|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ai đang gom trái phiếu ngân hàng?

13:37 | 20/06/2019
Chia sẻ
Mặc dù có mức lãi suất không cạnh tranh nhưng lượng trái phiếu mà ngân hàng phát hành từ đầu năm tới nay vẫn được bán sạch. Phần lớn nhà đầu tư sở hữu lượng trái phiếu trên đều là các công ty chứng khoán và chính các ngân hàng khác.

trai-phieu-ngan-hang

Ảnh minh họa. (Nguồn: Cointelegraph)

Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu

Theo số liệu tổng hợp của công ty chứng khoán MBS, tính từ đầu năm đến nay có gần 60 nghìn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được (TPDN) được phát hành, trong đó lượng trái phiếu do nhóm ngành ngân hàng phát hành đứng đầu với 18.200 tỉ đồng, chiếm khoảng 30%.

Trong 18.200 tỉ đồng trái phiếu ngân hàng trên, VPBank phát hành 5.900 tỉ đồng, ABBank phát hành 2.500 tỉ đồng, ACB phát hành 2.350 tỉ đồng, HDBank và LienVietPostBank phát hành lần lượt 2.000 tỉ đồng và 1.000 tỷ đông, số còn lại do SeABank, BacABank và VIB phát hành.

Bên cạnh lượng trái phiếu đã phát hành thành công những kế hoạch phát hành trái phiếu mới cũng được nhiều nhà băng công bố. 

VietinBank đã được NHNN cho phép phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu trong năm nay với lãi suất do ngân hàng tự quyết định. 

HĐQT của ACB cũng đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm 2019 tổng cộng 5.500 tỉ đồng kỳ hạn 2 - 3 năm, lãi suất cổ định và tối đa không quá 6,75%/năm đối với kỳ hạn 3 năm và 6,7%/năm đối với kỳ hạn 2 năm.

Nhu cầu tăng vốn của các Ngân hàng đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trong năm 2019 khi thời điểm áp dụng thông tư 41/2016/TTNHNN với những quy định về tỷ lệ an toàn theo chuẩn Basel II đang đến gần. Trong khi đó, bất chấp nhiều nỗ lực, vốn của các ngân hàng gần như không có sự thay đổi đáng kể trong thời gian qua.

Theo thống kê mới nhất về hoạt động của hệ thống TCTD, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm NHTM nhà nước vào cuối tháng 4/2019 chỉ đạt 9,61%, thấp hơn nhiều so với bình quân của hệ thống là trên 12%. Trong khi tỷ lệ này tại khối và NHTM cổ phần cũng chỉ là hơn 11%.

Trái chủ là ai?

Theo kết quả chào bán trái phiếu riệng lẻ của VPBank, thì tất cả 5.900 tỉ đồng trái phiếu do ngân hàng này phát hành thành công từ đầu năm tới nay đều do CTCP Chứng khoán VPS (VPS) làm đại lý phát hành. Đồng thời, VPS cũng chính là nhà đầu tư đã mua toàn bộ số trái phiếu mà VPBank phát hành từ đầu năm tới nay.

Như vậy, giả sử tổng tài sản của VPS không thay đổi so với cuối tháng 3 (ở mức hơn 10.180 tỉ đồng) thì lượng trái phiếu do VPBank phát hành mà VPS nắm giữ chiếm khoảng 58% tổng tài sản của công ty chứng khoán này.

Cần nói thêm rằng, VPS có tiền thân là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS). Mặc dù, VPBank đã thoái 89% vốn góp tại tại VPS vào tháng 12/2015 nhưng VPBank vẫn là ngân hàng tài trợ nhiều vốn nhất cho VPS (đến cuối quý I, VPBank cho VPS vay tổng cộng hơn 2.300 tỉ đồng với mức lãi suất 9 -11%/năm, tương đương 23% tổng nguồn vốn của công ty chứng khoán này).

