|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TS. Cấn Văn Lực: Việt Nam chưa cần lo lắng về khủng hoảng Evergrande

10:03 | 28/09/2021
Chia sẻ
Đánh giá về ảnh hưởng của khủng hoảng Evergrande tới Việt Nam, chuyên gia cho rằng sự kiện lần này không có nhiều tác động tới Việt Nam. Nếu có thì chủ yếu là qua kênh tâm lý và chưa cần lo lắng nhiều.

“Bom nợ” 300 tỷ USD Evergrande là chủ đề được nhắc đến khá nhiều những ngày qua khi đây trở thành nỗi lo lớn với nguy cơ gây hệ lụy cho hệ thống tài chính Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng sự sụp đổ của Evergrande không chỉ làm tổn thương kinh tế Trung Quốc mà còn khiến thị trường quốc tế vạ lây.

Theo Reuters, hai ngân hàng có thị phần lớn tại Trung Quốc, Hong Kong là HSBC và Standard Chartered có thể phải đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cả lợi nhuận và bảng cân đối kế toán của họ vì cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande. 

Liệu rằng hệ thống tài chính của Việt Nam có bị ảnh hưởng khi "bom nợ" này phát nổ? Và đây có phải là một bài học sát sườn cho việc quản lý dòng vốn vào các công ty bất động sản hiện nay?

Việt Nam chưa cần lo lắng về "khủng hoảng Evergrande"

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng về cơ bản sự kiện này không có tác động gì đến hệ thống tài chính của Việt Nam. 

Nếu có thì cũng không tác động nhiều, chủ yếu là ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán của Trung Quốc và quốc tế.

TS. Cấn Văn Lực: Việt Nam chưa cần lo lắng về khủng hoảng Evergrande - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Theo ông, đối với Việt Nam, chủ yếu là tác động qua kênh tâm lý. Về lâu về dài có thể có một số tác động khác, ví dụ như Trung Quốc có thể tiếp tục kiểm soát việc phát triển đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và bất động sản. Từ đó tác động đến phục hồi kinh tế toàn cầu và gián tiếp ảnh hưởng đến xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam.

Ông Lực cho rằng có thể Việt Nam cũng phải có tác động nhất định từ một số cơ quan quản lý để kiểm soát dòng vốn vào bất động sản, trong đó có cả câu chuyện trái phiếu.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng cần hết sức tỉnh táo, không vì những sự kiện như vậy mà siết chặt “quá thể” tín dụng và đầu tư vào bất động sản. Cần có đánh giá thực chất về tình hình tại Việt Nam để có biện pháp phù hợp chứ không nên theo những phong trào như vậy.

Trong chia sẻ gần đây, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng đồng tính với quan điểm của ông Lực. Ông cho rằng Việt Nam không cần lo lắng về việc xảy ra những trường hợp tương tự như Trung Quốc bởi các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam chưa có khoản nợ quốc tế bằng USD đáng kể. 

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tín dụng bất động sản của Việt Nam còn nằm ở mức thấp và tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết nếu như tăng trưởng tín dụng bất động sản vào năm 2018 là 26,16%, năm 2019 là 21% thì năm 2020 chỉ ở mức 11,89%, thấp hơn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống.

Riêng 6 tháng đầu năm 2021, số liệu tình hình kinh tế xã hội tại Hà Nội cho thấy tín dụng bất động sản là khoảng 114.000 tỷ đồng, giảm 0,3 điểm % so với cùng kỳ. Mức này đang chiếm 7,6% tổng dư nợ cho vay của thành phố là hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ trọng tại TP HCM hiện cũng đã giảm xuống mức 10,6%.

"Thị trường đã dần được kiểm soát nhưng vẫn là lĩnh vực rủi ro. Tuy nhiên mức tín dụng vào bất động sản đang trong tầm kiểm soát, NHNN sẽ tiếp tục đánh giá và theo dõi", ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ. 

Những cảnh báo với thị trường

Mặc dù dường như những ảnh hưởng từ vụ Evergrande tới Việt Nam là chưa rõ ràng nhưng nhiều chuyên gia vẫn đưa ra những lời cảnh báo với thị trường.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup chia sẻ trên trang cá nhân rằng nếu Việt Nam theo chân Trung Quốc áp dụng biện pháp mạnh "ba lằn ranh đỏ" (được áp dụng cho Top 12 tập đoàn bất động sản lớn của Trung Quốc) này thì  77% trong tổng số 69 công ty bất động sản niêm yết đều vi phạm ít nhất một tiêu chí.

Ba tiêu chí trong "lằn ranh đỏ" được Trung Quốc đưa ra năm 2020 để đánh giá mức độ cấp room vay nợ cho doanh nghiệp bất động sản gồm:

- Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản (không bao gồm các khoản trả trước) dưới 70%

- Tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu dưới 100%

- Tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn tối thiểu là 1

Trong số 69 doanh nghiệp bất động sản niêm yết vi phạm hai tiêu chí và 3,5% vi phạm cả ba tiêu chí.

Chủ tịch FinnGroup cho rằng bên cạnh tín dụng ngân hàng, cần có cách tiếp cận linh hoạt để kênh trái phiếu phát huy được vai trò nguồn cấp vốn trung dài hạn.

Thời gian gần đây, trong khi tăng trưởng tín dụng BĐS có chiều hướng chậm lại thì trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đổ vào lĩnh vực bất động sản có dấu hiệu tăng nóng.

Dữ liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản huy động nhiều thứ hai sau ngân hàng với tổng giá trị phát hành 107.980 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoảng 21,6% trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc được đảm bảo bằng cổ phiếu.

Theo Chứng khoán SSI, những rủi ro đối với TPDN đang tăng lên khi thanh khoản của thị trường bất động sản có xu hướng giảm, cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần. Các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến.

Các yếu tố trên làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp.

Chia sẻ trên Nhà đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý hiện tượng Evergrande có thể là một bài học lớn cho Việt Nam. 

Theo ông, hiện có một số ngân hàng cổ phần cho vay các doanh nghiệp bất động sản liên quan, cho vay lĩnh vực bất động sản quá lớn. Khi các doanh nghiệp bất động sản gặp vấn đề rất có thể sẽ tạo ra khó khăn thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là những ngân hàng yếu kém. 

"Cho tới thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 4 doanh nghiệp ở Việt Nam cần phải có những hồi chuông cảnh báo", ông Nghĩa nói.

NHNN tăng cường kiểm soát tín dụng đổ vào bất động sản

Không phải từ khi xuất hiện sự kiện Evergrande, NHNN đã luôn có sự kiểm soát chặt đối với tín dụng đổ vào các kênh đầu tư rủi ro như bất động sản, chứng khoán,...

Ngay từ cuối tháng 4, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn; cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, cần thận trọng trong xem xét quyết định cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng bất động sản tại các địa bàn đang xảy ra tình trạng sốt đất. Thận trọng trong việc thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.

Mới đây, NHNN tiếp tục có văn bản đặc biệt yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, đặc biệt là dư nợ lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, phải duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư.

Phương Nga