|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ VinFast tới Toyota: Tại sao các hãng xe điện nhất định phải đặt nhà máy ở California đầu tiên khi tiến vào thị trường Mỹ?

06:58 | 08/12/2021
Chia sẻ
California từ lâu đã trở thành thị trường xe điện số một tại Mỹ nên nơi này thường được cả những ông lớn lẫn startup trong lĩnh vực xe điện quan tâm, trong đó có VinFast.

Theo Reuters, ngày 6/12, ông lớn ngành ô tô tới từ Nhật Bản là Toyota đã thông báo rằng đang trong quá trình xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện trị giá 1,3 tỷ USD ở Bắc California. Động thái này diễn ra như một nỗ lực mở rộng sang lĩnh vực xe điện và xe hybrid của ông lớn Nhật Bản.

Theo ông Chris Reynolds, CEO Toyota Motor Bắc Mỹ, nhà máy này có trụ sở chính tại Liberty, sẽ bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2025, có khả năng cung cấp pin lithium-ion cho khoảng 800.000 xe điện mỗi năm, đồng thời đóng vai trò người mở đường cho việc sản xuất xe điện của Toyota tại Mỹ.

Khoản đầu tư này sẽ được thực hiện bởi một công ty có tên Toyota Battery Manufacturing và dự kiến sẽ tạo ra 1.750 việc làm mới cho Mỹ. Tháng 10, phía Toyota cũng cho biết sẽ thành lập một công ty mới và xây dựng một nhà máy pin ô tô mới tại Mỹ với Toyota Tsusho, chi nhánh kinh doanh kim loại của nhà sản xuất Nhật Bản và một đơn vị khác của Tập đoàn Toyota. Trong đó, tập đoàn Toyota sẽ nắm giữ 90% cổ phần của công ty pin.

Từ VinFast tới Toyota, tại sao các công ty ô tô thích đặt trụ sở, nhà máy xe điện tại California? - Ảnh 1.

Toyota sẽ xây dựng một nhà máy mới ở California để sản xuất pin xe điện. (Ảnh: ABC News).

Toyota không phải là đơn vị duy nhất tiến hành đặt các nhà máy, trụ sở liên quan đến lĩnh vực xe điện tại bang California. Trước đó, hãng xe Việt – VinFast, trong những bước đi đầu tiên ra thế giới đã quyết định lựa chọn Los Angeles, một thành phố lớn thuộc bang California làm nơi đặt trụ sở chính tại thị trường Mỹ.

Trụ sở VinFast Mỹ tọa lạc tại khu vực Playa Vista - được mệnh danh là "Bãi biển Silicon" của thành phố Los Angeles với rất nhiều các công ty công nghệ hoạt động. Trụ sở của VinFast có diện tích khoảng 1.400m2 và có thể tiếp tục được mở rộng trong tương lai. Dự kiến, đây sẽ là nơi làm việc của đội ngũ lãnh đạo và hơn 400 nhân viên VinFast trong thời gian tới.

California - "thủ đô" ngành xe điện tại Mỹ

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều hãng xe lớn trên thế giới lựa chọn California làm nơi đặt các nhà máy, trung tâm, trụ sở,… trong nỗ lực chinh phục một trong những thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Theo trang CBS News, California là một bang năng động trong việc tiếp nhận những lĩnh vực mới, bao gồm cả xe điện. Đồng thời, California là nơi có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, từ khí hậu thuận lợi cho các ô tô sử dụng pin, các chính sách hỗ trợ nghiêm túc cho tới việc dễ tiếp cận người tiêu dùng. 

California từ lâu đã trở thành thị trường xe hybrid lớn nhất nước Mỹ. Gần như mọi công ty xe điện đều nhắm mục tiêu tới California cho những lần ra mắt đầu tiên của họ trên đất Mỹ.

Cụm công nghiệp phía nam, nơi đặt chân của nhiều startup xe điện

Nói đến California, không thể bỏ qua cụm công nghiệp thuộc Irvine, một thành phố nằm ở phía nam California. Nơi đây thậm chí còn được ví như trung tâm xe điện với rất nhiều công ty, liên doanh đang hoạt động trong lĩnh vực này, theo Governing.

