Từng phản đối xe điện, Toyota giờ đây phải mượn công nghệ pin từ hãng xe Trung Quốc để theo kịp xu hướng
Toyota Motor Corp sẽ ra mắt một chiếc sedan cỡ nhỏ chạy hoàn toàn bằng điện tại Trung Quốc vào cuối năm sau, sau khi mượn nhờ công nghệ từ BYD, một hãng xe điện Trung Quốc được Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đầu tư
Theo nguồn tin từ Reuters, hãng xe Nhật đã phải vật lộn trong nhiều năm để cho ra đời một chiếc xe điện cỡ nhỏ, vừa có thể cạnh tranh về mặt chi phí tại Trung Quốc, vừa giữ được sự thoải mái vốn có trong các dòng xe Toyota.
Kích thước của chiếc xe điện này dự kiến lớn hơn dòng Corolla đôi chút, được sử dụng công nghệ pin từ dòng lithium-sắt-phosphate của BYD có mức phí rẻ hơn. Dù ít được biết đến bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc trong thời gian đầu thành lập, nhưng kể từ khi BYD (Build Your Dream) được Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đầu tư, startup này đã trở thành một trong những công ty xe điện hàng đầu thế giới, thậm chí có thể cạnh tranh với cả Tesla.
Mẫu xe điện mới của Toyota sẽ được trưng bày dưới dạng ý tưởng tại triển lãm ô tô ô Bắc Kinh vào tháng 4 năm sau. Rất có thể đây sẽ là mẫu xe thứ hai trong loạt xe ô tô chạy hoàn toàn bằng điện mới của Toyota, dù hiện tại chỉ được bán tại Trung Quốc.
"Chiếc xe được kích hoạt bởi công nghệ pin BYD. Nó ít nhiều đã giúp Toyota giải quyết những thách thức trong việc tạo ra một chiếc sedan điện cỡ nhỏ với giá cả phải chăng và không gian rộng rãi", theo Reuters.
Chiếc xe mới của Toyota thuộc lớp dưới phân khúc xe điện cao cấp như Model Y của Tesla hoặc Nio ES6, nhưng xếp trên Hong Guang Mini EV – một trong những mẫu xe điện thịnh hành nhất Trung Quốc với giá chỉ rơi vào khoảng 4.500 USD.
Một số nguồn tin cho biết giá khởi điểm mẫu xe điện mới của Toyota có thể rơi vào khoảng 200.000 nhân dân tệ (30.000 USD. Người phát ngôn của Toyota chia sẻ: "Chúng tôi không bình luận về các sản phẩm trong tương lai. Toyota coi xe điện là một trong những con đường giúp chúng tôi đạt được sự trung hòa về carbon cũng như bắt kịp xu hướng mới".
Ảnh hưởng từ các hãng xe điện Trung Quốc
Việc Toyota buộc phải chuyển sang sử dụng công nghệ pin BYD để giải quyết bài toán hóc búa về xe điện giá rẻ cho thấy cán cân cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đã giảm đến mức nào trong thập kỷ qua.
Trước đây, khi ngành ô tô Trung Quốc không thực sự phát triển, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu không quá lo ngại về khả năng cạnh tranh của họ. Họ sẵn sàng để Trung Quốc kiểm soát thị trường nội địa với các mẫu xe giá trẻ.
Dù vậy, thời thế đã thay đổi. Các giám đốc điều hành của Toyota bắt đầu lo lắng vào năm 2015, thời điểm BYD tung ra dòng xe hybrid plug-in Tang, với những cải tiến đáng kể về kiểu dáng, chất lượng và hiệu suất. Điều đáng lo nhất là mẫu xe này rẻ hơn 30% so với các dòng xe cùng phân khúc của Toyota.
Năm 2017, một bước ngoặt quan trọng đã xảy ra khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Toyota, bao gồm cả phó chủ tịch điều hành lúc bấy giờ là ông Shigeki Terashi, đã lái một số chiếc xe BYD gần trụ sở chính của Toyota tại Nhật Bản. Terashi sau đó đã đến thăm trụ sở của BYD ở Thâm Quyến và lái một mẫu xe điện khác có tên Han.
