Trước thềm kí kết thỏa thuận thương mại, Mỹ gỡ bỏ nhãn thao túng tiền tệ với Trung Quốc
Theo Bloomberg, sự thay đổi trong lập trường của phía Mỹ đã được nêu ra trong báo cáo ngoại hối nửa năm mà Bộ Tài chính Mỹ trình lên Quốc hội.
Tài liệu trên được công bố chỉ hai ngày trước khi Washington và Bắc Kinh dự kiến cùng đặt bút kí kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một tại Phòng Đông của Nhà Trắng vào lúc 11h30 thứ Tư tuần này (theo giờ Mỹ).
Theo Bloomberg, trong số 20 nền kinh tế mà Nhà Trắng theo dõi có khả năng thao túng tiền tệ, tài liệu này không liệt kê bất kì đối tác thương mại lớn nào của Mỹ. Trong khi Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Italy, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam vẫn còn nằm trong danh sách, Thụy Sỹ là cái tên mới được thêm vào.
Trong một tuyên bố hôm 13/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin nói: “Trung Quốc đã đưa ra các cam kết có thể thi hành liên quan tới việc hạn chế phá giá tiền tệ để cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy tính minh bạch và tính chịu trách nhiệm”
Cam kết kiểm soát chặt đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là một phần của thỏa thuận giai đoạn một sắp được kí kết, theo thông tin trong bản báo cáo dài 45 trang của Bộ Tài chính Mỹ.
Sau khi Bloomberg đưa tin về động thái Bộ Tài chính Mỹ dỡ bỏ nhãn thao túng tiền tệ của Trung Quốc sáng hôm 13/1, đồng nhân dân tệ đã tăng lên mức đỉnh 6 tháng.
Sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho phép đồng nội tệ mất giá để trả đũa thuế quan của Mỹ, việc Washington dán nhãn thao túng tiền tệ cho Bắc Kinh hồi tháng 8 năm ngoái đã gây leo thang hơn nữa cuộc chiến thương mại giữa hai bên.
Bản báo cáo mới của Bộ Tài chính Mỹ thúc giục Trung Quốc "tăng cường hiểu biết chung" giữa PBoC và hoạt động hối đoái của hệ thống ngân hàng nhà nước, bao gồm cả thị trường đồng nhân dân tệ ở nước ngoài.
Bộ Tài chính Mỹ nhận định PBoC "có vẻ đã khá kiềm chế" can thiệp tỷ giá nhân dân tệ trong năm 2019.