Từ đâu sinh ra nghịch lí: Mỹ tiêu hủy hàng nghìn con heo dù cả nước đang thiếu thịt trầm trọng
Đại dịch COVID-19 bùng phát tại các lò mổ lớn trên khắp nước Mỹ để buộc doanh nghiệp phải kích hoạt đợt tiêu hủy heo lớn nhất từ trước đến nay.
Hàng trăm nghìn con heo đã bị loại bỏ và CoBank ước tính 7 triệu con heo có thể phải bị tiêu hủy chỉ trong quí II năm nay. Nếu như thế, người tiêu dùng sẽ mất khoảng 453.000 tấn thịt heo.
Một số trang trại ở bang Minnesota thậm chí còn sử dụng cần cẩu - một loại xe gợi nhớ đến bộ phim "Fargo" phát hành năm 1996, để nghiền xác heo để làm phân bón. Các nhà máy chế biến đang dốc sức biến thịt heo thành bất kì sản phẩm nào, từ gelatin đến vỏ xúc xích.
Đằng sau sự lãng phí khủng khiếp này là hàng nghìn nông dân đang hi vọng rằng lò mổ sẽ hoạt động trở lại trước khi heo bị quá cân. Một số khác đang cố gắng cắt lỗ và thu hẹp qui mô đàn heo.
"Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân thường lo lắng về bệnh dịch ở vật nuôi chứ họ chẳng hề ngờ rằng bệnh dịch ở con người có thể gây ra tình cảnh này", ông Michael Crusan - phát ngôn viên Hội đồng Thú ý bang Minnesota, cho hay.
Theo Bloomberg, có đến 2.000 con heo được nghiền nhỏ thành phân bón và ủ ở Hạt Nobles. "Chúng tôi có rất nhiều xác heo nên cần phải biến chúng thành phân bón", ông Crusan nói.
Hầu hết nhà máy thịt từng đóng cửa khi công nhân nhiễm COVID-19 đã mở cửa trở lại sau khi Tổng thống Trump ban hành lệnh hành pháp yêu cầu họ hoạt động lại.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến thịt khó mà có thể quay về thời điểm trước đại dịch khi các biện pháp giãn cách xã hội còn được duy trì trong sản xuất và số lượng công nhân vắng mặt lớn.
Cuộc khủng hoảng y tế khiến nguồn cung thịt heo tại các cửa hàng tạp hóa trên khắp nước Mỹ cạn dần, từ đó đẩy giá lên cao.
Giá thịt heo bán buôn tại Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ tháng 4. Giá thịt cắt nhỏ bán lẻ cũng tăng vọt 7,6% trong tháng 4 - mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ năm 1998 khi chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu.
Chuỗi cung ứng thịt heo của Mỹ được thiết kế để sản xuất ngay tức thì, tức heo nuôi đến độ xuất chuồng sẽ được chuyển ngay đến lò mổ và một nhóm heo con khác sẽ thay thế lứa cũ trong vài ngày sau khi cơ sở chăn nuôi được khử trùng, bà Liz Wagstrom - bác sĩ thú ý trưởng tại Hội đồng Sản xuất Thịt heo Quốc gia Mỹ, cho hay.
Quá trình giết mổ bị chững lại khiến heo con không còn nơi nào để đi vì nông dân đang cố bám trụ và phải nuôi lứa heo trưởng thành lâu hơn.
Tuy nhiên, khi heo đạt cân nặng 150 kg, chúng quá lớn để đưa vào hệ thống giết mổ cũng như không vừa vặn để cho vào hộp hay khay xốp, bà Wagstrom nói.
Nông dân Mỹ không có nhiều lựa chọn, một số người đang xây dựng các thùng chứa, chẳng hạn như xe tải kín khí, để bơm khí CO2 và đưa heo vào "giấc ngủ", bà Wagstrom lí giải.
Các phương pháp khác ít phổ biến hơn vì chúng gây chấn thương cho người lao động và vật nuôi nhiều hơn, chẳng hạn như dùng súng bắn hoặc đập vào đầu con vật.
Bloomberg dẫn lời các nhóm bảo vệ động vật cho biết đại dịch đã làm lộ ra những lỗ hổng trong hệ thống cung ứng thực phẩm của Mỹ. Ngoài ra, các phương pháp tiêu hủy động vật không được chuyển đến lò mổ được cho là rất tàn ác.
Nông dân cũng là nạn nhân trong tình thế cùng cực của ngành chăn nuôi hiện nay, ít nhất là về mặt tài chính và cảm xúc.
Quyết định tiêu hủy heo có thể giúp các trang trại tồn tại, nhưng lại gây thiệt hại cho nhà sản xuất và nhận thức của công chúng về ngành công nghiệp chế biến heo tại thời điểm thịt heo tăng giá và khan hiếm nghiêm trọng ở siêu thị.