|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vay ngân hàng rẻ hơn phát hành trái phiếu, các công ty chứng khoán đang vay bao nhiêu tiền?

08:00 | 13/08/2019
Chia sẻ
Tính đến ngày 30/6, các khoản vay và nợ thuê tài chính của nhóm CTCK là 42.741 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng tới 47,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay ngân hàng ở mức 34.758 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 81,3% trong cơ cấu nợ vay, cao hơn nhiều so với huy động từ trái phiếu chỉ 18,7%.

Các CTCK có tỉ lệ nợ vay cao

Theo số liệu từ Báo cáo tài chính (BCTC) quí II/2019 đã công bố của 26 công ty chứng khoán (CTCK), tính đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn của của nhóm chứng khoán ở mức 89.860 tỉ đồng. Trong đó, riêng các khoản vay và nợ thuê tài chính (các khoản nợ phải trả lãi) là 42.741 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng tới 47,6%.

Số liệu cũng cho thấy, các CTCK qui mô vốn lớn có xu hướng sử dụng nợ vay nhiều hơn so với nhóm qui mô nhỏ. Xét theo giá trị tuyệt đối, ba công ty có qui mô lớn nhất gồm Chứng khoán SSI (Mã: SSI), Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) và Chứng khoán VPS chiếm hơn 67% nợ vay của cả nhóm, với giá trị 28.724 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nếu tính theo giá trị tương đối, các doanh nghiệp trên cũng nằm trong top những CTCK có tỉ lệ nợ vay ở mức cao. 

Cụ thể, SSI tiếp tục dẫn đầu về qui mô vốn với giá trị 27.241 tỉ đồng, trong đó nợ vay chiếm 15.820 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 58,1% tổng nguồn vốn. Hai cái tên VNDirect và VPS vay nợ 7.149 tỉ đồng và 5.755 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng lần lượt 60% và 56% trong cơ cấu nguồn vốn.

ck

Các CTCK qui mô lớn có xu hướng sử dụng nợ vay nhiều hơn so với các công ty qui mô nhỏ. (Nguồn: ST tổng hợp từ BCTC)

Ngược lại, các CTCK vốn nhỏ gần như sử dụng nợ vay rất ít, khoảng 20% so với tổng nguồn vốn. Đơn cử, Chứng khoán Hải Phòng (Mã: HAC) vay 1,3%; Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC - Mã: BSI) vay 4,8% hay Chứng khoán Trí Việt (Mã: TVB) vay 23,1%.

Thậm chí, nhiều CTCK hoàn toàn không dùng các khoản nợ vay phải trả lãi như Chứng khoán An Phát (Mã: APG), Chứng khoán BOS (Mã: ART), Chứng khoán Dầu khí (PSI), Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), Chứng khoán Hòa Bình (HBS), Chứng khoán Sacombank (SBS), Chứng khoán Tiên Phong (ORS), Chứng khoán Đà Nẵng (DSC).

Vay ngân hàng chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ vay

Đầu năm 2019, Nghị định 163 của Chính phủ qui định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực đã nới lỏng một số điều kiện phát hành trái phiếu như không giới hạn quyền của tổ chức phát hành, không bắt buộc tổ chức phát hành phải có lãi năm liền trước.

Quy định này đã tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các CTCK để huy động vốn thông qua kênh trái phiếu trong bối cảnh điều kiện vay, tiếp cận vốn ngân hàng ngày càng khó, nhất là trong lĩnh vực mang tính rủi ro cao và cần nhiều vốn lưu động như tài chính, bất động sản, chứng khoán.

Tuy nhiên trên thực tế, các CTCK vẫn ưu tiên huy động vốn qua kênh vay ngân hàng hơn so với phát hành trái phiếu, đặc biệt là các công ty có qui mô lớn. Số liệu tại ngày 30/6 cho thấy, nhóm chứng khoán vay ngân hàng tổng cộng 34.758 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 81,3% trong cơ cấu nợ vay, cao hơn đáng kể so với huy động từ trái phiếu chỉ 18,7%.

