|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Doanh nghiệp phân phối chịu lỗ để giảm giá thịt heo

17:20 | 15/05/2020
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong tháng 4, Big C đã phải bù khoảng hơn 17 tỉ đồng cho chương trình bình ổn giá thịt heo, tuy nhiên họ cũng không thể bù mãi được.

Big C phải bù 17 tỉ đồng để bình ổn giá thịt heo

Tại cuộc họp báo thường kì diễn ra chiều ngày 15/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết vừa qua Bộ Công Thương đã hối hợp với các hệ thống siêu thị, tổ chức chương trình khuyến mại, bình ổn giá. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp phân phối đã phải chấp nhận chịu lỗ để đánh đổi mức giá thấp thịt heo thấp hơn đến tay người tiêu dùng.

"Big C làm rất tốt nhưng câu chuyện vẫn là cung cầu, họ không thể giữ mãi giá thấp trong khi thị trường vẫn đang ở mức cao. Họ có thể chấp nhận trong thời điểm nào đó không có lãi thậm chí lỗ khi bán thịt heo". 

Thứ trưởng cho biết trong tháng 4, Big C đã phải bù khoảng hơn 17 tỉ đồng cho chương trình bình ổn giá thịt heo, tuy nhiên họ cũng không thể bù mãi được.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra hiện nay nguồn cung thịt heo vẫn đang rất thiếu. Riêng năm 2019 nguồn cung thịt heo thiếu 20 - 21%. Trong 3 tháng đầu năm 2020 tiếp tục giảm hơn 20% so với 2019.

Một số địa phương thậm chí thiếu 50%. Trong khi đó, hiện nay trên toàn quốc còn 17 - 18 tỉnh chưa công bố hết dịch. Điều này dẫn đến người chăn nuôi chưa yên tâm để tái đàn. Nguồn cung rõ ràng đang rất thiếu. 

Một số hộ muốn tập trung tái đàn thì không còn vốn. Nếu có vốn thì con giống rất đắt, một con giống thậm chí hơn 3 triệu/con. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cho nhập khẩu lợn giống đời cụ kị, ông bà để giải quyết tình trạng thiếu con giống.

"Nếu không cẩn thận, việc chăn nuôi của họ lại không hiệu quả kinh tế. Do đó, đã thiếu thì càng thiếu", thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ có 2 cách để bổ sung nguồn cung thiếu hụt. Đầu tiên là tái đàn và đây cũng là cách tối ưu, bền vững, tạo công ăn việc làm cho người dân.

"Tuy nhiên, chúng tôi đã hỏi trực tiếp các doanh nghiệp ít nhất là cuối năm mới có thể cung ứng lượng heo tương đương với trước khi có dịch. Như vậy từ nay đến cuối năm nguồn cung vẫn thiếu", Thứ trưởng cho biết.

Biện pháp thứ hai là nhập khẩu. Nhưng việc nhập khẩu cũng cần có chiến lược. Từng tháng có tính toán cần nhập khẩu thêm bao nhiêu. Nếu nguồn cung trong nước tăng lên thì giảm nhập khẩu để bảo vệ bà con.

Tại Hộ thảo bình ổn giá thịt heo bảo vì quyền lợi người tiêu dùng, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôib cho biết tính đến đầu tháng 5, Việt Nam đã nhập hơn 50.000 tấn thịt heo, tương đương hơn 50% chỉ tiêu Chính phủ giao.

Bộ Công Thương vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT giới thiệu đầu mối nhập khẩu đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lí.

Các doanh nghiệp hiện nay không cần qua Bộ Công Thương để làm bất kì thủ tục nhập khẩu mà chỉ cần qua Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan thú y làm giấy phép sau đó mang ra Hải quan để làm thủ tục nhập khẩu.

"Cá nhân tôi mong muốn cuối năm nay tình hình nguồn cung heo sẽ phục hồi trở lại như năm 2018. Chúng tôi đang tăng cường kiểm soát hành vi đầu cơ chuộc lợi, vận chuyển heo trái phép", ông Hải nói.

Tiếp tục bình ổn mặt hàng thịt heo

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước cho biết hiện Vụ đang phối hợp chặt chẽ với các Sở công thương, các doanh nghiệp phân phối thịt heo lớn trong các siêu thị. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Doanh nghiệp phân phối chịu lỗ để giảm giá thịt heo - Ảnh 2.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước. Ảnh: Đức Quỳnh

Hiện tại, 6 hệ thống phân phối lớn đang phối hợp với bộ công thương để bình ổn giá thịt heo trong đó có Big C, Coopmart. 

TP.HCM và một số tỉnh đã đưa mặt hàng thịt heo vào bình ổn. Đặc biệt, TP.HCM cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng, phân phối xem xét giảm giá, giảm triết khẩu để đưa thịt từ nơi giết mổ đến tay người tiêu dùng với giá hợp lí nhất. 

Một số siêu thị như Big C, Bách Hóa Xanh cũng đã nhập khẩu thịt heo trực tiếp từ các nguồn uy tín chất lượng như Mỹ, Ba Lan, Nga, Brazil…nhằm giảm bớt chi phí trung gian. Thịt heo nhập khẩu hiện có giá thấp hơn so với giá thịt heo trong nước 20 - 30%. 

Đồng thời tích cực tuyên truyền người dân chuyển sang tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khác như thịt bò, thịt gà để giảm bớt gánh nặng về nhu cầu thịt heo.

  

H.Mĩ