Từng 'quân cờ domino đổ rạp', nhen nhóm một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu
Ngay cả trước khi Nga tấn công Ukraine, giá lương thực đã tăng trên khắp thế giới do chi phí vận chuyển cao hơn, lạm phát giá năng lượng, tình trạng thiếu hụt lao động xuất hiện sau đại dịch và thời tiết khắc nghiệt.
Chỉ số giá lương thực toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã tăng hơn 40% trong hai năm qua để xác lập mức cao nhất mọi thời đại, Bloomberg thông tin.
Giờ đây, xung đột quân sự tại một trong những “ổ bánh mì” của thế giới, cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga và các biện pháp bảo vệ nguồn cung lương thực của các nước khác đã làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng đói ăn quy mô lớn.
Rủi ro bắt đầu từ đâu? Bloomberg đã tổng hợp một số dữ kiện để chúng ta cùng tìm ra câu trả lời:
Sản xuất bị gián đoạn
Chiến sự tại Ukraine đã làm đứt quãng nguồn cung ứng nông sản quan trọng mà khu vực Biển Đen vận chuyển đến các thị trường thế giới, do các cảng của nước này phải đóng cửa và tàu thuyền nước ngoài cũng e ngại đến khu vực có giao tranh. Những mặt hàng chịu ảnh hưởng có thể kể đến như lúa mì, dầu thực vật, phân bón.
Vụ gieo trồng mùa xuân đang khá bấp bênh khi xung đột quân sự giày xéo các khu vực trồng trọt nông nghiệp của Ukraine. Nông dân Ukraine đang cố gắng xoay xở, nhưng giao tranh vẫn diễn ra đồng nghĩa rằng việc gieo hạt giống hoặc thu hoạch các hoa màu khác sẽ bị cản trở.
MHP SE, một nhà xuất khẩu lương thực lớn của Ukraine đã chuyển sang cung cấp thực phẩm cho quân đội và dân thường tại các thành phố bị đánh bom. Mặt khác, các lô hàng lúa mì của Nga đã tăng trở lại, một số được xuất sang các nước thường nhập khẩu hàng từ Ukraine.
Cú sốc năng lượng
Giá năng lượng bắt đầu tăng cao vào năm ngoái khi nhu cầu của các nền kinh tế trên thế giới phục hồi sau đại dịch và vượt xa nguồn cung. Trong khi đó, năng lượng và thực phẩm lại có sự liên quan mật thiết với nhau.
Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên nhảy vọt đã buộc một số cơ sở phải cắt giảm sản lượng và giá nhiên liệu cũng cao đột biến. Khí đốt là nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân đạm, trong khi nhiên liệu được nông dân dùng để sưởi ấm chuồng trại và chạy các thiết bị để sản xuất thực phẩm.
Gây thêm áp lực cho giá năng lượng là các lệnh trừng phạt mà phương Tây giáng xuống đầu Nga - nhà cung ứng năng lượng hàng đầu của thế giới. Mỹ và Anh đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga.
Chi phí năng lượng tăng nóng do hậu quả của chiến sự Nga - Ukraine đã khiến Mỹ phải xả kho 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 5 tới. Đây là một động thái chưa từng có, cho thấy chính quyền ông Biden đang lo ngại về giá xăng dầu neo cao và nguồn cung bị thiếu hụt.
Phân bón
Phân bón, thành phần quan trọng đối với hầu hết các loại cây trồng, đã tăng mạnh trên toàn thế giới do các vấn đề về nguồn cung, ngay cả trước khi chiến sự tại Đông Âu nổ ra.
Nga, nhà cung ứng lớn của mọi loại phân bón cây trồng, đã thúc giục các doanh nghiệp trong nước cắt giảm xuất khẩu vào tháng 3. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho các hoa màu quan trọng.
Động thái của Moscow còn gây thêm bất ổn cho thị trường toàn cầu khi mà nông dân ở Brazil - nhà nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới, đang gặp khó khăn trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng ngoài ưu tiên nguồn cung cho nông dân trong nước, Nga sẽ chỉ xuất khẩu phân bón cho các quốc gia “thân thiện” với Điện Kremlin.
Đà tăng đột biến của giá phân bón thậm chí còn khiến một số nông dân Mỹ trồng nhiều đậu nành hơn ngô, điều này có thể làm gia tăng tình trạng thiếu hụt một số loại ngũ cốc trên toàn cầu.
Các nước “tự cứu lấy mình”
Chính phủ các nước đang ra sức giữ nguồn cung thực phẩm gần mình hơn nhưng hành động của họ có khả năng làm cú sốc lạm phát lương thực kéo dài lâu hơn.
Hungary, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia và Ai Cập đều đã áp đặt hoặc đe dọa đặt ra các giới hạn lên xuất khẩu nông sản nhằm hạ nhiệt giá hàng hóa trong nước cũng như đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng.
Dòng chảy thương mại từ Biển Đen bị gián đoạn cũng có nguy cơ sẽ gây tổn hại cho các quốc gia châu Phi và châu Á - hai khu vực vốn phụ thuộc vào hai “ổ bánh mì” của châu Âu để nuôi sống hàng trăm triệu người dân.
Chẳng hạn, Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và 86% nguồn cung của nước này là từ Nga và Ukraine, theo số liệu năm 2020.
Mua hàng trong hoảng loạn
Cú sốc đang lan đến các kệ hàng trên khắp thế giới. Nỗi lo giá dầu hướng dương tăng cao đã kích động người tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ đi vơ vét hàng.
Ngay cả Indonesia, nước xuất khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, cũng đang cảm thấy căng thẳng. Các siêu thị phải giới hạn mỗi người chỉ được mua một can dầu, nên các gia đình phải dắt theo con nhỏ xếp hàng để trữ thêm dầu ăn.
Nỗi lo về nguồn cung lương thực cũng đang lớn dần ở hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Doanh nghiệp Trung Quốc đang tích cực mua thêm ngô và đậu nành để đảm bảo nguồn hàng, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường chú trọng vào an ninh lương thực.
Nhu cầu sụp đổ
Khi lượng mua giảm vì người tiêu dùng không có đủ khả năng chi trả, các nhà kinh tế gọi đó là hiện tượng “nhu cầu sụp đổ”.
Tại Ấn Độ, đà tăng giá bùng nổ của dầu thực vật đã khiến lượng mua hàng tụt dốc. Quốc gia tỷ dân này là nhà nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, loại nguyên liệu không thể thiếu cho việc chiên, xào và chế biến nhiều món ăn khác. Người tiêu dùng Ấn Độ cực kỳ nhạy cảm với giá dầu ăn.
Tại Mỹ, hạn chế về ngân sách khiến các ngân hàng thực phẩm và cửa hàng thức ăn phải cân đối lại thực đơn để giải quyết cơn đói của những người dân nghèo, giữa lúc nền kinh tế lớn nhất thế giới phải vật lộn với chi phí xăng dầu, điện nước và tiền thuê nhà tăng vọt.