|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trước khi Vingroup dừng Adayroi, ông chủ Big C, Thế Giới Di Động đã âm thầm đóng cửa sàn thương mại điện tử tốn nhiều tiền của

16:49 | 23/12/2019
Chia sẻ
Adayroi của Vingroup sáng nay chính thức dừng hoạt động, sáp nhập vào VinID, làm dày thêm danh sách các tên tuổi lớn bé rút lui khỏi thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam, vốn được coi là cuộc chơi tốn nhiều tiền của trong một thập kỉ qua.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2015, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) cả nước đạt khoảng 4 tỉ USD. Đến năm 2018, thị trường này vươn lên 7,8 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%/năm. 

Với tốc độ "thần tốc" này, trong năm tới, quy mô thị trường sẽ đạt 13 tỉ USD, cao hơn mục tiêu 10 tỉ USD trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 do Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, cũng như ngành bán lẻ truyền thống, miếng bánh TMĐT ngon nhưng không dễ ăn. Trước Adayroi, một loạt sàn TMĐT của Thế Giới Di Động, BigC đã lặng lẽ đóng cửa.

5 năm hoạt động khác biệt với thị trường, Adayroi cuối cùng cũng đóng cửa

anh-chup-man-hinh-2019-12-17-luc-225657-1576598230192929774740

Adayroi sẽ được gộp về siêu ứng dụng VinID. (Ảnh chụp màn hình).

Sáng nay, sàn TMĐT Adayroi của Vingroup đã chính thức thông báo dừng hoạt động sau 5 năm gia nhập thị trường. Vingroup 3 ngày trước đã tuyên bố rời mảng bán lẻ bằng việc giải thể Vinpro, sáp nhập Adayroi vào VinID. Một ngày trước, doanh nghiệp đã có thông báo dừng bán hàng trên Adayroi, chấm dứt hợp đồng với nhà cung cấp.

Theo thông báo mới, việc sáp nhập Adayroi vào VinID nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Vingroup quyết định nâng cấp mảng thương mại điện tử thành mô hình 'New Retail', là mô hình kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến (O2O).

Hiện khi truy cập vào website Adayroi, khách hàng sẽ nhận được thông báo dừng hoạt động. Adayroi cũng gửi lời cảm ơn đến khách hàng và đối tác đã đồng hành cùng sàn thương mại điện tử này trong 5 năm qua. Sàn TMĐT của Vingroup khẳng định suốt thời gian hoạt động là "hành trình xây dựng một trang thương mại điện tử của người Việt và vì người Việt".

Adayroi của Vingroup chính thức hoạt động vào tháng 8/2014. Đây chính là thời điểm chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+ có mặt trên thị trường và được xem là một phần trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup, phân phối chủ yếu các sản phẩm, dịch vụ của tập đoàn. 

Nhìn vào hoạt động của Adayroi có thể thấy, sàn này không "rình rang", mà đi theo chiến lược riêng. Tuy nhiên, điều này cũng không khiến hoạt động của Adayroi hiệu quả, lượng truy cập luôn bị Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… bỏ rất xa.

Trước khi Vingroup dừng Adayroi, ông chủ Big C, Thế Giới Di Động đã âm thầm đóng cửa sàn thương mại điện tử tốn nhiều tiền của - Ảnh 2.

Lượng truy cập sàn Adayroi thấp hơn nhiều so với Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Trong các kết quả thống kê của iPrice Group về Thương mại điện tử tại Việt Nam, cái tên Adayroi của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chưa một lần nằm trong top dẫn đầu. 

Adayroi luôn "bền vững" ở các vị trí thứ 6 đến thứ 9 trong bảng xếp hạng ở các chỉ số website thương mại điện tử có nhiều người dùng nhất, ứng dụng có lượng người sử dụng nhiều nhất và ứng dụng có lượt tải xuống nhiều nhất..

Theo kết quả cập nhật mới nhất trong quý III/2019, số lượng khách hàng truy cập vào website Adayroi chỉ đạt 6,4 triệu lượt mỗi tháng. 

Trong khi đó, lượng khách truy cập của Lazada, Tiki, Sendo, Shopee luôn trên 20 triệu lượt. Thậm chí, theo iPrice, số lượng khách hàng truy cập website Adayroi còn thấp hơn cả website của Điện Máy Xanh và Điện máy Chợ Lớn.

Central Group, Thế Giới Di Động đã rời cuộc chơi thương mại điện tử từ sớm

Vào tháng 3/2019, trang TMĐT Robins.vn thông báo đóng cửa chỉ sau gần hai năm hoạt động. Được nuôi nấng bởi Tập đoàn Central Group, đại gia Thái Lan nắm trong tay chuỗi siêu thị Big C và cửa hàng điện máy Nguyễn Kim, nên Robins.vn đột ngột đóng cửa khiến nhiều người tiêu dùng bất ngờ.

