Trung Quốc xoay xở tìm kiếm thị trường mới cho hàng hóa
Vì vậy, Trung Quốc phải xoay xở tìm các khách hàng mới để tiêu thụ lượng hàng hóa khổng lồ của nước này.
Trong tuần này, Trung Quốc chính thức tái khởi động các nỗ lực đàm phán để thành lập một khu vực thương mại tự do trải rộng khắp châu Á-Thái Bình Dương hay gọi còn là Hiệp định Đối tác kinh tế koàn diện khu vực (RCEP). Nếu thành công, RCEP có thể mở cửa các thị trường từ Úc đến Ấn Độ cho hàng hóa Trung Quốc. Song để đạt mục tiêu ký kết RCEP vào cuối năm nay là một nhiệm vụ đầy cam go đối với Bắc Kinh.
Bắc Kinh cũng đang nỗ lực duy trì cuộc đàm phán ba bên để hướng đến ký kết thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuần trước, Trung Quốc thông báo tăng trưởng của nước này giảm về mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ, một phần là do cuộc chiến thương mại với Mỹ đang bắt đầu tác động đến khu vực xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc. Các công ty toàn cầu giờ đây đang di dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc để tìm đến các nước khác “trú bão” chiến tranh thương mại được dự báo còn kéo dài.
Khi viễn cảnh chấm dứt chiến tranh thương mại còn mù mịt, Trung Quốc cần các thị trường mới để tiêu thụ những gì mà nước này đang sản xuất.
“Thật khó để thay thế Mỹ nhưng bạn phải cố gắng, bạn phải đa dạng hóa khách hàng. Dù thị trường Mỹ quan trọng, chúng tôi không muốn phụ thuộc nó mãi mãi”, Chen Dingding, giáo sư quan hệ quốc tế ở Đại học Tế Nam ở TP Quảng Châu, Trung Quốc nói.
Các công nhân làm việc ở một cơ sở may mặc ở TP. Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: NY Times
Tuy nhiên, con đường để tiến đến ký kết các hiệp định thương mại rộng lớn sẽ rất gian nan vì các đối thương mại tự do tiềm năng của Trung Quốc có nhiều lý do để lo ngại.
Không một nước nào trên thế giới có thể hấp thụ nổi khối lượng hàng hóa khổng lồ mà Trung Quốc đang bán cho các khách hàng Mỹ. Các nước láng giềng Trung Quốc cũng đang cạnh tranh với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều ngành sản xuất. Và Trung Quốc tiếp tục duy trì các mức thuế cao và các hàng rào khác để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.
Trung Quốc có mức thặng dư thương mại hàng hóa hàng năm gần 1.000 tỉ đô la Mỹ. Điều này nghĩa là Trung Quốc đang bán cho thế giới nhiều hơn mức mà nước này mua từ thế giới mỗi năm. Gần một nửa giá trị thặng dư này đến từ hoạt động thương mại với Mỹ.
Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ giảm 8,5% trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc cho phần còn lại của thế giới tăng chỉ 2,1% trong cùng thời kỳ.
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo sang năm thứ hai, câu hỏi đặt ra lúc này là nước nào có thể mua hàng hóa dư thừa từ các nhà máy của Trung Quốc nếu Mỹ không mua?
Hơn nữa, Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng thừa mứa công suất sản xuất ô tô, thép và các hàng hóa cơ bản khác trong thương mại toàn cầu. Hoạt động trì trệ và làn sóng đóng cửa của các nhà máy ở Trung Quốc có thể dẫn đến nạn thất nghiệp tăng cao và càng ghì sức tăng trưởng của Trung Quốc.
Xe mới ở một cảng ở TP. Thiên Tân, Trung Quốc. Công suất sản xuất ô tô ở Trung Quốc đang thừa mứa. Ảnh: NY Times
Đối mặt với nguy cơ tổn thương kinh tế trầm trọng hơn, Bắc Kinh đang tìm cách mở cánh cửa của các thị trường khác. Trọng tâm của nỗ lực này là thúc đẩy đàm phán RCEP với 16 thành viên dự kiến gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc.
Trong tuần này, các quan chức thương mại của các nước trong khu vực bắt đầu họp ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc để thảo luận RCEP. Tiếp đó, bộ trưởng Thương mại của các nước này sẽ đến Bắc Kinh để dự một cuộc họp trong hai ngày từ 2 đến 3-8. Mục đích của cuộc họp là vạch ra một khung thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo châu Á có thể chốt lại tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok vào tháng 11.
Tuy nhiên, các bên phải giải quyết một số vấn đề gai góc trước khi hoàn tất đàm phán về RCEP.
“Tôi không lạc quan về khả năng RCEP sẽ thành hình hài vào tháng 11. Có lẽ chúng ta cần thêm thời gian”, Takeshi Niinami, Giám đốc điều hành hãng đồ uống Suntory (Nhật Bản), thành viên của một hội đồng cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhận định.
Một rào cản lớn cho RCEP là các mức đánh thuế cao của Trung Quốc vào hàng hóa nước ngoài. Tuy nhiên, từ tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu giảm thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng của các nước.
“Chúng tôi tiếp tục tự nguyện giảm thuế, dỡ bỏ các hàng rào phi thế quan, chủ động tăng nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và cải thiện thủ tục nhập khẩu”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói trong bài phát biểu tại Diễn đàn Davos mùa hè hôm 2-7 ở thành phố Đại Liên.
Song thuyết phục sự ủng hộ rộng rãi dành cho RCEP vẫn là thách thức lớn. Chẳng hạn, Ấn Độ, với quy mô kinh tế lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể là khách hàng lớn tiềm của hàng hóa Trung Quốc nhưng nước này đang lo ngại “cơn lũ” hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã dựng hàng rào thuế quan ở mức trung bình cao nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới để bảo vệ thị trường trong nước.
Về phần mình, Trung Quốc cũng thận trọng về việc mở cửa thị trường cho cho các công ty dược phẩm của Ấn Độ và người lao động Ấn Độ. Trung Quốc có thể tính đến khả năng một RCEP không bao gồm Ấn Độ, theo nhận định của Mari Pangestu, cựu bộ trưởng Thương mại Indonesia. Song điều này sẽ hạn chế các lợi ích của các nước khác đang tham gia đàm phán RCEP.
Cho dù RCEP được ký kết, vẫn chưa rõ mức độ được hưởng lợi của Trung Quốc. Một số thành viên tiềm năng của RCEP như Nhật Bản và Hàn Quốc đang có những nhà sản xuất có sức cạnh tranh cao và có thể không nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc.
Brad Setser, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, hiện đang làm việc ở Hội đồng Đối ngoại ở New York, cho rằng dù thúc đẩy thành công RCEP, Trung Quốc vẫn khó tìm kiếm các thị trường đủ sức thay thế Mỹ để mua lượng hàng hóa khổng lồ của nước này
“Chắc chắn không có nước nào trên thế giới sẵn sàng thay thế Mỹ, nước đang chịu mức thâm hụt thương mại hàng hóa lên đến gần 400 tỉ đô la với Trung Quốc”, ông nói.
Trong khi đó, viễn cảnh về một FTA giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang trở nên xa vời hơn khi mà Nhật-Hàn đang bế tắc trong cuộc khủng hoảng ngoại giao, nảy sinh từ động thái hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ của Nhật Bản sang Hàn Quốc.