|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gặp khó khi áp dụng '3 tại chỗ', doanh nghiệp phía Nam đề xuất mô hình '2 tại chỗ'

12:51 | 05/08/2021
Chia sẻ
Việc áp dụng mô hình "3 tại chỗ" tại các tỉnh thành phía Nam đã bộc lộ ra những hạn chế, sự không hiệu quả và cần có những thay đổi để phù hợp.

Mô hình "3 tại chỗ" đã và đang được các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh - nơi từng là điểm nóng khi dịch hoành hành trong các khu công nghiệp - vận hành tương đối hiệu quả. Với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại phía Nam, doanh nghiệp tại đây cũng nỗ lực áp dụng mô hình này cũng không ít.

Song, việc thực hiện tại các doanh nghiệp phía Nam vấp phải nhiều khó khăn do điều kiện nhà xưởng, ký túc xá, số lượng công nhân đông. Hơn thế, chính là việc dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn Bắc Giang, Bắc Ninh.

Doanh nghiệp phía Nam gặp khó khi '3 tại chỗ', đề xuất mô hình '2 tại chỗ' - Ảnh 1.

Doanh nghiệp phía Nam gặp khó khi '3 tại chỗ', đề xuất mô hình '2 tại chỗ'. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Số ít có thể đáp ứng được "3 tại chỗ" lại đứng trước nguy cơ trở thành ổ dịch

Một vấn đề chung khiến doanh nghiệp và cả người lao động lo lắng chính là tình hình dịch bệnh đang diễn tiến phức tạp, cùng với đó là việc nhiều địa phương bắt đầu thực hiện đưa người lao động trở về quê tránh dịch. Không ít bộ phận người lao động lo sợ về việc lây nhiễm COVID-19 nên đã không đồng ý ở lại nhà máy.

Để đảm bảo sản xuất, Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt (Bình Dương) đã tiến hành bố trí cho 300/800 công nhân sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" từ ngày 10/7. Những công nhân thực hiện "3 tại chỗ" đều được xét nghiệm cho kết quả âm tính COVID-19.

Tuy nhiên, đến ngày 20/7, qua xét nghiệm định kỳ, công ty đã phát hiện ca F0 đầu tiên và chỉ trong vòng 5 ngày sau, số ca F0 đã lên tới 248 trường hợp. Trong công văn khẩn gửi đến UBND tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp này kêu cứu "chúng tôi đã kiệt sức không thể tự quản lý, kiểm soát công tác phòng chống dịch được nữa”.

Tại buổi tọa đàm về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 4/8, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) cho biết, hơn 30% người lao động đồng ý với giải pháp “3 tại chỗ”, vì họ không biết được dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu, bao giờ họ mới được trở về nhà. Trong khi đó, tới 70% người lao động lại không muốn điều này, rõ ràng tỷ lệ đang có sự chênh lệch.

Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ" và phải tạm dừng đóng cửa. Một số ít có thể đáp ứng được nhưng giờ đây lại đứng trước nguy cơ trở thành ổ dịch. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp khác đang áp dụng "3 tại chỗ" cũng phải băn khoăn, e ngại.

Chi phí quá cao, tâm lý người lao động bất an

Tại tọa đàm trực tuyến "Cà phê doanh nhân" do Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) tổ chức, ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP HCM, cho biết phương án "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế và có thể kéo dài tối đa khoảng một tháng.

Doanh nghiệp phía Nam gặp khó khi '3 tại chỗ', đề xuất mô hình '2 tại chỗ' - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực khi thực hiện "3 tại chỗ". (Ảnh minh họa: Dân trí).

Giải thích về vấn đền nay, ông cho hay, "vì suy cho cùng, chúng ta không thể biến các khu công nghiệp, khu sản xuất thành khu dân cư lâu dài. Tâm lý người lao động phải ở lâu trong nhà máy, nơi làm việc cũng khiến họ cảm thấy bức bối khi bị kiểm soát khắt khe".

Để đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" nhiều doanh nghiệp đã phải cơi nới, tận dụng tối đa diện tích để người lao động có thể vừa sản xuất, vừa cách ly tại chỗ. Tuy nhiên, chỉ sau hai tuần, mô hình này đã phát sinh nhiều vấn đề về điều kiện an toàn, vệ sinh và tâm lý bất ổn trong người lao động.

Bên những khó khăn trên, chi phí duy trình "3 tại chỗ" quá cao, doanh nghiệp không chỉ phải trang bị cơ sở vật chất sinh hoạt mà còn phải lo đời sống cho công nhân và chi phí xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho người lao động.

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Lý Kim Chi Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, Thực phẩm TP HCM, thông tin hiện nay có hơn 70% doanh nghiệp thuộc hiệp hội đang phải bán bù lỗ và bán huề vốn bởi giá nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh tại chỗ để lo cho công nhân đều tăng.

