|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VDSC: Xuất khẩu dệt may quý I tăng 23% nhờ nhu cầu tăng mạnh

10:16 | 13/04/2022
Chia sẻ
Trong quý I, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 8,8 tỷ USD nhờ nhu cầu tăng bật sau khi dồn nén bởi đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã có đơn hàng cho đến quý III.

Đơn hàng dồi dào năm 2022, xuất khẩu dệt may quý I tăng 23%

Theo CTCK Rồng Việt, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 8,8 tỷ USD, nhờ nhu cầu tăng bật sau khi dồn nén bởi đại dịch COVID-19 và sự phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

Đáng chú ý, thị trường Mỹ có mức tăng trưởng mạnh nhất, khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng gần 50% giá trị xuất khẩu hàng dệt may.

 

McKinsey, công ty tư vấn quản lý toàn cầu cho biết doanh số bán hàng thời trang toàn cầu đang trên đà tăng trưởng vào năm 2022.

Nhiều thương hiệu thời trang lớn như Nike, Adidas, Columbia, H&M đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu năm 2022 trong khoảng 10 - 20% so với năm 2021, cho thấy nhu cầu tiêu dùng tăng cao sẽ tạo điều kiện thúc đẩy đơn hàng cho các công ty dệt may.

Điều này có nghĩa các doanh nghiệp dệt may lớn ở Việt Nam đã nhận được đơn đặt hàng cho đến cuối quý III. Do đó, VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt trogn quý I và cả năm 2022.

Trung Quốc tiếp tục theo đuổi Zero COVID, giá nguyên vật liệu phi mã

Ngành công nghiệp thời trang đang phải đối mặt với áp lực giá nguyên liệu cao vì chiến tranh Nga-Ukraine. Do căng thẳng leo thang, giá dầu thế giới đã tăng mạnh.

Điều này có nghĩa là các loại sợi dệt có nguồn gốc từ dầu mỏ, chẳng hạn như polyester, có thể phải đối mặt với áp lực giá rất lớn.

Khi sợi nhân tạo trở nên đắt hơn, nhu cầu đối với sợi tự nhiên cũng có thể tăng lên, kéo dài lạm phát giá đối với sợi tự nhiên.

Hơn nữa, việc đóng cửa ở Thượng Hải gần đây có thể đe dọa chuỗi cung ứng hàng may mặc, việc giao nhận hàng hóa chậm trễ liên quan đến việc kiểm soát COVID, gây bất lợi đến ngành công nghiệp may mặc. Bởi thực tế, 50% nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Việc đóng cửa này có thể gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu, làm chậm thời gian giao hàng hoặc đẩy giá nguyên liệu lên cao. Thậm chí, VDSC lo ngại nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi Zero COVID và tiếp tục đóng cửa trên quy mô lớn sẽ khiến chuỗi cung ứng ngành dệt may càng thêm căng thẳng.

Theo phỏng đoán trên, VDSC cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty dệt may Việt Nam sẽ khó cải thiện trong năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu cao từ các thương hiệu thời trang, VDSC cũng kỳ vọng các công ty này có thể tăng giá bán để duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp bằng mức của năm 2021.

Doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng khả quan

Trong quý I, xuất khẩu dệt may đều có thuận lợi và khó khăn. Tuy nhiên, nhìn về bức tranh tổng thể năm 2022, nhiều công ty đặt ra định hướng kinh doanh với mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan.

Cụ thể, doanh thu dự kiến ​​năm 2022 của dệt may Thành Công (Mã: TCM), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG), Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) và May Việt Tiến (Mã: VGG) lần lượt là 4.180 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2021; 5.990 tỷ đồng, tăng 10%; 2.606 tỷ đồng, tăng 28% và 6.500 tỷ đồng, tăng 8%.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế dự kiến trong năm 2022 lần lượt là 254 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2021; 279 tỷ đồng, tăng 20%; 300 tỷ đồng, tăng 8%; 150 tỷ đồng, tăng 50%.

 

VDSC cho rằng tiềm năng đơn hàng may mặc dồi dào có thể bù đắp áp lực chi phí đầu vào và kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận của các công ty là tương đối phù hợp.

Các công ty bị ảnh hưởng nặng trong quý III/2021 như Dệt may Thành Công, May Việt Tiến sẽ phục hồi mạnh vào năm 2022, trong khi các doanh nghiệp khác đã phục hồi vào năm 2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ lượng đơn đặt hàng dồi dào.

Hơn nữa, các công ty bắt đầu vận hành nhà máy mới hoặc ghi nhận doanh thu đột biến từ mảng bất động sản vào năm 2022 cũng sẽ là chất xúc tác giúp các công ty này có kết quả kinh doanh năm 2022 tăng trưởng tích cực.

Hoàng Anh