Đáng chú ý, trong cơ cấu các khoản vay ngân hàng, các CTCK tập trung hoàn toàn vào vay ngắn hạn trong khi gần như không vay dài hạn; trường hợp duy nhất là VPS vay dài hạn 4 tỉ đồng, không đáng kể so với tổng vay nợ của doanh nghiệp này là 5.755 tỉ đồng.

ck2

Các CTCK sử dụng vốn vay ngân hàng nhiều hơn so với vay bằng trái phiếu. (Nguồn: ST tổng hợp từ BCTC)

Một số công ty thậm chí vay ngắn hạn 100% như Chứng khoán Thiên Việt (TVS), Chứng khoán FPT (FTS), Chứng khoán BSC, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) và Chứng khoán Hải Phòng. Các CTCK khác cũng ưu tiên sử dụng vốn vay ngân hàng với tỉ lệ cao gồm SSI (93,1%), VNDirect (95,8%), Chứng khoán TP HCM (HSC - Mã: HSC) (94,2%), VPS (82,3%), MBS (66,7%).

Ngược lại, các CTCK vốn trung bình và nhỏ lại ưu tiên huy động vốn bằng phát hành trái phiếu. Đơn cử, Chứng khoán Everest (Mã: EVS) huy động 393 tỉ đồng hoàn toàn qua trái phiếu, hay Chứng khoán Bảo Minh (99,7%), Chứng khoán IB (88,9%), Chứng khoán Trí Việt (82,6%).

Lãi suất vay ngân hàng thấp hơn đáng kể so với phát hành trái phiếu

Một trong những nguyên nhân khiến cho các CTCK ưu tiên vay vốn ngân hàng bởi kênh huy động này có lãi suất thấp hơn so với huy động bằng phát hành trái phiếu. Cụ thể, lãi vay ngân hàng trung bình của các CTCK ở mức khoảng 7%, thấp hơn đáng kể so với phát hành trái phiếu ngắn hạn (9,2%) và trái phiếu dài hạn (9,6%).

Lãi suất các khoản vay thường phụ thuộc vào kì hạn vay (kì hạn càng thấp thì lãi suất càng thấp), thời điểm giải ngân và tài sản đảm bảo. Theo đó, mức lãi suất đi vay cao nhất thuộc về Chứng khoán Bản Việt với tỉ lệ 11%, trong khi lãi suất thấp nhất là 1,75% của Chứng khoán SSI. 

Mới đây, HĐQT Chứng khoán Bản Việt cũng thông qua phương án phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, kì hạn 24 tháng. Lãi suất sẽ tùy thuộc vào tình hình hoạt động của công ty nhưng không vượt quá lãi suất tiền gửi trung hạn bình quân của BIDV và Vietinbank cộng 3% (tổng khoảng 10%).

Đối với kênh huy động qua trái phiếu, lãi suất phát hành thường dao động từ 8 - 10%, cao hơn khá nhiều so với vay từ ngân hàng bởi mức độ rủi ro cao hơn đối với nhà đầu tư trái phiếu, tài sản đảm bảo để phát hành trái phiếu thường là chính cổ phiếu của tổ chức phát hành..

Đặc biệt, trường hợp của Chứng khoán SSI, lãi suất huy động trái phiếu chỉ ở mức 4% do đây là loại hình trái phiếu chuyển đổi, tức trái chủ có quyền yêu cầu chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu cổ phiếu phổ thông của tổ chức phát hành tại thời điểm đáo hạn.

Loại hình trái phiếu này có ưu thế về mặt lãi suất, tuy nhiên lại gây ra rủi ro pha loãng cổ phiếu của tổ chức phát hành.

ck3

Lãi vay ngân hàng và lãi suất huy động trái phiếu của các CTCK (Đơn vị: %). (Nguồn: ST tổng hợp từ BCTC)

Ngoài nguyên nhân do lãi suất cao, các CTCK cũng "ngại" phát hành trái phiếu do những khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phát hành, xử lý thủ tục phát hành cũng như yêu cầu về vấn đề minh bạch thông tin.

Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam hiện ở mức khoảng 7% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 21% của các nước trong khu vực. Điều này khiến cho việc cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức và rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn của khu vực ngân hàng cũng gia tăng hơn.

Sơn Tùng