VATO đang sáng cửa
9X Việt lập nghiệp thành công trên đất Nhật và bài học về 'dám nghĩ dám làm' | |
Nữ doanh nhân 9X khởi nghiệp cùng 'gã khổng lồ' Google |
Nhóm phát triển ứng dụng công nghệ đặt xe FaceCar/VIVU/VATO. Ảnh: PK |
Thông tin mới đây Cty Vận tải Phương Trang đầu tư 100 triệu USD vào ứng dụng đặt xe VIVU rồi đổi tên thành VATO đang khiến không ít người tò mò và quan tâm.
Ứng dụng đặt xe này do một nhóm thanh niên Việt Nam phát triển từ năm 2016, nhưng nó đã trải qua một số phận khá lận đận.
Từ FaceCar đến VIVU…
Khởi đầu có tên là FaceCar, ứng dụng được một nhóm thanh niên Việt Nam (gồm: Trưởng nhóm Trần Thanh Nam; Nguyễn Thái Cường phụ trách thị trường, Nguyễn Ánh Dương phụ trách sản phẩm, Trần Hà Nguyên và Đặng Ngọc Vũ phụ trách kĩ thuật) phát triển từ khoảng tháng 3.2016.
“Lúc ấy cả Grab và Uber đều đã có mặt tại thị trường Việt Nam và cung cấp dịch vụ”, Nguyễn Thái Cường nhớ lại. Cường cho biết, vào thời điểm nhóm cùng bắt tay vào công việc, ứng dụng FaceCar đã hình thành nhưng chưa hoàn thiện, chính vì thế mỗi người một việc để phát triển tiếp.
Cho dù sản phẩm chưa hoàn thiện, nhưng nhóm đã tung ra thị trường cho sử dụng miễn phí. “Cách làm này là tự tạo sức ép cho chính mình. Thông qua cộng đồng sử dụng ứng dụng đóng góp ý kiến nhóm đã bổ sung thêm các tính năng, tiện ích. Cũng có không ít ý kiến đóng góp không hề dễ chịu nhưng bọn em cũng phải chịu và ghi nhận”, Cường cho biết.
Về tổng thể, tính năng và tiện ích đặt xe của FaceCar cũng tương tự và cùng phân khúc với Grab và Uber, là một ứng dụng giúp cho người dùng đặt xe thông qua smartphone trên nền tảng kết nối Internet. Tuy nhiên, một số người đã từng sử dụng FaceCar có so sánh rằng, ứng dụng Việt này còn cho phép hành khách chủ động chọn lái xe qua số điện thoại (nếu tài xế cung cấp), hay người dùng có thể lưu tài xế vào danh sách yêu thích và ứng dụng sẽ tự động tìm tài xế trong danh sách yêu thích cho người dùng vào lần đặt xe sau... Nhưng ưu việt nhất là FaceCar cho phép người dùng được trả giá với tài xế, điều mà cả Grab và Uber không thiết lập.
Cường cho biết, hiện ứng dụng cài đặt giá cước giờ cao điểm chỉ tăng 1,5 lần so với giờ bình thường và người dùng hoàn toàn có thể trả giá. Phía vận hành ứng dụng hiện đang thực hiện chính sách không thu chiết khấu những cuốc xe chở khách giờ cao điểm đối với tài xế để khuyến khích, qua đó cũng để giữ cho giá cước giờ cao điểm không bị đội lên quá cao.
Tài xế Uber, Grab chạy sang VATO. Ảnh: PK |
Tháng 3.2017, tưởng như FaceCar đã “nổ” trên thị trường dịch vụ ứng dụng đặt xe Việt Nam khi có một doanh nhân Việt kiều Đức kết nối hợp tác, cho biết sẽ đầu tư vào FaceCar 1 tỉ USD để đưa ứng dụng này lớn mạnh không chỉ cạnh tranh được với Grab và Uber mà còn bước ra thế giới. Doanh nhân này hứa hẹn giai đoạn đầu giải ngân khoảng 400 triệu USD.
Thời điểm đó, lượng xe FaceCar đang hợp tác đã lên đến khoảng 2.000 chiếc và đang cung cấp dịch vụ tại Hà Nội, TPHCM, Vinh và Cần Thơ. Tuy nhiên sau đó chưa đầy một tháng, chiếc “bánh vẽ” 1 tỉ USD bay biến, FaceCar đi vào một cuộc “tình duyên” mới khi đổi tên thành VIVU vào cuối tháng 3.2017 và trực thuộc Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ Vivu.
Nhưng ứng dụng VIVU vẫn tiếp tục lận đận với “lần đò” thứ hai vì doanh nghiệp thâu tóm nó không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư cũng như kinh nghiệm trên thị trường vận tải hành khách. Và cuối cùng, mối lương duyên này cũng chẳng đi tới đâu.
