'Heo ăn chuối', 'heo ăn chay': Sản phẩm có thật sự khác biệt?
Điểm tương đồng giữa "heo ăn chuối" và "heo ăn chay"
Thời gian gần đây, cụm từ "heo ăn chuối" của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG), "heo ăn chay" của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (Mã: BAF) đang được nhắc đến nhiều trên thị trường thịt heo Việt Nam.
Chia sẻ với truyền thông mới đây, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BaF, cho biết công ty đã sử dụng một công thức dinh dưỡng trong chăn nuôi riêng, chỉ sản xuất để cung cấp cho đàn heo trong nội bộ và không bán thương mại ra ngoài thị trường.
“Điểm đặc biệt trong công thức dinh dưỡng này là không chứa các thành phần gốc đạm động vật, nghĩa là chỉ sử dụng các thành phần có gốc thực vật. Có thể gọi đây là heo ăn chay cũng không sai”, ông Bá chia sẻ.
Khái niệm “heo ăn chay” của BaF khiến người tiêu dùng liên tưởng tới thương hiệu “heo ăn chuối” của HAGL cũng vừa có mặt trên thị trường cách đây không lâu.
Cụ thể, hồi giữa tháng 9, tại sự kiện ra mắt nhãn hiệu thịt heo của HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết ông đã tìm được phương pháp đưa bột chuối vào 40% thức ăn chăn nuôi giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó hạ giá thành chăn nuôi bởi thức ăn đang chiếm 75% trong tổng chi phí sản xuất.
Ông Đức cam kết chất lượng heo ăn chuối của HAGL đảm bảo tiêu chí "3 không" gồm không thuốc kháng sinh, không thuốc tăng trọng, không đạm động vật.
Hai sản phẩm thịt heo này có phần tương đồng là được nuôi theo công thức riêng của mỗi doanh nghiệp và công thức này đều có thành phần thực vật nên chất lượng được giới thiệu là có sự khác biệt so với thịt heo thông thường.
Lãnh đạo hai doanh nghiệp cho biết với phương pháp nuôi mới thịt heo thơm, nạc nhiều, ít béo, luộc không nhiều bọt.
Đánh giá về sản phẩm này, báo cáo triển vọng ngành nông nghiệp vừa cập nhật của Công ty CP chứng khoán VnDirect cho rằng, “heo ăn chuối” không có quá nhiều khác biệt so với những loại thịt sạch đang có đối với thị trường, xét ở góc độ tiêu dùng.
Khảo sát cũng cho thấy "heo ăn chuối" vẫn chưa xuất hiện nhiều trong hệ thống siêu thị, chợ truyền thống và các cửa hàng thực phẩm.
Tương tự, "heo ăn chay" của BaF hiện cũng chưa có mặt ở các siêu thị lớn ngoài cửa hàng Siba Food và quầy Meat Shop.
Trong khi đó, trên thị trường thịt heo đã có sự tham gia của nhiều công ty lớn như CP Food, GreenFeed, Japfa, CJ Vina, Dabaco, Masan Meatlife, Vissan... với độ phủ sóng rộng rãi.
Cụ thể như CP Việt Nam, công ty con của Tập đoàn CP Thái Lan, là doanh nghiệp sản xuất thịt lớn của Việt Nam với thị phần thịt heo ước tính khoảng 17-18%. Sản phẩm của CP được phân phối ở hầu hết siêu thị lớn và cửa hàng bán lẻ.
Hay với Masan Meatlife, công ty đã đưa thịt mát Meat Deli lên kệ của hệ thống siêu thị Winmart và chiếm khoảng 2-3% thị phần. Sản phẩm này hiện đang đứng đầu về mức giá trong phân khúc thịt heo có thương hiệu.
Dù vậy, theo VNDirect, sự gia nhập của BaF và HAGL đang hợp xu thế khi có sự chuyển dịch trong thói quen của người tiêu dùng từ mua thịt ở chợ, không rõ nguồn gốc sang những nơi có thương hiệu, có tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Chia sẻ tại buổi giới thiệu về Triển lãm Vietstock 2022 về ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và công nghiệp chế biến thịt mới đây, bà Rungphech Chitanuwat Rose, Giám đốc khu vực ASEAN Tập đoàn Informa Markets, cho rằng người tiêu dùng ngày càng thông thái, muốn biết nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm. Nếu quy trình sản xuất không an toàn, họ sẽ không mua. Đó là quá trình chuyển đổi và hội nhập.
“Hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi và các công ty lớn nhìn thấy cơ hội trong đó. Họ đầu tư vào mảng thịt, sản xuất theo hướng hiện đại hơn để mọi quy trình từ trang trại đến bàn ăn được chuẩn chỉnh hơn, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Bản thân doanh nghiệp cũng phải đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để có thể lấn sâu và đứng vững ở thị trường cạnh tranh này”, bà Rose chia sẻ.
Kế hoạch mở rộng trong tương lai
Bên cạnh việc tìm ra phương pháp nuôi heo riêng, hai doanh nghiệp này cũng đều có mục tiêu mở rộng chuỗi bán lẻ và quy mô chăn nuôi trong thời gian tới.
Trong đó, BaF dự kiến năm 2023 sẽ cung cấp ra thị trường hơn 1,5 triệu đầu heo, mở 1.100 điểm bán thịt. Còn với HAGL, Tập đoàn đặt mục tiêu mở 1.000 cửa hàng Bapi để phân phối sản phẩm “heo ăn chuối”, bao gồm cả mô hình nhượng quyền.
Thời điểm hiện tại, HAGL mới gia nhập thị trường Đà Nẵng và TP HCM với hai cửa hàng chuyên bán sản phẩm thương hiệu của công ty, trong đó, chủ lực là thịt heo mảnh cùng một số thực phẩm chế biến từ thịt như chả lụa, xúc xích,...
Về quy mô chăn nuôi, Tập đoàn đã hoàn thiện 9 cụm chuồng trại để nuôi hơn 27.000 con heo nái sinh sản và 600.000 con heo thịt xuất chuồng mỗi năm. Mục tiêu đến năm 2023, HAGL cho ra 1 triệu con "heo ăn chuối". Theo kế hoạch, 3-4 năm tới HAGL sẽ xây dựng nhà máy riêng để khép kín quy trình và kiểm soát chất lượng.
Trong khi đó, BaF đã có gần 60 cửa hàng và 250 Meat Shop bán lẻ thịt thương hiệu BaF cùng các sản phẩm chế biến: xúc xích, chả lụa, giò sống.
Quy mô đàn heo của BaF hơn 200.000 con bao gồm heo thịt và heo giống, hai nhà máy thức ăn chăn nuôi và 15 trang trại rộng khắp khu vực phía Nam.
Mới đây, công ty cũng đã khởi công xây dựng 4 cụm trang trại heo công nghệ cạo tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, dự kiến cụm trang trại này sẽ đi vào hoạt động vào quý IV/2023. Tổng diện tích của các cụm trang trại là 78 ha, quy mô 5.000 heo nái và 60.000 heo thịt, tổng công suất hơn 320.000 con/năm, với doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng/năm.
4 dự án này nằm trong chiến lược xây dựng mạng lưới khoảng 100 trang trại và đạt 200.000 nái vào năm 2030 của BaF.