"Nếu phương án '3 tại chỗ' kéo dài trong một tháng thì các doanh nghiệp vài trăm công nhân có thể chịu được. Tuy nhiên đối với doanh nghiệp từ 300 - 1.000 công nhân thì sẽ kéo theo một loạt vấn đề, đặc biệt là vấn đề về dịch bệnh thì không thể lường trước được. Mỗi giám đốc doanh nghiệp giờ đây vừa phải chỉ đạo sản xuất vừa làm công tác dân vận, động viên giữ lực lượng công nhân", bà Lý Kim Chi cho biết.

Nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", tại Tiền Giang, doanh nghiệp muốn dừng sản xuất phải tổ chức xét nghiệm cho người lao động trước khi họ ngừng việc trở về nơi cư trú.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi doanh nghiệp đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí xét nghiệm, cơ sở vật chất trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ", nay không thể sản xuất nhưng vẫn phải tiếp tục bỏ chi phí xét nghiệm cho toàn bộ người lao động bằng phương pháp Realtime RT-PCR đắt đỏ.

Đề xuất "2 tại chỗ"

Thực tế cho thấy, không phải áp dụng thành công "3 tại chỗ" tại Bắc Giang, Bắc Ninh thành công thì các doanh nghiệp phía Nam cũng có thể áp dụng theo. Việc áp dụng mô hình này tại các tỉnh thành phía Nam đã bộc lộ ra những hạn chế, sự không hiệu quả. Thậm chí, đây còn là nơi dịch bệnh khu trú và loang ra rất nhanh và trở thành những chùm lây nhiễm.

Doanh nghiệp phía Nam gặp khó khi '3 tại chỗ', đề xuất mô hình '2 tại chỗ' - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn khi xuất hiện ca nhiễm COVID-19 trong bộ phận công nhân chỉ sau thời gian ngắn thực hiện. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Nhiều doanh nghiệp tại Tiền Giang đã đề xuất thay đổi mô hình hoạt động từ "3 tại chỗ" thành "2 tại chỗ" (ăn uống và làm việc tại chỗ). Đồng thời, doanh nghiệp sẽ thực hiện kiểm soát việc thực hiện xét nghiệm và đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc.

Tại cuộc Tọa đàm của VCCI ngày 4/8, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam, cho rằng qua quan sát thực tế, mô hình vòng bảo vệ "3 tại chỗ" chỉ hiệu quả như cơ chế tạm thời, nhưng nếu duy trì thời gian dài thì có chế này có thể không bền vững ở góc độ bảo vệ sức khỏe cho người lao động, sản xuất cho doanh nghiệp...

"Do đó, chúng tôi đề xuất nới lỏng mô hình "3 tại chỗ" bằng cách cho phép doanh nghiệp đưa rước công nhân về nhà, chịu trách nhiệm đưa đón công nhân đến nơi làm việc; đảm bảo quy trình sức khỏe nghiêm ngặt nhất", báo Tiền Phong dẫn lời Giám đốc AmCham Vietnam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng cho rằng khi lao động đã tiêm vắc xin đầy đủ có thể nghĩ đến tổ chức theo hướng kiểm soát chặt việc đi - đến nhà máy của người lao động theo một cung đường trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh.

"Rõ ràng, nếu kéo dài '3 tại chỗ' không chỉ doanh nghiệp khó về chi phí mà còn vấn đề làm sao để phòng chống dịch an toàn", ông nói.

Bên cạnh đó, việc thực hiện xét nghiệm cho công nhân theo quy định tại một số tỉnh phía Nam được đánh giá là không đánh giá được hiệu quả cụ thể mà lại tăng thêm áp lực chi phí xét nghiệp lớn cho doanh nghiệp. 

Tại Tiền Giang, ngay khi doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tỷ đồng để thực hiện mô hình "3 tại chỗ" thì tỉnh lại ra thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp đang áp dụng "3 tại chỗ" trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8 khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh hết sức bị động, khó khăn.

Trong công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng có văn bản khẩn gửi Thủ tướng đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Theo đó, Ban IV cho rằng chỉ nên tính toán thực hiện mô hình "3 tại chỗ" ở các địa phương có tình hình dịch bệnh vẫn ở diện "kiểm soát được".

"TP HCM và các tỉnh phía Nam, với mức độ lây lan dịch bệnh trong thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực và trên nhiều người lao động thì các nhà máy '3 tại chỗ' dù tổ chức xét nghiệm nghiêm túc trước khi tiến hành vẫn khiến doanh nghiệp gặp rủi ro, khả năng bùng phát bệnh là rất cao", TTXVN trích lời bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV.

Các địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" cần xây dựng và công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh trong trường hợp có F0 tại nhà máy "3 tại chỗ" và phổ biến, thảo luận trước với doanh nghiệp để phối hợp mọi nguồn lực ứng phó khi thực tiễn phát sinh. 

Ban IV đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình, bàn bạc thấu đáo các giải pháp nhằm tìm ra phương án có khả năng giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho cả địa phương và doanh nghiệp.

Phương Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.