|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

SGI Capital: Xung đột chính trị sớm được thị trường chiết khấu đầy đủ, tiêu điểm sẽ trở lại câu chuyện kinh doanh mùa đại hội

18:00 | 06/03/2022
Chia sẻ
Theo SGI Capital, tác động của xung đột địa chính trị sẽ sớm được thị trường chiết khấu đầy đủ và tiêu điểm chú ý sẽ quay trở về với các câu chuyện nội tại của Việt Nam, đặc biệt là câu chuyện kế hoạch kinh doanh và các tin tức riêng của từng doanh nghiệp trong bối cảnh mới khi mùa đại hội cổ đông đang tới.

Trong báo cáo phân tích mới đây, công ty quản lý quỹ SGI Capital đã có những nhận định về triển vọng thị trường trong giai đoạn tới. Theo quan điểm đưa ra, thị trường không còn đồng pha và sự vận động phân hóa mạnh theo câu chuyện riêng biệt của từng cổ phiếu.

Trong thời gian tới, tổ chức này lưu tâm tới ba yếu tố ngắn hạn và trung hạn gồm tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam và kế hoạch kinh doanh của các công ty niêm yết.

Liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, SGI Capital cho rằng dù xung đột đã và đang gây ra những xáo trộn và bất ổn nhưng quy mô và mức độ của những đứt gẫy kinh tế tạo ra cho thế giới nói chung và cho Việt Nam nói riêng là không lớn. Đặc biệt nếu đem ra so sánh với những đứt gãy toàn diện do đại dịch COVID-19 đã gây ra hai năm qua. 

Trên góc nhìn kinh tế và đầu tư, thế giới đã rất nhiều lần trải qua các cuộc xung đột lớn nhỏ và đều nhanh chóng tìm được cách thích ứng và vượt qua. Theo dòng lịch sử các cuộc chiến, thị trường sẽ sớm chiết khấu các rủi ro và tìm được điểm cân bằng cho một xu hướng mới, mặc cho chiến sự sau đó có tiếp diễn hay leo thang.

Liên quan đến diễn biến động thái của Fed, SGI Capital biết sẽ chờ đợi thông điệp của kỳ họp FOMC giữa tháng 3/2022 để hiểu rõ hơn đánh giá của FED về những biến số bất ổn từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đặc biệt là những yếu tố liên quan tới quá trình giảm bảng cân đối của FED.

Về thị trường chứng khoán Việt Nam, yếu tố tác động mạnh hơn tới TTCK Việt Nam sẽ là hai yếu tố mang tính nội tại là mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ và kế hoạch kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp niêm yết. 

Trong một tháng vừa qua, mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ ngắn hạn và lãi suất liên ngân hàng đã được đẩy lên, tiến sát vùng trước khi COVID-19 xảy ra. 

Các lãi suất trái phiếu chính phủ tăng phản ánh hai kỳ vọng của các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này: (1) thời kỳ lãi suất thấp đã qua và (2) lợi tức trái phiếu đang đi trước khả năng lạm phát sẽ tăng dần trong thời gian tới do giá xăng dầu đã ở mức cao nhất lịch sử và tốc độ phục hồi kinh tế cũng như giải ngân đầu tư công cải thiện.

SGI Capital: Xung đột chính trị sớm được thị trường chiết khấu đầy đủ, tiêu điểm sẽ trở lại câu chuyện kinh doanh mùa đại hội - Ảnh 1.

Câu chuyện lạm phát được quan tâm khi giá xăng dầu đang ở mức cao nhất lịch sử. Ảnh: Thu Hà.

Cùng với đó, định giá của rổ VN30 cũng đang dao động quanh vùng trung vị của mức trước COVID-19. SGI Capital đánh giá đây là dao động hợp lý và cũng đang xảy ra với thị trường tài chính toàn cầu (định giá TTCK Mỹ đã giảm mạnh và đang ở vùng trung bình 10 năm).

"Nhìn về tháng 3, chúng tôi cho rằng tác động của xung đột địa chính trị sẽ sớm được thị trường chiết khấu đầy đủ và tiêu điểm chú ý sẽ quay trở về với các câu chuyện nội tại của Việt Nam, đặc biệt là câu chuyện kế hoạch kinh doanh và các tin tức riêng của từng doanh nghiệp trong bối cảnh mới khi mùa đại hội cổ đông đang tới", báo cáo nêu.

Trong bối cảnh sự thận trọng về các rủi ro chung đang cao và dòng tiền rẻ không còn, tổ chức này duy trì quan điểm về một kịch bản thị trường phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng. 

Trường phái giao dịch ngắn hạn sẽ rất khó kiếm tiền trong môi trường này khi phải làm đúng cả hai việc là lựa chọn đúng cổ phiếu, và đúng thời điểm mua bán mới có thể có lãi. Dự đoán thị trường ngắn hạn chưa bao giờ dễ và càng trở nên khó hơn trong giai đoạn nhiều biến động này.

Hoàng Linh

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.