Nhưng dù sao bất ngờ này cũng có thể lường trước, vì tiền thân của Robins.vn là Zalora, sàn TMĐT chuyên về thời trang, cũng đã từng trụ không vững tại thị trường Việt Nam. 

Bất ngờ hơn cả việc đột ngột đóng cửa Robinson.vn là câu chuyện Vuivui.com của Thế Giới Di Động. Sàn TMĐT của hệ thống bán lẻ mà ông Nguyễn Đức Tài từng rất kì vọng, đã đột ngột dừng chân trước Robinson.vn vài tháng, vào cuối tháng 11/2018. 

Khi đó, khách hàng truy cập vào Vuivui.com sẽ tự động chuyển sang trang bán hàng của Bách hoá Xanh (bachhoaxanh.com).

Vuivui.com được xây dựng là website thương mại điện tử theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Ở thời điểm ra mắt vào khoảng năm 2016, Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Đức Tài dành trọn niềm tin cho "bước thử nghiệm tiếp theo" của tập đoàn. 

Thế Giới Di Động không giấu tham vọng ở mảng này, khi dự kiến doanh thu 20 tỉ đồng vào cuối năm 2017, với truy cập 200.000 lượt/ngày và sẽ vượt doanh thu chuỗi cửa hàng thegioididong.com trong vòng 5 năm tới.

Thế nhưng theo báo cáo kinh doanh của công ty, kết thúc năm 2017, doanh thu của Vuivui.com là 75 tỉ đồng, không đóng góp nhiều vào cơ cấu doanh thu của công ty mẹ.

803681787854bda7f584dd8e4b94332d

Thế Giới Di Động từng rất tự tin với trang vuivui.com. (Ảnh: HDVietnam).

Ngược dòng thời gian thêm 2 năm trước nữa, vào cuối năm 2016, thị trường cũng ghi nhận một "bom xịt" dừng chân trong làng TMĐT, là CDiscount. Trang TMĐT thuộc Big C đóng cửa mà không hề giải thích lí do. Trái với tuyên bố "tự tin sẽ trở thành nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu Việt Nam", Cdiscount phải đóng cửa sau gần 2 năm hoạt động.

Năm 2016 còn ghi nhận thêm trường hợp của Lingo.vn. Trình làng từ tháng 8/2011, sàn này thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Truyền thông VMG, hoạt động theo mô hình B2C. 

Liên tiếp được bơm tiền, Lingo.vn đặt mục tiêu trở thành website thương mại điện tử số 1 Việt Nam. Song cũng chỉ trụ được 5 năm, trang này được cho là đã đóng cửa mà không kèm theo bất cứ thông báo nào. Thị trường đồn đoán Lingo.vn đóng cửa vì không được nhà đầu tư tiếp tục rót vốn bởi kinh doanh không hiệu quả. 

Nhưng thực tế, danh sách các trang TMĐT đã đóng cửa, rời thị trường tại Việt Nam không phải ít. Hàng loạt sự tên tuổi khá có tiếng ở giai đoạn trước 2015 như Beyeu.com, Deca.vn, Lamdieu.com, Foreva.vn (cùng của Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG), fab.vn…đã liên tiếp rời thì trường vì nhiều lí do.

Thương mại điện tử - Cuộc đua của những kẻ "mạnh vì gạo, bạo vì tiền"

Trước khi dừng hoạt động, Beyeu.com, một dự án của Webtretho được IDG Ventures Việt Nam đầu tư, còn ngậm ngùi để lại lời nhắn: "Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp quyết định sẽ dừng việc đốt tiền. Chúc may mắn cho những người còn lại!".

Lời nhắn nhủ của Beyeu.com phản ánh đúng thực trạng của thị trường TMĐT Việt Nam: chỉ những đại gia "đốt tiền như giấy" mới dám trụ lại cuộc chơi. 

Trong giai đoạn 2015-2016, Lazada lỗ gần 1.000 tỉ đồng mỗi năm; đến năm 2018, mức lỗ của doanh nghiệp này lên đến hơn 2.000 tỉ đồng. Tương tự, Shopee chịu lỗ 164 tỉ đồng chỉ trong 4 tháng đầu tiên hoạt động tại Việt Nam. Cộng dồn 3 năm qua, sàn này gánh lỗ 2.700 tỉ đồng.

Tiki cũng không may mắn hơn. Startup này được nhiều cổ đông trong và ngoài nước như VNG, JD.com, Sumitomo... rót vốn, và cũng ghi nhận mức lỗ 760 tỉ đồng trong năm 2018, gấp 2,5 lần so với năm 2017. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-18 lúc 15

Ba ông lớn Lazada, Shopee, Tiki đua nhau đốt tiền để giành thị phần TMĐT tại Việt Nam. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Tham gia thị trường ở giai đoạn đầu (2001), ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc NextTech Group, cho biết hiện nay đơn vị này chỉ duy trì trang web chodientu.vn, còn trang ebay.vn do NextTech bắt tay hợp tác với ebay.com (Mỹ), đã bị dừng đầu tư, do Ebay tại Đông Nam Á đang đuối sức.