Tại ACB, toàn bộ lô trái phiếu 2.350 tỉ đồng do ngân hàng này phát hành trong tháng 4 cũng được bán hết cho CTCP Chứng khoán VNDirect và CTCP Chứng khoán SHS. 

Còn đợt phát hành mới nhất vào ngày 10/6, 1.500 tỉ đồng trái phiếu của ACB cũng được Chứng khoán VNDirect và Chứng khoán KB Việt Nam mua trọn.

Tương tự, trong tháng 5, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cũng là nhà đầu tư duy nhất mua trọn lô trái phiếu giá trị 1.000 tỉ đồng do LienVietPostBank phát hành.

Đáng chú ý, mặc dù ABBank không công bố tên trái chủ nhưng theo Viettimes đưa tin thì toàn bộ 2.500 tỉ đồng trái phiếu do ABBank phát hành trong tháng đã được 4 ngân hàng Techcombank, MBBank, MSB và VIB mua.

Đợt phát hành thành công 100 tỉ đồng trái phiếu vào giữa tháng 5 của VIB, kỳ hạn 5 năm, lãi suất kỳ đầu tiên là 8,825%/năm, một công ty bảo hiểm đã mua lại số trái phiếu này.

300 tỉ đồng trái phiếu do BacABank phát hành hôm 20/5, kỳ hạn 3 năm với lãi suất 6,5 - 6,8%/năm, chứng khoán VNDirect làm đại lý, ngân hàng chỉ cho biết một cách rất chung chung là "nhà đầu tư A" đã mua toàn bộ lượng trái phiếu.

Dù biết trong danh mục đầu tư của các ngân hàng và các công ty chứng khoán thì trái phiếu là bộ phận tài sản không thể thiếu. Tuy nhiên, việc phần lớn trái chủ của các trái phiếu ngân hàng lại chính là các ngân hàng khác và một số công ty chứng khoán cũng đặt ra nhiều câu hỏi.

Thứ nhất, mặc dù mức lãi suất trái phiếu ngân hàng thấp hơn nhiều so với trái phiếu doanh nghiệp nhưng vì sao các đợt phát hành trái phiếu của các nhà băng đều hút khách, được nhà đầu tư mua "sạch", kể cả khi trái phiếu của các ngân hàng không có tài sản đảm bảo và kì hạn trả lãi dài hơn trái phiếu doanh nghiệp.

Ai đang ‘gom’ trái phiếu ngân hàng? - Ảnh 2.

Mức lãi suất trái phiếu do ngân hàng phát hành phổ biến dưới 7%/năm trong khi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trong khoảng 9,5 - 12%/năm, thậm chí lên tới 14,5%/năm. (Nguồn: MBS)

Thứ hai, trong bối cảnh Techcombank, MBBank, MSB và VIB phải huy động tiền gửi cho kì hạn 3 năm lên tới với lãi suất mức từ 7 – 8%/năm (chưa kể các chi phí vốn khác) hay công ty chứng khoán VPS phải đi vay với mức lãi suất từ 9 – 11%/năm thì tại sao các nhà đầu tư này lại sẵn sàng mua vào một lượng lớn trái phiếu cùng kì hạn chỉ có lãi suất dưới 7%. Hiệu quả sử dụng vốn của các nhà đầu tư chuyên nghiệp này liệu có được đảm bảo?

Trong một diễn biến khác, báo cáo mà Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội vừa qua cho rằng, hệ số an toàn vốn (CAR) toàn hệ thống ngân hàng chưa tin cậy khi một số nhà băng đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau, làm "cải thiện ảo" hệ số CAR.

Mặc dù báo cáo của Kiểm toán Nhà nước dựa trên số liệu của năm 2017 và NHNN cũng đã ban hành Thông tư 19/2017 để hạn chế tình trạng tăng vốn ảo tuy nhiên trong bối cảnh vấn đề tăng vốn của hệ thống ngân hàng đang trở nên cấp bách thì cũng cần đề phòng một kịch bản tương tự có thể lặp lại.

Quang Diệu

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.