|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tương lai của ngành nội dung số nhìn từ ba bài học kinh doanh của Netflix

07:19 | 06/01/2020
Chia sẻ
Netflix không chỉ sáng lập những luật chơi mới cho ngành nội dung số mà còn định hình tương lai của cạnh tranh.

Khởi nghiệp từ năm 2005, Reed Hastings, người sáng lập và CEO của Netflix chưa bao giờ nổi tiếng về triết lí kinh doanh độc đáo, chiến lược đặc biệt, công nghệ đột phá hay văn hóa doanh nghiệp xuất sắc như các CEO cùng thời.

Dù vậy, khi nhìn vào cách Netflix vận hành, có một điều chắc chắn là nhiều nhà lãnh đạo sẽ thấy trước tương lai của cạnh tranh và đổi mới.

Bất chấp những tin tức gần đây về các khoản lỗ và lượng người đăng kí không nhiều như dự kiến, Netflix vẫn sẽ là cái tên đầu tiên nằm trong danh sách doanh nghiệp vận hành xuất sắc nhất năm 2019. 

Một công ty 15 năm tuổi với kinh nghiệm non trẻ trong ngành nội dung số nhưng đã có giá trị thị trường lên tới gần 165 tỉ USD, vượt mặt cả Disney. 

Sức ảnh hưởng về văn hóa? Netflix đã nhận được 112 đề cử Emmy, hầu hết trong lĩnh vực phát video trực tuyến, lật đổ HBO từng là nhà đài nhận được nhiều đề cử nhất trong 17 năm qua. 

Quản lý tín dụng? Danh tiếng của Netflix mạnh mẽ đến mức một bản chiếu PowerPoint đơn giản về văn hóa và chính sách nhân sự của họ đã cán mốc 18 triệu lượt xem.

Vậy bí quyết thành công của họ nằm ở đâu? Dưới đây là 3 bài học từ sự trỗi dậy của Netflix có thể áp dụng cho mọi công ty, theo HBR.

Dữ liệu lớn rất quan trọng nhưng dữ liệu lớn + ý tưởng lớn = cách mạng 

Netflix thực sự là một doanh nghiệp công nghệ với hệ thống phân tích, thuật toán và kĩ thuật số hiện đại đã thay đổi cách chúng ta xem phim hay các chương trình TV nhưng ít người biết rằng họ chỉ có một mục tiêu duy nhất: xây dựng nền tảng định hình sở thích người xem. 

Công ty có lượng dữ liệu khổng lồ về thói quen xem video của 125 triệu người đăng kí như những gì họ thích hoặc không thích, một tập phim nên dài bao nhiêu phút hay các serie dài tập được đánh giá như thế nào. 

Tương lai của ngành nội dung số hay 3 bài học kinh doanh từ Netflix  - Ảnh 1.

Netflix chắc chắn là cái tên đầu tiên nằm trong danh sách doanh nghiệp vận hành xuất sắc nhất năm 2019. Ảnh: HBR

Hệ thống dữ liệu mạnh mẽ này tạo ra hệ thống xã hội phong phú làm nền tảng ý tưởng cho các bộ phim và video được phát, một phần dựa trên sở thích và thói quen của những người đăng kí.

Vào năm 2005, khi công ty chỉ có 3,5 triệu người đăng kí, Reed Hastings từng chia sẻ: “Mọi người có thể hiểu nhầm hoàn toàn về Netflix. Vấn đề thực sự mà chúng tôi đang cố gắng giải quyết là làm thế nào để thuyết phục người dùng, làm thế nào để cung cấp nền tảng [giải trí] ổn định, thú vị?”.

Quan điểm này đã thúc đẩy Netflix ngay từ những ngày đầu và trở thành sức mạnh cho những ý tưởng kinh doanh xuất sắc. Điểm cốt lõi ở đây là công nghệ chỉ phát huy tác dụng khi phục vụ một chiến lược tốt.

Nếu bạn muốn cải cách một ngành công nghiệp, bạn phải sẵn sàng cải cách chính mình 

Netflix chắc chắn là một trong những doanh nghiệp đột phá ở Thung lũng Silicon, một thương hiệu mới bước chân vào thị trường nhưng đã định hình lại toàn bộ quy tắc của ngành công nghiệp. 

