Dòng tiền đầu cơ đẩy cổ phiếu than tăng phi mã bất chấp kết quả kinh doanh, có mã tăng bằng lần khi lợi nhuận giảm hơn 66%
Cổ phiếu than tăng phi mã
Cùng với cổ phiếu dầu khí, cổ phiếu nhóm than giao dịch khởi sắc thời gian gần đây sau thời gian dài điều chỉnh. Diễn biến cổ phiếu than đi ngược với xu hướng lình xình của thị trường chứng khoán Việt Nam. Quan sát giao dịch trong 10 phiên gần đây nhất, sắc xanh tím chiếm chủ đạo trên nhóm cổ phiếu khai thác than.
Thống kê trong nhóm than, hầu hết các cổ phiếu ghi nhận tỷ lệ tăng giá 25 - 50% chỉ sau ít phiên. HLC là mã tăng giá mạnh nhất trong 10 phiên với tỷ lệ 50%. Đóng cửa phiên 4/3, cổ phiếu này dừng ở 21.000 đồng/cp, vùng đỉnh trong 1 năm trở lại.
Theo sau đó là các cổ phiếu tăng trưởng trên mức 40% có TC6 (44,74%) và MDC (44,09%). Các mã khác cũng ghi nhận mức tăng cao trên 30% như NBC, TMB, TVD và THT. Hai cổ phiếu CST và TDN tăng lần lượt 27,54% và 26,81%.
Bức tranh kinh doanh tối của ngành than
Ngành than được đánh giá là một trong những ngành hưởng lợi trực tiếp từ căng thẳng của Nga và Ukraine khi hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn từ đó đẩy giá cả các mặt hàng như than, dầu khí lên cao.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngành khai thác than đang được đẩy giá lên cao trong khi tình hình hoạt động kinh doanh lại không có quá nhiều điểm ấn tượng trong vòng 5 năm trở lại đây.
Mức tăng trưởng doanh thu trung bình của các công ty khai thác than tương đối khiêm tốn so với mức tăng trưởng về giá của cổ phiếu các doanh nghiệp trong thời gian gần đây.
Về doanh thu, CTCP Kinh doanh than Miền Bắc - Vinacomin (Mã: TMB) dẫn đầu trong nhóm với mức 11.029 tỷ đồng năm 2021. Trong 3 năm gần đây, doanh thu của công ty này gần như đi ngang. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tương tự. Năm ngoái, công ty báo lãi sau thuế 60,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 9,5% so với năm trước đó.
Đứng thứ hai về doanh thu là Than Cao Sơn - TKV (Mã: CST) với 8.698 tỷ đồng. Năm 2021, công ty này dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm với 106,6 tỷ đồng. Nhóm báo lãi trăm tỷ đồng còn có Than Vàng Danh - Vinacomin (Mã: TVD).
Trong năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Than Vàng Danh là 5.342 tỷ đồng và 103,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 57,13% và 18,86% so với năm 2020.
Một số công ty khác có sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận trong năm qua còn có Than Hà Tu - Vinacomin (Mã: THT), Than Hà Lầm - Vinacomin (Mã: HLC), Than Đèo Nai - Vinacomin (Mã: TDN). Mặc dù giá cổ phiếu tăng phi mã, doanh thu và lãi sau thuế của Than Đèo Nai chỉ tăng lần lượt 6,61% và 1,23% trong năm vừa qua.
Kém sắc hơn, doanh thu của Than Cọc Sáu - Vinacomin (Mã: TC6) giảm 17,45% trong năm 2021, xuống còn 2.579 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp công ty sụt giảm về doanh thu. Quan sát trong 5 năm gần đây, doanh thu của Than Cọc Sáu cao nhất vào năm 2019 với 3.558 tỷ đồng.
Không chỉ sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận của Than Cọc Sáu giảm mạnh hơn 66% năm qua, xuống còn 2,4 tỷ đồng. Đây là mức lãi thấp nhất trong 5 năm gần đây. So với mức đỉnh lợi nhuận 41,3 tỷ đồng của năm 2018 thì đây là con số rất thấp.
Đáng nói, trong 1 năm gần đây, giá cổ phiếu TC6 tăng hơn 3 lần từ vùng đáy 5.000 đồng/cp lên mức 16.500 đồng/cp.
Trong năm 2021, một trường hợp khác cũng sụt giảm nhẹ về lợi nhuận là Than Núi Béo (Mã: NBC). Công ty báo lãi 45,7 tỷ đồng, giảm gần 2% so với năm liền kề trước đó. Công ty báo lãi trong bối cảnh doanh thu tăng mạnh từ 2.194 tỷ đồng lên 2.671 tỷ đồng.
Từu những phân tích trên để thấy rằng tâm lý của các nhà đầu tư có phần hơi lạc quan vào ngành khai thác than. Tuy nhiên, trong báo cáo đưa ra trước đó, SSI Research cho rằng dư địa tăng giá của than trong nước không còn nhiều do giá tại Việt Nam đang cao hơn thế giới. Do vậy, tiềm năng tăng trưởng của các công ty khai thác than còn là một câu hỏi cần được xem xét lại kỹ lưỡng.