Lần đò thứ ba tên “VATO” và thời cơ có một không hai
Hiện tại ở Việt Nam có hàng chục ứng dụng đặt xe do chất xám Việt tạo ra, nhưng ứng dụng FaceCar của nhóm Trần Thanh Nam vẫn được giới truyền thông cũng như dư luận quan tâm và khích lệ nhiều nhất vì chỉ duy nhất ứng dụng đặt xe Việt này “dám” đường đường chính chính tuyên bố cạnh tranh với Uber và Grab dù khi đó hai “ông lớn” từ nước ngoài du nhập vào đã thôn tính hầu hết thị phần taxi/xe ôm công nghệ tại Việt Nam.
Trưởng nhóm Trần Thanh Nam. Ảnh: PK |
Nhóm phát triển ứng dụng FaceCar do Trần Thanh Nam dẫn dắt có thể nói là ngoài việc làm chủ công nghệ với ý thức tạo ra tính năng, tiện ích khác biệt so với Uber và Grab, còn có tinh thần kiên trì, bền bỉ và khát vọng, không biết e sợ trước các “ông lớn”. Bởi nhìn quanh trên thực tế, nhiều ứng dụng đặt xe Việt khác đã chủ động đi vào khai thác các thị trường ngách để tránh đối đầu với Grab và Uber, còn nhóm của Nam thì không.
Có luồng dư luận cho rằng nhân dịp Uber “bán mình” cho Grab thì FaceCar/VIVU mới bung ra hoạt động và hợp tác với Phương Trang với tên gọi mới VATO. Nhưng vấn đề này đã được Nguyễn Thái Cường xác nhận như sau: Từ tháng 12.2017 nhóm làm ứng dụng FaceCar/VIVU đã có những cuộc tiếp xúc với phía Phương Trang. Trước Tết Nguyên đán hai bên đã có thỏa thuận.
“Tụi em dự kiến tới tháng 5.2018 sẽ công bố sự hợp tác nhưng vì thông tin Uber sáp nhập vào Grab ở Đông Nam Á nên đành phải thúc đẩy nhanh tiến độ quảng bá để nhận đăng kí của các tài xế”, Cường cho biết.
Với sự hợp tác mới, một pháp nhân mới ra đời với tên gọi VATO, sẽ tiếp tục mở rộng cung cấp các dịch vụ trong tương lai như giao hàng, khám chữa bệnh tại nhà, giao cà phê v.v... Tính tới thời điểm này, ứng dụng đã đạt trên 31.000 lượt tải. Những ngày gần đây, lượng tài xế gia nhập VATO tăng dần đều trong đó gồm những người mới tham gia lần đầu và cả tài xế Uber, Grab chuyển sang.
Cường cho biết đã đánh tiếng mời một số nhân viên từ bộ máy Uber Việt Nam về đầu quân cho VATO với chế độ đãi ngộ cao. Với sự mở ra một thương hiệu mới VATO, taxi truyền thống của Phương Trang rồi sẽ chuyển dịch thành taxi điện tử với tính năng đồng hồ điện tử vừa được cập nhật trên ứng dụng VATO.
Khi Uber “bán mình” cho Grab ở Đông Nam Á, không có nghĩa là Grab sẽ thực hiện được phép cộng toán học lấy hết được thị phần của Uber từng có. Tâm lí người dùng vẫn đang muốn có một đối trọng đáng gờm với Grab nhằm có nhiều sự lựa chọn hơn và bảo đảm có sự cạnh tranh qua đó bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.
Mặt khác, về tâm lí bù lấp khoảng trống thường là một thương hiệu khác điền vào chứ không phải thương hiệu đã thâu tóm. Chính vì thế, cơ hội đang mở ra với các ứng dụng đặt xe Việt nói chung mà trong đó VATO đang sáng cửa hơn vì có cam kết đầu tư kinh phí lớn cũng như nguồn tài nguyên sẵn có từ đối tác Phương Trang.
Cường chia sẻ, những ngày qua nguồn kinh phí đầu tư từ đối tác đã được giải ngân để triển khai một số chương trình khuyến mãi như tặng 10.000 đồng cho tài xế mỗi khi giới thiệu được một hành khách mới, và hành khách đó được tặng 2 chuyến xe với 30.000 đồng mỗi chuyến, cùng một số chương trình khác…
Một tín hiệu khả quan với ứng dụng đặt xe Việt này là những ngày qua số chuyến xe đặt thành công đã không ngừng tăng lên và đã vượt mốc 1.000 chuyến/ngày. Văn phòng tạm của VATO cũng nhộn nhịp hơn trước với nhiều tài xế xe ôm, tài xế ôtô đến đăng kí làm đối tác.