Tuần 28/2 - 4/3: Tổ chức trong nước tập trung chốt lời 750 tỷ đồng cổ phiếu hóa chất, tâm điểm DGC, DPM
Tâm lý lo ngại về cuộc xung xung đột Nga - Ukraine dần đi qua nhường chỗ cho vận động của dòng tiền tại các lĩnh vực được hưởng lợi trong ngắn hạn. Dù đã vượt ngưỡng 1.500 điểm, nhưng nhìn chung VN-Index trải qua một tuần với diễn biến giằng co trong bối cảnh thị trường vẫn thiếu vắng thông tin hỗ trợ
VN-Index đóng cửa tuần thứ 10 của năm 2022 với 3 phiên tăng, 2 phiên giảm, có thêm 6,44 điểm tương đương 0,43% so với tuần trước đó, dừng chân ở mốc 1.505,33 điểm. Mặc dù mức tăng điểm chưa thực sự thuyết phục nhưng thị trường tuần qua chứng kiến sự phục hồi trên diện rộng của nhiều nhóm cổ phiếu.
Theo quan sát, 15/19 ngành tăng điểm trong đó sàn HOSE ghi nhận 264 cổ phiếu tăng so với 134 cổ phiếu giảm. Các ngành tài nguyên cơ bản, hóa chất, hàng và dịch vụ công nghiệp có mức tăng 3 - 8% trong khi du lịch & giải trí, ngân hàng giảm điểm kìm hãm đà hồi phục của chỉ số.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 27.951 tỷ đồng, là mức cao nhất trong vòng 6 tuần, tăng 3,9% so với tuần trước đó và 20,4% so với trung bình 5 tuần gần đây.
Theo thống kê của FiinTrade, tỷ trọng phân bổ dòng tiền chuyển hướng tăng vào nhóm tài nguyên cơ bản (thép), hóa chất, hàng và dịch vụ công nghiệp, trong khi giảm vào nhóm xây dựng & vật liệu, bất động sản, chứng khoán.
Trong tuần VN-Index tăng điểm nhẹ, tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) duy trì bán ròng 277 tỷ đồng, tuy nhiên tính riêng kênh khớp lệnh thì họ mua ròng 477 tỷ đồng.
Tổ chức trong nước bán mạnh cổ phiếu hóa chất, tiếp tục mua gom cổ phiếu BĐS
Theo thống kê của FiinTrade, xu hướng bán ròng của tổ chức trong nước tuần qua chỉ tập trung ở một số nhóm ngành trong khi hoạt động giải ngân của khối này lại khá phân tán.
Tại phía bán ra, quy mô rút ròng tăng mạnh ở nhóm hóa chất bất chấp tín hiệu khởi sắc về điểm số và thanh khoản. Nhóm này bị bán ròng đột biến 750 tỷ đồng, gấp gần 28 lần so với tuần trước đó và vượt xa các ngành còn lại.
Đây là nhóm cổ phiếu nhà đầu tư kỳ vọng vào xuất khẩu tiếp tục tăng và giá tăng do cung hàng thế giới giảm dưới tác động chiến tranh. Chỉ số dòng tiền của FiinTrade cũng cho thấy tuy dòng tiền vào nhóm hóa chất tăng nhưng vẫn yếu hơn mức tăng thanh khoản chung của toàn thị trường.
Nối tiếp, lực xả của các cá nhân nội còn tìm đến các ngành hàng & dịch vụ công nghiệp (113,2 tỷ đồng), dầu khí (85,6 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (14 tỷ đồng), bảo hiểm (3 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, lực cầu lớn nhất tiếp tục tập trung ở nhóm ngân hàng với giá trị 745 tỷ đồng, tăng gấp gần 1,4 lần so với tuần trước đó.
Trái ngược với tuần trước, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc trở lại thu hút 152 tỷ đồng. Dòng tiền đảo chiều ở nhóm này bất chấp việc tổ chức trong nước vẫn đang tích cực chốt lời nhiều đại diện thuộc nhóm bất động sản.
Theo sau, giao dịch tương tự với quy mô nhỏ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm như hàng cá nhân & gia dụng (118 tỷ đồng), bán lẻ (73 tỷ đồng), chứng khoán (65 tỷ đồng), điện nước xăng dầu khí đốt (64 tỷ đồng),...
Tập trung chốt lời DGC, DPM trong khi mua ròng mạnh nhất MBB, VPB
Thống kê Top5 cổ phiếu được tổ chức trong nước giải ngân mạnh nhất tuần 28/2 - 4/3, mã MBB được khối này mua ròng 263,9 tỷ đồng. Đây chính là lực đỡ chính khi nhà đầu tư cá nhân và khối ngoại đồng loạt chốt lời trong tuần. Giao dịch cổ phiếu của MBBank cũng tỏ ra kém sắc với thị giá mất 3,6% sau 1 tuần.
Cùng với MBB, một cổ phiếu ngân hàng khác là VPB cũng được tổ chức nội gom ròng 258,1 tỷ đồng. Đây cũng là mã được NĐT nước ngoài mua ròng mạnh nhất trong tuần với giao dịch chủ yếu tập trung trong phiên thứ Sáu.
Trong phiên cuối tuần, cổ phiếu của VPBank là mã thu hút lực cầu lớn nhất của khối ngoại với quy mô hơn 891 tỷ đồng, tương đương 23,3 triệu đơn vị. Giao dịch mua ròng ồ ạt của nhà đầu tư ngoại diễn ra ngay sau khi nhà băng này vừa có văn bản về việc điều chỉnh room ngoại lên 17,5% vốn điều lệ.
Một số mã cũng ghi nhận giao dịch mua ròng trên trăm tỷ đồng trong tuần qua còn có FLC (164,6 tỷ đồng), HPG (156,8 tỷ đồng) và DXG (119,1 tỷ đồng). Tuần qua, HPG đã thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ thị trường khi trở thành cổ phiếu vốn hoá lớn tác động tích cực nhất tới VN-Index.
Sau giai đoạn dài giao dịch trầm lắng, anh cả ngành thép đã có phiên tăng bốc đầu 6,8% lên 50.100 đồng/cp, đóng cửa "tím ngắt" trong phiên 3/3 với thanh khoản tăng mạnh lên mức 76 triệu đơn vị, cao nhất kể từ khi niêm yết. Mặc dù có điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần, thị giá HPG vẫn ghi nhận mức tăng 8,5% chỉ trong 1 tuần.
Ở chiều bán ra, cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang là mã bị bán ròng nhiều nhất với giá trị gần 560 tỷ đồng. Giao dịch trái chiều với tổ chức trong nước, đây là một trong những mã nằm trong Top mua ròng của NĐT cá nhân và khối ngoại trong tuần qua.
Tương tự, một cổ phiếu thuộc nhóm hóa chất khác là DPM cũng bị khối này rút ròng 135,3 tỷ đồng. Như đã đề cập bên trên, nhà đầu tư có tâm lý chốt lời ngắn hạn ở nhóm hóa chất trong bối cảnh dòng tiền hiện đang "xoay tua" rất nhanh và không thấy “sóng” cụ thể ở một nhóm ngành nào kéo dài.
Theo sau, giao dịch bán ròng nhẹ hơn cũng xuất hiện ở cổ phiếu GMD (96,4 tỷ đồng), APH (85,4 tỷ đồng). Đối lập trạng thái mua FLC và DXG, dòng tiền tổ chức nội bán ròng cổ phiếu của ông lớn địa ốc VHM với giá trị 80,3 tỷ đồng.