm với kênh này.
Trái phiếu phát hành ra công chúng giúp hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp được giám sát tốt hơn, thông tin minh bạch hơn, hàng hóa có chất lượng hơn. Ở đó, các nhà đầu tư không cần quan tâm đến các thông tin phức tạp như báo cáo tài chính mà chỉ cần quan tâm đến xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.
Theo Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể theo hướng minh bạch hơn và có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt thông qua việc minh bạch thông tin và sử dụng xếp hạng tín nhiệm.
Việc xếp hạng tín nhiệm trái phiếu phát hành không chỉ cung cấp thông tin đầy đủ mà còn phản ánh chính xác rủi ro. Qua đó, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư và nâng cao hiệu quả thị trường.
Sự thay đổi trong luật chứng khoán và các nghị định sắp tới sẽ thúc đẩy xếp hạng tín nhiệm trở thành xu hướng phổ biến nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Đây là một bước tiến tất yếu, đồng thời đã trở thành thông lệ tại các thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên thế giới.
Trong khu vực châu Á, tỷ lệ trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm đạt mức cao: Indonesia 92%, Thái Lan 84%, Malaysia 56%, Trung Quốc 44%và Philippines 16%.
Việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm, đặc biệt là xếp hạng tín nhiệm trái phiếu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam đạt mục tiêu dư nợ trái phiếu vào năm 2030, là điểm sáng mang lại sự phát triển bền vững cho thị trường tài chính Việt Nam, VIS Rating nhận định.
Bên cạnh xếp hạng tín nhiệm, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, muốn đầy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng cần phải rút ngắn hồ sơ phát hành ra công chúng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay vì chờ đợi 6 tháng đến 1 năm mới được xét duyệt hồ sơ phát hành như hiện nay. Khi đó các doanh nghiệp cũng không bỏ lỡ mất các cơ hội kinh doanh, đầu tư trong đợt xét duyệt hồ sơ phát hành trái phiếu.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, trong xu hướng xanh hóa của nền kinh tế, thị trường trái phiếu xanh cũng cần được quan tâm và chú trọng hơn. Đồng thời, có những quy định cụ thể về khung xanh.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trái phiếu xanh có đặc điểm là thời gian phát hành dài và lãi suất thấp, do đó cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp phát hành các loại trái phiếu này. Các chính sách có thể bao gồm việc cho vay không cần thế chấp, cung cấp lãi suất ưu đãi và đặc biệt là thành lập các quỹ đầu tư xanh. Khi có những cơ chế này, kênh trái phiếu xanh mới phát triển và hoạt động hiệu quả.
Đánh giá về thị trường tráI phiếu doanh nghiệp hiện nay, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, hiện nay, cơ quan chức năng đang hoàn thiện hạ tầng thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo…
Nhờ đó, trái phiếu doanh nghiệp đang dần lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, nên nhiều cơ sở kỳ vọng thị trường sẽ phát triển tốt hơn trong năm 2025.