"Chất lượng lâu dài của những chiếc xe này vẫn là một dấu hỏi, nhưng thiết kế và chất lượng của những chiếc xe này đã cho thấy mức độ trưởng thành đáng kinh ngạc. Chúng rẻ hơn nhiều so với các mẫu xe Toyota cùng phân khúc. Tất cả chúng tôi đều bị chê bai vì điều đó", một trong những người lái thử chia sẻ trên Reuters.
Các nguồn tin cho biết BYD đã thúc đẩy Toyota thành lập liên doanh nghiên cứu và phát triển (R&D) vào năm ngoái. Toyota hiện có 20 kỹ sư ở Thâm Quyến làm việc song song với khoảng 100 đối tác đến từ BYD.
Công nghệ pin, vấn đề Toyota cần tìm lời giải
Xe điện mới của Toyota xuất hiện vào thời điểm công ty đang chịu sự chỉ trích từ các nhóm bảo vệ môi trường. Họ cho rằng Toyota cần quan tâm nhiều hơn đến công nghệ hybrid.
Ban lãnh đạo Toyota cho biết họ không có định kiến gì về điện, nhưng tin rằng hiện tại năng lượng tái tạo chưa phải là thứ có thể giúp giảm phát thải khí carbon. Tuy nhiên, Toyota cũng thành lập bộ phận tại Nhật Bản dành riêng cho những chiếc xe không phát thải có tên là ZEV Factory, và họ đang phát triển các công nghệ pin an toàn hơn với chi phí thấp hơn.
Mặc dù Toyota từ lâu đã ủng hộ một phương tiện xe điện giữ nguyên được sự thoải mái khi sử dụng, nhưng hãng đã phải vật lộn để sản xuất một chiếc xe như vậy. Mọi thứ bắt nguồn từ những cục pin cồng kềnh đặt dưới sàn xe, vì chúng chiếm phần lớn diện tích nội thất, trừ khi mui xe cũng được nâng lên. Đó là lý do tại sao nhiều xe điện nhỏ hơn lại là xe SUV.
Năm 2018, Toyota lên ý tưởng liên doanh với BYD sau khi các kỹ sư của công ty Nhật Bản biết đến pin LFP Blade. Họ mô tả nó như một công cụ thay đổi cuộc chơi vì nó vừa rẻ hơn, vừa giúp giải phóng không gian.
BYD chính thức ra mắt pin LFP Blade vào năm 2020. Pin LFP có thời hạn sử dụng lâu hơn, ít bị quá nhiệt và không sử dụng coban hoặc niken. Tesla đã sử dụng pin LFP trong các mẫu Model 3 và Model Y được sản xuất ở Trung Quốc.
Một trong những nguồn tin cho biết gói Blade điển hình chỉ dày khoảng 10 cm khi các mô-đun được đặt phẳng trên sàn, mỏng hơn khoảng 5 cm đến 10 cm so với các gói pin lithium-ion khác.
Các nguồn tin cho biết, quy trình lập kế hoạch của Toyota nghiêm ngặt và kỹ lưỡng hơn nhiều. Một khi công ty đã đưa ra quyết định về công nghệ, hiếm khi có những thay đổi trong thiết kế từ 3 đến 4 năm tiếp theo.
Trong quá trình này, Toyota thường thực hiện ba nguyên mẫu thiết kế và ba nguyên mẫu sản xuất. Một số mẫu được lái thử khoảng 150.000 km để kiểm tra chất lượng và độ tin cậy cũng như kiểm tra phần khí thải hoặc độ bền.
Tại BYD, các kỹ sư làm ít nguyên mẫu hơn, thường chỉ có hai chiếc, và thiết kế có thể được thay đổi muộn nhất là sau hai năm. Điều này hoàn toàn trái ngược Toyota. Dù vậy, kết quả của những thay đổi vào phút chót đó là công nghệ trên xe BYD phù hợp với thời đại hơn so với xe Toyota khi nó được tung ra thị trường và thường có chi phí rẻ hơn.
"Thách thức của chúng tôi tại Toyota là liệu chúng tôi có thể bỏ qua các hình thức kỹ thuật của BYD hay chúng tôi có thể học hỏi từ họ", người phát ngôn Toyota chia sẻ.