VCCI kiến nghị mở rộng phạm vi, quy mô hỗ trợ doanh nghiệp
VCCI vừa có ý kiến gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Kéo dài chính sách hỗ trợ đến hết tháng 6/2022
VCCI đánh giá, theo kết quả điều tra gần 12.000 DN tại 63 tỉnh, thành phố mà VCCI tiến hành cuối năm 2020, các nhóm giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các DN.
Vì thế, VCCI cho rằng, việc Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 (gọi tắt là Dự thảo) trong thời điểm này là hết sức cần thiết. Đây được xem là giải pháp kịp thời hỗ trợ người dân, DN đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh.
Theo đề xuất trong Dự thảo, các giải pháp hỗ trợ về thuế gồm: Giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập DN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng kể từ thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2021 đối với DN trong một số ngành, lĩnh vực;
Giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.
Như vậy, thời hạn áp dụng cho các giải pháp hỗ trợ này chỉ giới hạn trong năm 2021. Nhưng VCCI cho rằng, sớm nhất phải đến quý I/2022, các hoạt động kinh doanh mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, DN sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất-kinh doanh của mình.
Do đó, để bảo đảm tính hiệu quả, ổn định và có hiệu lực thực tế của chính sách hỗ trợ, VCCI đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ đến hết tháng 6/2022.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đưa ra mức giảm thuế VAT cho các loại hình dịch vụ (như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim…) là 30%. Nhưng VCCI cho rằng, mức hỗ trợ này cần mở rộng ra đến 50% để tạo ra hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn đối với các ngành đang chịu ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa 2017, một trong những tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa là có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ. Mặt khác, cũng theo Báo cáo Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với DN Việt Nam, các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu khá lớn và chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19.
Vì thế, chính sách giảm thuế cho DN có doanh thu 2021 không quá 200 tỷ sẽ loại bỏ một số DN nhỏ và vừa ra khỏi đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này. VCCI cho rằng cần xác định đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế thu nhập DN là các DN có tổng doanh thu của năm 2020 không quá 300 tỷ đồng.
Hỗ trợ chi phí phát sinh cho DN khi thực hiện giãn cách
Hiện nay, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, nhiều DN đang cố gắng cầm cự hoạt động và chịu rất nhiều chi phí liên quan đến phòng chống dịch như chi phí xét nghiệm định kỳ, chi phí tổ chức sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "2 địa điểm-1 cung đường"…
Theo phản ánh từ các DN thì các chi phí phòng chống dịch bệnh này quá lớn, khiến cho DN không thể có hiệu quả kinh doanh, vốn tự có của DN đang bị ăn mòn. Việc DN cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất, đặc biệt là tại các địa phương đang bị phong toả, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là nỗ lực để tạo công ăn việc làm cho người lao động và giữ được khách hàng.
Chính vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ DN chi phí về phòng chống dịch bệnh trong quá trình duy trì sản xuất, ít nhất là tại các địa phương và trong thời kỳ giãn cách tại một số nơi theo Chỉ thị 16 thành các khoản được hỗ trợ từ ngân sách, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau.
“Đây là giải pháp hỗ trợ trực tiếp và thiết thực dành cho các DN gặp khó khăn về dịch bệnh. Chính sách này cũng rất công bằng, những DN nào cố gắng cao nhất để thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ và DN nào nỗ lực duy trì được càng nhiều việc làm thì được Nhà nước hỗ trợ càng lớn”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về nhóm giải pháp hỗ trợ, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, thời gian qua, với tinh thần đồng hành cùng DN, không chỉ có các gói hỗ trợ về chính tài khoá, tiền tệ, Chính phủ còn có nhiều chính sách khác hỗ trợ người dân và DN.
"Chính phủ yêu cầu giảm tiền điện, nước sạch và cước viễn thông cho người dân và DN là rất đáng hoan nghênh. Nhưng các DN hiểu rằng, với ngân sách hạn hẹp hiện nay, dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ không còn nhiều để bảo đảm giữ các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cộng đồng DN thấy rõ quyết tâm của Chính phủ là phòng, chống dịch hiệu quả nhưng cũng nỗ lực duy trì tăng trưởng, phấn đấu “mục tiêu kép”. Một trong những giải pháp tháo gỡ hiện nay chính là cải cách thể chế, đây chính là gói “hỗ trợ” còn dư địa lớn nhất với nhiều kỳ vọng từ các DN", ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Bên cạnh việc chống dịch quyết liệt, lãnh đạo Chính phủ cũng rất quan tâm đến tình hình "sức khoẻ" DN, hộ kinh doanh, coi đây là động lực phát triển kinh tế để thực hiện mục tiêu kép.
Văn phòng Chính phủ vừa gửi Công điện tới các bộ, ngành, địa phương và DN về cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Cụ thể, vào Chủ nhật (ngày 8/8), Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện DN, hiệp hội DN và các địa phương về các gói giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN trong bối cảnh đại dịch.