Mối nguy hiểm thực sự đằng sau nhãn thao túng tiền tệ Mỹ dành cho Trung Quốc
Ảnh: AP
Động thái của Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây thực chất chỉ là bước đi chính trị
Theo South China Morning Post, chính phủ Trung Quốc thường không nhận được nhiều thiện cảm, tuy nhiên nhiều người sẽ phải đứng về phía Bắc Kinh ở vấn đề này.
Vào ngày 5/8, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã ngừng thao túng tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ, và trong vòng 24 giờ sau Mỹ quay lại và chính thức gắn mác kẻ thao túng tiền tệ cho Trung Quốc.
Trên thực tế, nhãn thao túng tiền tệ không thực sự có nhiều ý nghĩa như thế. Về mặt lí thuyết, nó kéo theo một quá trình dài từ 6 tháng đến một năm, mà sau đó Washington có thể áp biện pháp trừng phạt không liên quan đến trường hợp này lên Trung Quốc.
Ngoài dập tắt hi vọng nối lại đàm phán song phương để đi đến một thỏa thuận thương mại trong năm nay hoặc năm tới, bước đi của Mỹ còn mở ra mặt trận thứ ba trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ bất đồng về thuế quan thương mại và công nghệ tiên tiến, giờ đây họ còn có nguy cơ "xáp lá cà" trên mặt trận tiền tệ.
Về lâu dài, điều đó có thể gây chia rẽ sâu sắc hơn và gây ra hậu quả lớn đối với các quốc gia khác, buộc họ phải chọn phe giữa hai đối thủ nặng kí về kinh tế.
Về mặt lí thuyết, cuộc xung đột Mỹ - Trung khó có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới, nhưng cũng không thể tốt hơn. Và điều này sẽ đóng vai trò là lực cản đối với nền kinh tế thế giới.
Về mặt thực tiễn, loạt biện pháp đối phó mới nhất này chủ yếu là động thái chính trị.
Mặc dù đe dọa áp thuế mới, ông Trump vẫn được cho là nhượng bộ Trung Quốc
Đe dọa áp thuế suất 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc của ông Trump vừa qua dường như là một bước leo thang lớn. Trên thực tế, đây lại là một sự nhượng bộ. Trước hội nghị thượng đỉnh tại Osaka hồi tháng 6, ông Trump đã đe dọa áp thuế đến 25%.
Điểm khác biệt chính là giá cả hàng hóa. Cân nhắc tác động của mức thuế suất nói trên lên một set ba chiếc áo thun cotton nhập khẩu từ Trung Quốc được bán tại một trung tâm mua sắm ở Mỹ với giá 10 USD.
Set áo thun này thường được nhập khẩu với giá khoảng 4 USD, cộng thêm 6 USD gồm chi phí bán lẻ, tiếp thị cũng như lợi nhuận của nhà bán lẻ tại Mỹ.
Mức thuế 25% sẽ đẩy chi phí nhập khẩu lên 5 USD/set và khi chuyển đến tay người tiêu dùng, giá bán lẻ của set áo thun sẽ "đội" lên đến 11 USD - một mức tăng đáng kể. Nó đủ lớn để tác động tiêu cực đến tâm lí người tiêu dùng Mỹ trước thềm cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 của ông Trump.
Tồi tệ hơn, mức giá mới sẽ làm tăng lạm phát tiêu dùng ở Mỹ, từ đó thu hẹp khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong những tháng tới và làm tổn hại thêm tinh thần kinh tế Mỹ.
Nếu nhà nhập khẩu Mỹ hấp thụ khoản chi phí này thay vì đẩy sang người tiêu dùng, thuế quan mới có thể đè nặng lên doanh thu của doanh nghiệp Mỹ, làm suy giảm tâm lí nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán - một kịch bản khác mà ông Trump muốn né tránh trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ngược lại, mức thuế 10% hoàn toàn có thể thu xếp được. Tác động lạm phát của hơn 40 xu trong set áo thun 10 USD là không đáng kể. Hơn nữa, doanh nghiệp Mỹ cũng dễ dàng hấp thụ mức thuế này.
Mối nguy hiểm thực sự: Thế giới phải chọn phe trong cuộc tranh chấp Mỹ - Trung
Nếu thuế quan mới của ông Trump không lớn lao như lầm tưởng ban đầu, việc đồng nhân dân tệ sụt giá so với đồng USD vào tuần trước cũng tương tự. Trong năm qua, chính quyền Trung Quốc đã can thiệp gián tiếp vào thị trường ngoại hối để duy trì giá trị của đồng nhân dân tệ so với đồng USD được định giá quá cao.
Mặc dù đây thực chất là hành vi thao túng tiền tệ, mục đích của nó là nhằm giữ đồng nhân tệ mạnh hơn, chứ không phải giành lợi thế không công bằng thông qua phá giá đồng tiền này như các nhà phê bình tại Mỹ khẳng định.
Dường như Bắc Kinh đã bảo vệ ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi một USD chủ yếu để xoa dịu các nhà phê bình này nhằm tiếp tục duy trì đàm phán thương mại với Mỹ. Với việc ông Trump đe dọa áp thuế, chính phủ Trung Quốc đã quyết định rút khỏi thị trường và cho phép đồng nội tệ suy yếu.
Với một nền kinh tế có đòn bẩy cao, Trung Quốc không khuyến khích dòng vốn chảy ra ngoài. Do vậy, chính phủ nước này phải nhanh chóng can thiệp một lần nữa, theo đó báo hiệu rằng họ sẽ gây áp lực lên bất kì ai mong muốn đồng nhân dân tệ mất giá ở thị trường Hong Kong.
Đồng nhân dân tệ đã nhanh chóng ổn định, giảm khoảng 1,5%. Đây không phải là một đợt mất giá có ý nghĩa lớn và càng không phải là hành động phá giá tiền tệ nhằm giành lợi thế cạnh tranh có thể "xứng đáng" nhận nhãn thao túng tiền tệ từ Washington.
Việc căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trong tháng này khiến thỏa thuận thương mại khó mà đạt được trong năm nay hay thậm chí trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020.
Tệ hơn, nhãn thao túng tiền tệ đã mở rộng cuộc xung đột sang lĩnh vực tiền tệ. Về lâu dài, nó sẽ làm tăng tốc và nêu bật lên trình phân tách kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cuối cùng, nó thậm chí có thể buộc các quốc gia khác chia phe theo Mỹ hoặc Trung Quốc - một tình huống tiến thoái lưỡng nan, vấn đề này sẽ được phân tích kĩ trong những tuần tới.