USDA: Việt Nam sắp trở thành nước nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn thứ 5 thế giới
Từ tự chủ chuyển sang nhập khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA),Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ qua.
Sự phát triển kinh tế đi đôi với gia tăng tiêu thụ protein từ động vật. Do đó, Việt Nam tăng nhập khẩu ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phục vụ ngành sản xuất thịt, vốn đã tăng gần 30% trong thập kỷ qua.
Hiện nay, Việt Nam là nhà nhập khẩu ngô lớn nhất ở Đông Nam Á và dự báo sẽ trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 5 trên toàn cầu vào năm 2021-2022.
Theo Cục Chăn nuôi, hiện 90% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam là phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Mặc dù, thịt heo là món khoái khẩu của người dân Việt Nam nhưng lượng tiêu thụ thịt gà, thịt bò cũng tăng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản cũng đang có dư địa phát triển và tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lấn sân vào thị trường tiềm năng này.
Sản lượng ngô của Việt Nam bắt đầu tăng trong giai đoạn 1980 - 2015. Tuy nhiên, năm 2015-2016 đã đặt dấu mốc, điểm uốn cho ngành nông nghiệp khi lần đầu tiên nhập khẩu vượt sản lượng sản xuất kể từ những năm 1970.
Sản lượng ngô sụt giảm do việc sản xuất trong nước kém khả năng cạnh tranh với ngô nhập khẩu về cả giá thành và chất lượng. Điều này khiến nông dân không mặn mà với việc mở rộng diện tích trồng ngô.
Ở thời điểm đó, nguồn cung ngô ở Argentina và Brazil trở nên dồi dào và giao dịch với giá rẻ hơn ngô Mỹ. Do đó, hai quốc gia này đã trở thành nhà xuất khẩu ngô chính cho Việt Nam từ năm 2013-2014 đến nay.
Ngay cả khi dịch tả heo châu Phi (ASF) bùng phát ở Việt Nam vào năm 2019, lượng nhập khẩu ngô cũng không suy giảm.
USDA cho rằng ngô Mỹ thường kém cạnh tranh hơn ngô Nam Mỹ vì giá cả. Tuy nhiên, năm 2018-2019 Việt Nam đã trở thành nhà nhập khẩu ngô lớn nhất của Mỹ vì mùa vụ ở Argentina và Brazil bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hạn hán. Ngay sau đó, Việt Nam cũng có chính sách kiểm soát lượng nhập khẩu ngô từ Mỹ.
Cho đến cuối tháng 8 năm nay, trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Việt Nam công bố cắt giảm thuế đối với ngô giúp tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng này.
Ngoài ngô, Mỹ còn là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về sản phẩm bột ngũ sốc sấy khô, phụ phẩm lên men (DDGS). Năm 2020, xuất khẩu DDGS của Mỹ sang Việt Nam đạt gần 1,3 triệu tấn, trị giá hơn 275 triệu USD.
Mỹ có "đất" xuất khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vào Việt Nam
USDA dự báo nhu cầu nhập khẩu ngô và ngũ cốc dùng chế biến thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ tăng 3 lần trong 10 năm tới. Trong đó, ngô chiếm phần lớn, còn lại là lúa mì và lúa mạch.
Điều này phản ánh mức độ tiêu thụ thịt và xu hướng sản xuất của ngành sản xuất thịt tại Việt Nam.
Dù năm 2019 sản lượng thịt heo giảm mạnh do tác động của ASF nhưng sản lượng thịt gà và thịt bò đều tăng trưởng trong giai đoạn này.
USDA cho rằng tổng sản lượng của 3 loại thịt này sẽ tăng cao hơn mức năm 2018 vì nhu cầu tiêu thụ thịt bình quân đầu người của Việt Nam tăng.
Bên cạnh đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam chủ yếu tập trung ở đồng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, trong đó 70% lượng cá và 80% lượng tôm sản xuất ở 13 tỉnh ở phía Nam.
Số liệu thống kê, năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,4 tỷ USD trong đó xuất khẩu cá da trơn chiếm gần 20%, đạt 1,5 tỷ USD, giảm so với năm 2019 do tác động của COVID-19.
Một đánh giá năm 2016 về thức ăn nuôi trồng thủy sản ở châu Á chỉ ra rằng các thành phần thức ăn được sử dụng ở Việt Nam bao gồm bột đậu nành, cám gạo và bột cá.
Tuy nhiên, một thử nghiệm khác lại cho thấy DDGS cũng có thể dễ dàng được bổ sung vào khẩu phần ăn của cá da trơn. Điều này chứng tỏ rằng DDGS có thể thay thế cho các nguồn protein khác.
USDA nhận định sự phục hồi của sản xuất thịt heo và mở rộng sản xuất thịt bò và thịt gia cầm, ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam mang lại nhiều cơ hội hơn nữa cho các nhà xuất khẩu ngô và DDGS làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.