|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tỷ phú Hoàng Kiều: 'Đừng bao giờ bán chất xám với giá rẻ'

15:16 | 04/10/2018
Chia sẻ
Lời khuyên "Đừng bao giờ bán chất xám với giá rẻ" là động lực thôi thúc Hoàng Kiều, một công dân Mỹ gốc Việt, khởi nghiệp và trở thành tỷ phú.

Sinh năm 1944 tại một làng ở huyện Bích Khê, tỉnh Quảng Trị, tuổi thơ của Hoàng Kiều là chuỗi ngày cơ cực. Năm 5 tuổi, gia đình đưa ông tới Sài Gòn để sống cùng người chú - Hoàng Thi Thơ, một nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Cuộc sống với người chú đưa cuộc đời Hoàng Kiều sang một ngã rẽ khác. Ông Thơ giúp Hoàng Kiều tốt nghiệp chuyên ngành khoa học của một trường đại học.

Năm 1975, cả gia đình đưa Hoàng Kiều sang Los Angeles, Mỹ. Ban đầu cuộc sống của họ tương đối khó khăn. Khi Kiều xin việc tại phòng thí nghiệm của Abbott Laboratories, ông nhận ra ông thiếu các kỹ năng cần thiết cho công việc. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định với người phỏng vấn: "Với trí tuệ của bản thân, tôi có thể học những kỹ năng cần thiết". Sự tự tin của ứng viên trẻ khiến người phỏng vấn quyết định nhận ông với mức lương 1,25 USD một giờ, vào đúng sinh nhật. Hoàng Kiều bắt đầu làm việc 2 ngày sau đó. Ông di chuyển bằng chiếc xe máy 50cc mà công ty hỗ trợ.

Chỉ sau 6 tháng, công ty đưa Hoàng Kiều lên vị trí giám sát trước khi bổ nhiệm ông vào chức vụ quản lý. Vài năm sau, ông trở thành giám đốc kiểm tra mẫu huyết tương. Nghiên cứu viêm gan B là nhiệm vụ tiếp theo của ông.

ty phu hoang kieu dung bao gio ban chat xam voi gia re
Khai phá thị trường Trung Quốc là quyết định mạo hiểm nhưng sáng suốt của tỷ phú Hoàng Kiều.

Khi kinh nghiệm quản lý và kiến thức khoa học đã đủ "dày", Hoàng Kiều muốn đi theo một sứ mệnh lớn lao hơn. Ông rất tâm đắc với một lời khuyên: "Đừng bán kiến thức của bản thân với giá rẻ mạt". Với kinh nghiệm thử huyết tương, ông quyết định thôi việc và thành lập công ty mang tên Rare Antibody Antigen Supply (RAAS). Khi công ty có chỗ đứng trên thị trường, Kiều mua những công ty khác để tạo ra 11 trung tâm huyết tương ở Mỹ vào năm 1985.

Chọn Trung Quốc là một quyết định mạo hiểm của Hoàng Kiều khi ông mở rộng kinh doanh ra toàn cầu. Hồi đó, Trung Quốc còn rất nghèo và chính phủ mới mở cửa kinh tế. Phần lớn doanh nhân Mỹ không chú ý tới Trung Quốc, nhưng Hoàng Kiều nhìn ra cơ hội từ dân số khổng lồ tại đất nước này.

Năm 1987, viêm gan A bùng phát tại Trung Quốc, khiến 300.000 người mắc bệnh. Hồi ấy, không công ty nước ngoài nào được phép sở hữu 50% cổ phần trong một doanh nghiệp Trung Quốc. Hoàng Kiều đã hợp tác với Trung tâm Huyết học Thượng Hải, mở công ty Shanghai RAAS để bán AlbuRAAS - loại thuốc chứa albumin - protein chính tạo nên huyết tương, và các loại thuốc khác từ huyết tương. Ngày nay, nhu cầu đối với các sản phẩm lớn đến nỗi Shanghai RAAS chưa bao giờ đủ sản phẩm để cung cấp cho dù chỉ một tỉnh của Trung Quốc.

Sau bài học về tinh thần vượt khó, đây là bài học thứ hai trong chiến lược kinh doanh của Hoàng Kiều: Tạo ra "đại dương xanh" bằng cách xâm nhập những thị trường mà chưa ai khai thác. Những con đường không ai dám đi có thể mang tới lợi ích khổng lồ. Hoàng Kiều đã khai phá vùng đất mà không ai muốn tới, và ông đã hưởng thành quả vô hạn.

Với thành tựu trong lĩnh vực dược, Hoàng Kiều bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực mới: Rượu. Nhiều doanh nhân khởi nghiệp để làm giàu, nhưng ông kinh doanh rượu vì đam mê. Ông mua lại hãng rượu Michael Mondavi Family tháng 6/2014 và mời nữ diễn viên Lý Băng Băng ở Trung Quốc làm gương mặt đại diện.

"Kinh doanh thứ mà bạn đam mê sẽ giúp bạn thức giấc mỗi ngày cùng với khao khát làm việc", Hoàng Kiều bình luận.

Ông ứng dụng công nghệ điều chỉnh độ pH, kỹ năng lên men và chưng cất trong lĩnh vực sản xuất huyết tương để chế biến rượu. Công nghệ của ông là sự kết hợp giữa những kỹ năng truyền thống và kỹ thuật hiện đại.

3 năm trước, lần đầu tiên Hoàng Kiều lọt vào danh sách những người giàu nhất nước Mỹ do Forbes xếp hạng. Hồi ấy tài sản của ông lên đến 3,8 tỷ USD và đứng đầu danh sách 25 doanh nhân mới lọt vào top 400. Nhưng trong danh sách năm 2018, Hoàng Kiều đã không còn nằm trong danh sách.

Để lọt vào danh sách của Forbes, giá trị tài sản tối thiểu các tỷ phú phải đạt 2,1 tỷ USD. Khối tài sản hiện nay của ông Hoàng Kiều đạt khoảng 1,6 tỷ USD, thấp hơn ngưỡng là 0,5 tỷ USD.

Vị tỷ phú gốc Việt khẳng định ông chưa bao giờ chú ý tới danh hiệu tỷ phú. "Đừng bao giờ khoe tiền hay cổ phiếu. Hôm nay anh là tỷ phú, nhưng có thể ngày mai anh chẳng còn gì", ông bình luận.

Luân Thường