Tuyên bố sẵn sàng can thiệp thị trường, NHNN đang có bao nhiêu vàng trong quĩ dự trữ?
Giá vàng vừa trải qua một tuần đầy biến động và cán mốc cao nhất trong lịch sử vào ngày 6/8 khi đạt 62 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, giá vàng bất ngờ đảo chiều giảm sâu về mốc hơn 59 triệu đồng/lượng.
Trước biến động mạnh của thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẵn sàng can thiệp nếu có diễn biến bất thường.
Trong thông cáo được phát đi, NHNN cho rằng mức tăng của giá vàng trong nước phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế. Trong thời gian tới, giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới.
"NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường. NHNN sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường", thông cáo cho biết.
Sau tuyên bố trên, nhiều người đặt ra câu hỏi: Trong trường hợp buộc phải can thiệp, NHNN đang có bao nhiêu vàng trong quĩ dự trữ và sẽ can thiệp như thế nào?
Số liệu thống kê của CEIC cho thấy, tính đến cuối tháng 5, dự trữ vàng của Việt Nam được báo cáo là khoảng 560,1 triệu USD, tăng 3,7 triệu USD so với cuối tháng 4/2020 (556,4 triệu USD).
Nếu tính theo giá vàng quốc tế vào cuối tháng 5 là 1.731,64 USD/ounce hay 55.673,52 USD/Kg, thì khối lượng vàng mà NHNN đang nắm giữ trong quĩ ngoại hối của mình vào khoảng 323.451 ounce vàng, tương đương 268.299 lượng vàng. Qui đổi ra kg thì lượng vàng mà NHNN sở hữu tính đến cuối tháng 5/2020 là hơn 10,06 tấn.
Về nguyên tắc, NHNN hoàn toàn có thể bán toàn bộ số vàng đang có để bình ổn thị trường, tức khoảng gần 268.300 lượng vàng hay 10 tấn vàng.
Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương thường phải duy trì một tỉ lệ nhất định từng loại tài sản có trong quĩ dự trữ ngoại hối của mình, gồm các loại ngoại tệ mạnh như USD, yen Nhật, quyền rút vốn đặc biệt từ IMF, vàng và một số loại tài sản khác.
Do đó, việc quyết định có bán ra vàng để bình ổn thị trường cần sự cân nhắc kĩ lưỡng, xem xét trên nhiều yếu tố, và việc bán toàn lượng vàng trong quĩ dữ trữ là điều rất khó xảy ra.
Bên cạnh biện pháp bán vàng từ kho dự trữ, NHNN cũng can thiệp vào thị trường trong nước bằng cách sử dụng USD để nhập vàng từ thị trường quốc tế. Nhưng cách này sẽ làm sụt giảm quĩ dự trữ ngoại hối, tạo ra những áp lực lên tỷ giá trong tương lai.
Thực tế, dự trữ ngoại hối Việt Nam liên tục vượt các mốc 60 - 70 - 80 tỉ USD trong những năm gần đây nhưng con số cũng chỉ tương đương với hơn 3 tháng nhập khẩu, mức tối thiểu cần duy trì theo khuyến cáo của IMF.
Ngoài các động thái can thiệp trực tiếp, NHNN còn có thể gián tiếp gia tăng nguồn cung vàng trên thị trường bằng cách cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nhiều hơn.
Biện pháp này sẽ giúp nhà điều hành không cần sử dụng quĩ dự trữ để bình ổn thị trường tuy nhiên sẽ tạo ra áp lực lên thị trường ngoại tệ khi các doanh nghiệp gom USD để nhập khẩu vàng.
CEIC được thành lập vào năm 1992 bởi một nhóm các nhà kinh tế và chuyên gia phân tích quốc tế. CEIC cung cấp những dữ liệu mở rộng, chính xác của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển trên toàn thế giới.
CEIC được nhiều nhà kinh tế, nhà phân tích, các tập đoàn và trường đại học trên toàn cầu sử dụng trong các nghiên cứu kinh tế và đầu tư.
Số liệu về dự trữ vàng của Việt Nam được CEIC cập nhật hàng tháng, đạt trung bình 268,505 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 1/1995 đến tháng 5/2020. Trong đó, dự trữ vàng của Việt Nam đạt mức kỉ lục 585,611 triệu USD vào tháng 8/2011 và chạm mức thấp nhất vào tháng 1/1995 với 34,79 triệu USD