Tuy nhiên, điều thực sự đáng chú ý về quỹ đạo của công ty trong hơn 1 thập kỉ qua là cách họ tự đột phá chính mình để phục vụ sứ mệnh chung. 

Netflix bắt đầu với một bước nhảy khá đơn giản: nghiền nát Blockbuster bằng cách vận chuyển chuyển phát DVD tận nhà và xóa bỏ các khoản phí trễ. Sau đó, các đĩa DVD cồng kềnh đã trở thành nền tảng phim và chương trình truyền hình số trực tuyến như ngày nay. 

Gần đây, Netflix đang dần được chú ý trong vai trò mới là nhà sản xuất nội dung và tuyên bố sẽ đầu tư 12 tỉ USD để phục vụ lĩnh vực mới này.

Một lần nữa, Netflix tiếp tục gia nhập thị trường mới bằng cách thách thức các quy ước của ngành. Cách tiếp cận của công ty đã góp phần nâng cao rất nhiều chuẩn mực trong kinh doanh truyền hình, từ những tập phim ngắn đầy thú vị thay trailer đến các nội dung tích hợp công nghệ đầy tinh tế. 

Ở mỗi giai đoạn, các bước đi chiến lược kịch tính của Netflix không chỉ khiến nhiều người hoài nghi mà còn khiến các doanh nghiệp cùng ngành phải cân nhắc lại toàn bộ những định hướng nội bộ của mình. 

Bài học quan trọng ở đây là đối với các công ty và các nhà lãnh đạo lớn: thành công trong quá khứ đôi khi chính là giới hạn cho những sản phẩm đổi mới ở tương lai.

Tương lai của ngành nội dung số nhìn từ ba bài học kinh doanh của Netflix  - Ảnh 2.

(Đồ họa: TV)

Chiến lược là văn hóa, văn hóa là chiến lược

Hầu hết phân tích về sự trỗi dậy và cuộc cách mạng của Netflix đều nhấn mạnh tới chiến lược và công nghệ, nhưng ít người biết rằng cốt lõi cuộc cách mạng ngành nội dung số đó bắt nguồn từ suy nghĩ rất nghiêm túc về con người, văn hóa của Reed Hasting và các cộng sự. 

Trong lĩnh vực nhân sự và những gì cam kết thực hiện với nhân viên, cách đưa ra quyết định, chia sẻ thông tin, thậm chí cả chế độ nghỉ phép, Netflix đã phát minh (và tái phát minh) hàng loạt quy ước mới nhằm kết nối mục tiêu kinh doanh của công ty và những gì họ sẽ làm trong văn phòng.

Nhiều công ty cũng đưa ra tuyên ngôn giá trị nhưng những giá trị bằng văn bản này rất mơ hồ và thường bị bỏ qua sau đó. Đối với Netflix, giá trị thực sự nằm ở những người được khen thưởng. 

Họ sẵn sàng nói những gì có lợi cho Netflix, ngay cả khi điều đó gây ra bực bội và xung đột. Họ cũng sẵn sàng phê phán tình trạng hiện tại và đưa ra các quyết định khó khăn mà không hối tiếc. Các công ty tuyệt vời hiểu rằng họ phải nỗ lực đặc biệt nếu họ muốn cạnh tranh trong thị trường ngày càng khắc nghiệt này.

Cố gắng học hỏi quá nhiều từ hiệu suất của một tổ chức - ngay cả những công ty thành công nhất - luôn có nguy hiểm nhất định bởi chính họ cũng phải trải qua thất bại và thất vọng. Ngay cả GE (General Electric) - ví dụ điển hình của mô hình quản lí đẳng cấp thế giới cũng không phải ngoại lệ. 

Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều người trong chúng ta bắt đầu có thói quen bật Netflix vào thời gian rảnh rỗi, doanh nghiệp này đã trở thành một nguồn thông tin chuyên sâu về tương lai của kinh doanh và cạnh tranh trong ngành nội dung số.

Thu Phương