Dòng tiền thông minh 7/3: NĐT cá nhân trở lại mua ròng sau phiên chốt lời mạnh mẽ, tâm điểm HPG, DGC, NLG
Thị trường trong nước mở phiên giao dịch cuối tuần (4/3) trong tâm lý hưng phấn nhờ tín hiệu hồi phục ở phiên trước. Tuy nhiên, hiện tượng phân hóa ở các nhóm ngành và sự thiếu vắng thông tin hỗ trợ đã khiến thị trường duy trì biến động lình xình trong cả phiên.
Đóng cửa, VN-Index chỉ tăng nhẹ 0,33 điểm (0,02%) và chốt tại 1.505,33 điểm. Thanh khoản khớp lệnh giảm nhẹ so với phiên trước, với 873,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên HOSE.
Giống như VN-Index, rổ VN30 cũng có diễn biến giằng co khi số lượng cổ phiếu tăng/giảm khá cân bằng với 14 mã tăng/14 mã giảm. Những cổ phiếu có bước tăng tốt nhất trong nhóm là VRE (+3,2%), PDR (+2,8%), ACB (+2,5%), SSI (2,4%), PNJ (2,1%)… Ở chiều ngược lại, SAB dẫn dầu với tỷ lệ mất giá là 4,2%, theo sau là VJC (-2,8%), PLX (-2,7%), GAS (-2,2%), TPB (-1,8%)…
Mặc dù cả hai chỉ số chính đều ở trạng thái giằng co, sắc xanh vẫn khá nổi trội trên toàn thị trường. Hiện tượng phân hóa vẫn đang tiếp diễn với các nhóm ngành tăng giảm đan xen. Dòng tiền có xu hướng tăng ở nhóm chứng khoán, xây dựng & vật liệu, vận tải,... trong khi cổ phiếu họ dầu khí tiếp tục chậm lại và điều chỉnh sau giai đoạn tăng mạnh.
Tổ chức trong nước chuyển bán ròng hơn 600 tỷ đồng, tâm điểm chốt lời nhóm hóa chất
Trong phiên giao dịch cuối tuần, tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh công ty chứng khoán) đảo chiều bán ròng 600,2 tỷ đồng sau hai phiên mua ròng liên tiếp. Tính riêng khớp lệnh thì họ rút ròng 367,8 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 11/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm hóa chất. Top bán ròng có DGC, APH, VIC, VPB, DPM.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu nhóm hàng cá nhân & gia dụng. Top10 mã mua ròng của khối này gồm DXG, PNJ, MBB, CTG, ACB.
NĐT cá nhân đảo chiều rót vốn phiên VN-Index đi ngang
Trong phiên VN-Index duy trì xu hướng đi ngang, NĐT cá nhân trở lại xuống tiền nâng đỡ thị trường với giá trị vào ròng là 126 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh 492 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 13/18 ngành, trong đó họ tập trung gom cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành thép. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã HPG, DGC, NLG, VNM, APH, VIC, VHM, VRE, NVL, HDB.
Theo quan sát, NĐT cá nhân đã chuyển hướng gom mạnh cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát sau phiên chốt lời trước đó.
Phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 5/18 ngành còn lại với áp lực rút vốn chủ yếu đặt tại nhóm cổ phiếu của các nhà băng, hàng cá nhân & gia dụng. Danh mục Top10 bán ròng bao gồm: VPB, DXG, PNJ, KBC, VND, DCM, MBB, MSN, ACB.
NĐT ngoại tập trung rút vốn khỏi cổ phiếu thép
Về phía NĐT nước ngoài, đây là phiên thứ 2 liên tiếp khối này mua ròng với tổng giá trị đạt hơn 474 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 124 tỷ đồng.
Giao dịch làm thay đổi vị thế mua/bán ròng của khối ngoại là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu VPB. Trong phiên thứ Sáu cuối tuần, mã VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là mã thu hút lực cầu lớn nhất của khối ngoại với quy mô hơn 891 tỷ đồng, tương đương 23,3 triệu đơn vị.
Giao dịch mua ròng ồ ạt của nhà đầu tư ngoại diễn ra ngay sau khi nhà băng này vừa có văn bản về việc điều chỉnh room ngoại lên 17,5% vốn điều lệ.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm ngân hàng, hóa chất. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã VPB, MSN, PNJ, DXG, DCM, DGC, VND, KBC, DPM, GEX.
Tại phía bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại chủ yếu rút vốn khỏi nhóm thép. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã HPG, NLG, VNM, VRE, VHM, TPB, VIC, HDB, FUEVFVND.