Động lực quan trọng giúp OCB tăng trưởng trong năm 2024?
Trong báo cáo phân tích của Chứng khoán DSC, các chuyên gia phân tích dự báo kết quả hoạt động kinh doanh của OCB năm 2024 sẽ hồi phục từ mức nền thấp năm 2023 chủ yếu nhờ biên lãi thuần cải thiện khi chi phí vốn giảm mạnh.
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động dự báo đạt 10.546 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 4.862 tỷ đồng, tăng 17%.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, OCB đã thực hiện được hơn 30% kế hoạch lợi nhuận với lãi trước thuế đạt 899 tỷ đồng, điều này đặt ra thách thức rất lớn cho ngân hàng trong nửa cuối năm. Điểm tích cực được các chuyên gia DSC chỉ ra là biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng có dấu hiệu tạo đáy trong quý II
Kết thúc quý II, tăng trưởng tín dụng OCB đạt 7,2%, cao hơn so với trung bình ngành là 6%. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng lên phần lớn đến từ hoạt động mua nợ tăng thêm 2.200 tỷ đồng trong khi cho vay khách hàng chỉ tăng 1.700 tỷ đồng và trái phiếu doanh nghiệp không biến động nhiều, phản ánh nhu cầu tín dụng vẫn yếu.
Xét về cơ cấu theo ngành, tăng trưởng tín dụng của OCB chủ yếu đến từ kinh doanh bất động sản (BĐS), tăng thêm 6.000 tỷ đồng, tương đương tăng 46% từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, hoạt động bán buôn bán lẻ cũng đóng góp thêm 3.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gần 9%; lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 2.000 tỷ, tương ứng 16%,... bù đắp cho dư nợ một số ngành nghề khác giảm.
Tuy nhiên, DSC cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% của OCB sẽ gặp nhiều khá nhiều áp lực do tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng có dấu hiệu chậm lại trong quý vừa qua và không có lợi thế cạnh tranh về chi phí vốn rẻ để duy trì mức lãi suất cho vay thấp so với các ngân hàng lớn.
Trước đó, VCBS từng nhận định rằng giai đoạn trầm lắng của thị trường BĐS và xây dựng đang dần đi qua sẽ là động lực giúp hỗ trợ lợi nhuận của OCB trong thời gian tới.
Công ty chứng khoán này dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 của OCB ước đạt 14,7% nhờ động lực khi hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh và các hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại. Trong đó, tín dụng nhóm khách hàng cá nhân kỳ vọng tăng mạnh hơn từ nửa cuối năm.
"Chiến lược tập trung vào phân khúc thị trường khách với khẩu vị rủi ro cao hơn mức trung bình ngành có thể sẽ là động lực tăng trưởng cho OCB khi nền kinh tế phục hồi", VCBS nhận định.
Về chất lượng tài sản, theo chứng khoán DSC, tệp khách hàng OCB tập trung vào doanh nghiệp SME, khách hàng bán lẻ. Do vậy, khi nền kinh tế suy yếu, dẫn đến chất lượng tài sản OCB chịu ảnh hưởng ít nhiều. Bộ đệm dự phòng ngân hàng cũng ở mức thấp so với trung bình ngành, duy trì 55% trong quý II, áp lực trích lập dự phòng tiếp tục kéo dài.
6 tháng đầu năm, với việc gia tăng chi phí dự phòng và chi phí hoạt động đã khiến tổng lợi nhuận của ngân hàng đạt 2.113 tỷ, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Tổng Giám đốc OCB, ông Phạm Hồng Hải đã đưa nhiều ý kiến đóng góp và đề xuất về gỡ vướng cho thị trường BĐS và xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu.
Cụ thể, ông đề xuất Chính phủ và NHNN tạo cơ chế cho việc xử lý nợ mạnh mẽ tương tự như nghị quyết 42 tạo thuận lợi cho ngân hàng thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm.
Ông mong muốn có một hành lang pháp lý thống nhất liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản cho ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu. Hiện nay, quy định này được thực hiện không đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xử lý tài sản, ông cho hay.
Bên cạnh đó, việc tháo gỡ cơ chế chính sách, những nút thắt về thủ tục đầu tư mà hiện nay vẫn đang rất chậm đặc biệt cho các dự án bất động sản. Ông Phạm Hồng Hải cho rằng khi các nút thắt này được giải tỏa, nguồn cung sẽ được cải thiện giúp cho thị trường bất động sản ấm lên tạo tâm lý tích cực cho đầu tư và tiêu dùng.
Ví dụ, việc khung giá đất vẫn chưa được giải quyết khiến nhiều doanh nghiệp không thể hoàn thành nghĩa vụ thuế chuyển quyền sử dụng đất và không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Hải chia sẻ.
Ngày 5/9, hãng xếp hạng Moody's đã giữ nguyên xếp hạng tiền gửi ngân hàng dài hạn (LT) của đồng nội tệ (LC) và ngoại tệ (FC) của OCB ở mức Ba3. Đồng thời, đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) và BCA điều chỉnh được duy trì ở mức b1. Moody’s cũng nâng cấp triển vọng của OCB từ “tiêu cực” sang “ổn định”.
Theo đánh giá của Moody’s, việc duy trì xếp hạng BCA và nâng triển vọng lên ổn định phản ánh kỳ vọng về quy mô nguồn vốn trên trung bình sẽ giúp hạn chế rủi ro chất lượng tài sản của OCB.
Năm 2024, OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng, trong đó dự kiến phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%.