Một báo cáo vào năm 2010 của Los Angeles County Economic Development (LACED) cho thấy California đang nhanh chóng trở thành trung tâm nghiên cứu, thiết kế và sản xuất xe điện hàng đầu. Khu công nghiệp phía nam đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển trong khu vực.

"California có một hẹ sinh thái xe điện độc đáo và đang phát triển từng ngày. Việc họ nhắm đến khu vực này cũng là điều hợp lý. Bằng cách chuyển đến nam Californina, những startup xe điện có thể tiếp cận với nhiều nhân tài, nhà cung cấp, nhà sản xuất ô tô cũng như những bên liên quan khác. Họ có thể tiếp cận với một thị trường xe điện đang tăng tốc nhờ vào những chính sách hướng đến tương lai", ông Lawren Markle, phát ngôn viên của LACED cho biết.

Từ VinFast tới Toyota, tại sao các công ty ô tô thích đặt trụ sở, nhà máy xe điện tại California? - Ảnh 2.

Trụ sở VinFast tại Los Angeles, California. (Ảnh: VIC).

Một số cái tên nổi bật đang đặt nhà máy ở phía nam California có thể kể đến startup xe điện Karma, Rivian – đối thủ của Tesla, Lordstown Motors,  Enevate,… Ngoài ra còn có các liên doanh nước ngoài như HAAH Automotive, đơn vị đang tiếp thị sản phẩm cho xe điện Vantas và T-Go Trung Quốc; Noodoe, nhà sản xuất trạm sạc xe điện;…

California là nơi chiếm một nửa doanh số bán xe điện tại Mỹ. Trong đó, các khu vực như Los Angeles, Orange, Riverside và San Bernandino chiếm 40%, theo số liệu từ Ủy ban Năng lượng California.

Các chính sách phù hợp với ngành xe điện

Từ lâu, California đã là những người tiên phong trong việc cắt giảm lượng khí thải trong ngành công nghiệp ô tô tại Mỹ, thúc đẩy sử dụng xe điện. Dù vậy, với nhiều người, xe điện vẫn là món hàng xa xỉ. Chính vì vậy, chính quyền thành phố cũng đã đưa ra một số chính sách để hỗ trợ người tiêu dùng tăng cường sử dụng xe điện, bao gồm cả xe điện đã qua sử dụng.

Theo Forbes, xe điện đã qua sử dụng giúp người tiêu dùng tiết kiệm từ 500 – 1.000 USD so với các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch đã qua sử dụng, chi phí bảo dưỡng cũng chỉ bằng một nửa. Mặc dù giá để sở hữu xe điện rẻ hơn xe chạy xăng, nhưng giá mua trả trước vẫn cao hơn nếu không có ưu đãi của chính quyền.

Trên thực tế, việc mua xe là khoản chi tiêu tốn kém thứ hai của người dân California. Vì vậy, việc đổi mới trong các chính sách cho thuê pin đang giúp giảm chi phí xe điện, và chúng có thể rẻ hơn trong vài năm tới. Các chuyên gia đánh giá đây là chính sách cần thiết và thông minh của chính quyền bang California.

Bên cạnh đó, thống đốc bang California Gavin Newsom đã ký một sắc lệnh vào tháng 9 năm ngoái để yêu cầu tất cả các xe tải và xe du lịch mới bán ra ở bang này phải chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2035. Theo Green Car Report, đây là dấu hiệu cho sự hy vọng. Các kế hoạch về ngân sách chi tiêu của Thống đốc Newsom đã trở thành động lực giúp California tiếp tục đẩy mạnh phát triển xe điện.

Mở rộng cơ sở hạ tầng là điều tối quan trọng và các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc các nỗ lực công-tư để mở rộng quy mô cơ sở hạ tầng, đồng thời thực hiện các phương pháp tiếp cận mới để vượt qua các rào cản về khả năng tiếp cận của doanh nghiệp.

Quốc Anh