|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ba thập kỷ với ba lần khởi nghiệp, ông chủ muối chấm Tây Ninh kể chuyện nếm mùi thất bại trước khi về nước

10:51 | 01/06/2021
Chia sẻ
Trước khi khởi nghiệp với Dh Foods, ông Nguyễn Trung Dũng, Nhà sáng lập kiêm CEO Công ty TNHH Dh Foods, đã có ba lần khởi nghiệp tại Ba Lan.

Xuất hiện trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4, ông Nguyễn Trung Dũng, Nhà sáng lập kiêm CEO Công ty TNHH Dh Foods, đã gọi vốn 12 tỷ đồng cho doanh nghiệp mình đồng thời mong muốn nhận sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông chủ muối chấm Tây Ninh đã phải ra về tay trắng khi định giá công ty quá cao (khoảng 400 tỷ đồng).

Thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam ở tuổi U50 nhưng đây không phải lần đầu tiên ông Trung Dũng nếm trải "hương vị khởi nghiệp". Trước kia khi còn ở Ba Lan, ông từng khởi nghiệp ba lần.

Ba thập kỷ gắn liền với hai chữ 'khởi nghiệp', ông chủ muối chấm Tây Ninh kể chuyện nếm mùi vị thất bại - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Nhà sáng lập kiêm CEO Công ty TNHH Dh Foods. (Ảnh: Dh Foods).

Chia sẻ trên nhóm Facebook cá nhân, ông Dũng cho biết tốt nghiệp ngành IT tại Ba Lan năm 1989 và đã trải qua ba lần khởi nghiệp tại Ba Lan. Qua tìm hiểu thì lần đầu tiên là khi tốt nghiệp đại học năm 1989, lần hai vào năm 1992 và lần ba sau khi bán công ty cho đại gia người Ukraina năm 2002.

"Sau khi tốt nghiệp, trong một lần về Việt Nam cơ duyên đã giúp tôi đưa sản phẩm mì Việt Nam lần đầu sang thị trường Ba Lan bằng đường chính ngạch. Có những giai đoạn, tôi đã từng bước tạo cơ ngơi "triệu đô" tại xứ người. Vào đầu những năm 90, doanh số có khi lên đến 10 triệu USD", ông Dũng kể lại.

Khi doanh nghiệp phát đạt cũng là lúc toàn châu Á rơi vào khủng hoảng tài chính giai đoạn 1997-1998, ông Dũng quyết định bán toàn bộ cơ nghiệp với giá 6 triệu USD. 

Sau một thời gian nghỉ ngơi, ông quyết tâm khởi nghiệp lại với tinh thần "làm gì là phải đặc sắc ngay". Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, nền kinh tế Ba Lan lao đao, khiến doanh nghiệp của ông cũng gặp nhiều khó khăn.

"Đó cũng là lúc tôi đưa ra một trong những quyết định trọng đại nhất đời mình, là trở về Việt Nam với hai bàn tay trắng, chỉ xách theo đúng một chiếc vali khi đã gần 50 tuổi. Tôi bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào đúng mùng một Tết Canh Dần năm 2010", CEO Dh Foods chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên ông Dũng đi làm thuê cho một công ty khác. Tuy nhiên, sự khác biệt trong văn hóa doanh nghiệp buộc ông phải từ giã.

Trên website của Dh Foods, ông bày tỏ cảm xúc khi còn ở Ba Lan: "Mặc dù xung quanh tôi tràn ngập gia vị của "người khác" nhưng vì nhớ vị đặc sản Việt, tôi thường lái xe đi hàng trăm km để mua được mấy chai nước mắm, mấy hũ cà pháo và một số gia vị khác do người Việt Nam nhập qua rồi bán trong cộng đồng người Việt".

Khi về Việt Nam, ông nhận thấy các gia vị đóng gói chứa nhiều sản phẩm dùng phẩm màu, chất bảo quản nhân tạo và hương liệu, điều này làm mất đi mùi vị tự nhiên của các món ăn.

Trong những lần đi công tác từ Bắc vào Nam, ông Dũng nhận ra các gia vị đặc sản đều mang nét đặc trưng của vùng đất đó, từ Hà Giang cho đến Cà Mau, nhưng chưa được bán rộng rãi, chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ. Điều đó đã thôi thúc ông tiếp tục khởi nghiệp lần thứ tư với Dh Foods vào năm 2012, khi tròn 50 tuổi.

Trên sóng Shark Tank, ông Dũng cũng cho biết ở Ba Lan nơi ông sống, người dân dùng gia vị rất nhiều. Còn ở Việt Nam, việc nêm gia vị chủ yếu xoay quanh nước mắm, nước tương và tương ớt.

Ba thập kỷ gắn liền với hai chữ 'khởi nghiệp', ông chủ muối chấm Tây Ninh kể chuyện nếm mùi vị thất bại - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trung Dũng tại Shark Tank. (Ảnh: Shark Tank).

Từng chia sẻ câu chuyện kinh doanh trên báo Đầu tư, hai vợ chồng ông khởi nghiệp với Dh Foods số vốn ban đầu là 1,2 tỷ đồng và không đủ tiền thuê xưởng sản xuất, thuê kho, mua máy móc, mua ô tô tải, vì vậy, ông quyết định tìm đối tác gia công.

Sau nhiều lần bị từ chối vì không biết cụ thể số lượng gia công là bao nhiêu, cuối cùng ông cũng tìm được một công ty đối tác gia công cho Dh Foods. Những ngày đầu khởi nghiệp, công ty tuyển hơn chục người làm kinh doanh, làm trục, in bao bì riêng.

Gần đây nhất là đầu năm 2021, Dh Foods tuyên bố tung các dòng sản phẩm mới, là mắm đặc sản miền Tây và các loại rau củ ngâm không dùng bột ngọt. Ngoài ra, công ty ông cũng xuất khẩu đi nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Australia, Mỹ, Anh, Đức, Nga...

Giải thích lý do từ chối deal từ các nhà đầu tư Shark Tank, ông Trung Dũng cũng chia sẻ: "Tôi cần thêm vốn, như mọi công ty khác để phát triển nhanh hơn. Và thực sự tôi đánh giá Dh Foods giá trị ít nhất 200 tỷ vì có những sản phẩm tốt, có hệ thống phân phối tốt, có team trẻ đầy nhiệt huyết".

Ông cho biết hiện các bạn trẻ trong công ty đã có tới 15% cổ phần, vì vậy nếu định giá thấp công ty cũng là định giá thấp tài sản những người này đang có. Ông cũng tiết lộ việc chốt deal 12 tỷ cho 5% cổ phần cũng là đã bàn luận với đại diện đội ngũ này.

Ông Dũng cũng cho rằng bản thân giảm định giá xuống 240 tỷ (12 tỷ cho 5%) là hợp lý vì ngay sau khi phát sóng đã có một số Shark là bạn bè đã nhắn tin, gọi điện và nhận deal 12 tỷ cho 5%. Hợp đồng chắc sẽ ký sau khi thành phố hết giãn cách xã hội.

"Vì vậy một lần nữa mình khẳng định là Dh Foods cần gọi thêm vốn nhưng với định giá phù hợp chứ không phải bằng...mọi giá. Chính vì Dh Foods có doanh số, lợi nhuận ổn định nên mới có sự thoải mái đó", ông Dũng viết trên Facebook.

Tường Vy