Ông Bình cho biết gần đây có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính tham gia vào thị trường này, và họ chấp nhận đầu tư chịu lỗ lớn để thu hút khách hàng, chiếm thị phần. Chính điều này khiến cho cuộc chơi TMĐT càng trở nên khốc liệt, nhiều doanh nghiệp không "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" phải bỏ cuộc.

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thoan, Phó ban Đào tạo, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), vốn đầu tư là rất quan trọng, nhưng ý tưởng sáng tạo còn quan trọng hơn. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, nắm được công nghệ, làm chủ được công nghệ mới, theo kịp sự phát triển của công nghệ mới và ứng dụng được trong TMĐT.

Đồng quan điểm với ông Thoan, ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty cổ phần Công nghệ DKT, cũng từng đưa ra nhận định với truyền thông, thiếu vốn có thể được xem là nguyên nhân chính, nhưng không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc dừng hoạt động của các trang TMĐT.

Theo ông Tuyến, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc nhiều startup TMĐT dừng chân là việc chưa đánh giá chính xác số vốn cần bỏ ra để duy trì doanh nghiệp cho đến lúc có lãi, dẫn đến việc khởi nghiệp quá gấp rút khi chưa có đủ lượng vốn cần thiết.

Tương lai thương mại điện tử Việt Nam vẫn rất "sáng sủa"?

Dù thế, nhiều chuyên gia vẫn đồng ý rằng TMĐT vẫn còn quá màu mỡ tại Việt Nam. 

"Thực tế TMĐT là ngành có nhiều hình thức khác nhau, và sàn TMĐT chỉ là một mô hình. Có sự cạnh tranh là đương nhiên, hoạt động tốt thì phát triển và hoạt động không tốt thì gặp khó khăn. 

Song sự đóng cửa của một sàn thì không phản ánh chung sự đi xuống. TMĐT đang có mức tăng trưởng mà nhiều ngành khác mong muốn, là 40%/năm, được dự báo tiếp tục tăng cao hơn nữa đến năm 2020", ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM từng khẳng định với báo giới.

Ở góc độ các nhà chuyển phát nhanh thực hiện việc giao hàng cho các hãng TMĐT, nhiều doanh nghiệp cũng tiết lộ kết quả tăng trưởng khá ấn tượng nhờ vào sự tăng trưởng tới 40% của lĩnh vực này. 

Theo ông Đinh Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Bưu chính Viettel Hà Nội, đơn vị này đã đạt được mức tăng trưởng lên tới 250% và số tiền thu hộ cũng tăng tới 200%. Với xu hướng tăng lên của các đơn hàng nhỏ, ông Sơn cho rằng tương lai cho ngành thương mại điện tử là rất "sáng sủa".

Còn theo ông Phan Trọng Lê, Phó ban Kế hoạch và Đầu tư của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, mảng chuyển phát cho TMĐT đã duy trì tốc độ tăng hơn 2 - 2,5 lần. Sự tăng trưởng này cũng có sự thay đổi khi trước đây chủ yếu tăng ở thành phố lớn, nhưng gần đây lại tập trung ở khu vực nông thôn, với mức tăng gấp 3 - 5 lần.

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-18 lúc 15

TMĐT Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng hai con số đáng mơ ước. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Cùng với đó, VECOM lưu ý rằng hiện nay, chỉ có 75% thị phần thương mại điện tử đang tập trung ở Hà Nội và TP HCM. Đến 61 tỉnh, thành còn lại nhưng chỉ chiếm 25%. Do đó, trong ba năm tới nếu phát triển sang các tỉnh thành lân cận thì quy mô thị trường có thể tăng từ 3-5 lần, giúp các doanh nghiệp TMĐT có doanh số tăng tương đương.

Với mức tăng trưởng vẫn lạc quan, ông Hưng tin tưởng đây tiếp tục là tín hiệu tốt cho TMĐT Việt Nam sẽ "đang trên đà vững mạnh".

Ngay cả CEO Nguyễn Việt Quang của Vingroup khi thông tin rời thị trường bán lẻ cũng vẫn khẳng định thương mại điện tử ở Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Có không ít các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này đang tìm hiểu cơ hội tại Việt Nam. 

Ông Quang nói các doanh nghiệp đều chấp nhận thua lỗ ban đầu khi đầu tư vào thương mại điện tử để thâu tóm thị phần. 

Ở góc nhìn khác, theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch của sàn Sendo.vn, nhận định việc có một số sàn thương mại điện tử đóng cửa, là thông tin tốt cho thị trường. 

Ông Dũng lập luận: "Nếu một thị trường không có cạnh tranh, công ty nào cũng lập ra và sống tà tà, phát triển chậm thì không phải là thị trường cạnh tranh. Thị trường cạnh tranh là công ty nào phát triển tốt thì sống còn không phát triển thì nên đóng cửa".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tất Đạt

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.