Trung Quốc và nỗi sợ hãi về sự đổ vỡ mạng lưới bảo lãnh giữa các công ty tư nhân
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Reuters). |
Nguy cơ đổ vỡ của mạng lưới bảo lãnh giữa các công ty tư nhân
Dưới áp lực từ cuộc tranh chấp thương mại kéo dài nhiều tháng với Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ kinh tế và chuyển sang nới lỏng nguồn tài trợ. Việc kêu gọi các ngân hàng nhà nước tăng mạnh cho vay đối với khu vực tư nhân có thể vô tình gây ra rủi ro tài chính
Tiếng chuông cảnh báo đã vang lên ở thành phố Dongying thịnh vượng một thời, một trung tâm lọc dầu và công nghiệp nặng ở tỉnh Sơn Đông. Tại đây, có ít nhất 28 công ty tư nhân đang tìm cách cơ cấu lại các khoản nợ của họ để tránh phá sản. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu lại do các khoản vay mà họ đứng ra đảm bảo cho các công ty khác, theo phán quyết của tòa án mà Reuters đưa ra.
Trong số 28 công ty có Tập đoàn Shandong Dahai và Tập đoàn Hóa chất dệt Shandong Jinmao, hai công ty nằm trong top 500 doanh nghiệp tư nhân hoạt động tốt nhất năm 2018 tại Trung Quốc.
Đối với một công ty tư nhân để vay vốn ngân hàng ở Trung Quốc, đặc biệt là những công ty truyền thống thường cần tài sản thế chấp đáng kể hoặc sự bảo lãnh của một công ty khác. Và chính bản thân tổ chức bảo lãnh rất có thể đã thực hiện các khoản vay được bảo lãnh bởi các công ty khác.
Sự lộn xộn của khu vực tư nhân ở Dongying làm nổi bật những nguy cơ cố hữu trong bảo lãnh nợ, một khoản nợ có vấn đề sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến toàn hệ thống, đe dọa phá vỡ hệ thống tài chính địa phương và cho vay mới.
Điều đáng quan tâm là Dongying chỉ là phần nổi của tảng băng trôi vì việc bảo lãnh chéo các khoản vay là một thông lệ trên khắp Trung Quốc.
Yang Zaiping, Tổng thư ký Hiệp hội Hợp tác Tài chính châu Á có trụ sở tại Bắc Kinh (gồm các tổ chức tài chính từ khoảng 30 quốc gia), cho biết nguồn tài trợ vốn của công ty tư nhân bị hạn chế vì các ngân hàng không muốn cho vay đối với khu vực ngoài quốc doanh.
"Có một sự mất cân đối nghiêm trọng giữa sự đóng góp vào nền kinh tế của các công ty tư nhân và nguồn tài chính mà họ có được. Nhóm công ty tư nhân chiếm 50% tổng đóng thuế, 60% GDP, 80% việc làm ở thành thị và 90% việc làm mới, nhưng chỉ nhận 25% khoản vay được giải ngân, theo ông Yang, cựu quan chức quản lý Ngân hàng Trung Quốc, nói với Reuters.
"Nếu các công ty tư nhân không có các nguồn tiền khác để trả nợ hoặc tài sản thế chấp, họ phải tìm sự bảo lãnh, điều này sẽ cộng thêm 2 đến 3 điểm % vào chi phí tài chính của họ", ông nói.
Nguồn vốn tín dụng giá rẻ
Tính đến cuối tháng 6/2018, Shandong Dahai đã thực hiện bảo lãnh đối với khoản nợ 2,67 tỉ nhân dân tệ (tương đương 394 triệu USD) cho 14 công ty, theo báo cáo của công ty vào tháng 8. Tổng số tiền bảo lãnh tương đương với 48% tài sản ròng của công ty.
Tuy nhiên, 6 trong số các công ty trên đã gặp rắc rối về tài chính hoặc pháp lý và hai trong số đó đã bị các tòa án đưa vào danh sách đen với tư cách là những người đi vay không trung thực bởi vì thiếu độ tín nhiệm.
Dongying là nơi giàu tài nguyên, nơi có mỏ dầu lớn thứ hai của Trung Quốc Shengli, từng là một trong những thành phố giàu có nhất của đất nước nhờ nền kinh tế tư nhân sôi động, tự hào có thu nhập bình quân đầu người cao nhất ở Sơn Đông năm 2017.
Nhưng việc cho vay quá mức đối với các công ty địa phương trong thời kì bùng nổ đã biến các doanh nghiệp kinh doanh trở nên không có nền móng cốt lõi và không có lợi nhuận. Vì vậy, khi các điều kiện tín dụng được thắt chặt sau đó một loạt các khoản cho vay và trái phiếu cũng theo sau.
"Các khoản vay xấu thường được gia hạn trong thời gian tốt", một quan chức ở Sơn Đông cho biết.
Và hậu quả trước mắt đã trở nên rõ ràng khi hai ngân hàng lớn tại Dongying đã bị ảnh hưởng khi các khoản nợ xấu tăng đột biến. Theo một báo cáo xếp hạng hồi tháng 5, hơn 95% các khoản nợ xấu của Guangrao Rural Commercial Bank được hỗ trợ bởi các khoản bảo lãnh. Nhưng hiện tại, việc này đã gần như vô dụng bởi các công ty đứng ra bảo lãnh đã mắc nợ nhiều, thậm chí một số đã đình chỉ sản xuất.
Chính quyền địa phương thành phố đã tiến hành giải cứu các công ty tư nhân bằng cách đẩy mạnh cơ cấu lại nợ để tránh phá sản, một quan chức có trụ sở tại Sơn Đông cho biết.
Cho vay hay không cho vay?
Nhà điều hành ngân hàng hàng đầu Trung Quốc, Guo Shu Qing, một trong những người đàn ông quyền lực nhất trong lĩnh vực tài chính, kì vọng các ngân hàng tăng gấp đôi phân bổ tài trợ vốn cho các công ty tư nhân trong ba năm tới từ 25% lên 50%.
Tuy nhiên, với những rủi ro ngày càng tăng của bên vay tư nhân (do các lĩnh vực kinh doanh và hoạt động tài chính không an toàn, bảo lãnh chéo), các ngân hàng tiếp tục e ngại việc cho họ vay. Một số nhân viên ngân hàng nói với Reuters rằng họ muốn tránh lặp lại việc cho vay quá mức và rủi ro theo gói kích thích 4 nghìn tỉ nhân dân tệ của Bắc Kinh một thập kỉ trước.
"Mặc dù Trung Quốc đã cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng 5 lần kể từ tháng 1 năm ngoái nhưng các ngân hàng thà sử dụng thanh khoản được giải phóng này để mua trái phiếu trên bất kỳ giá nào hơn là cho vay", Giám đốc điều hành một ngân hàng cổ phần cho biết.
Theo số liệu từ Guotai Junan Securities, tỉ lệ nợ xẩu của các doanh nghiệp tư nhân tập trung nhiều vào sản xuất và bất động sản cao hơn nhiều so với trung bình ngành. Các công ty tư nhân cũng là những người vỡ nợ lớn nhất năm ngoái, chiếm 126 trong tổng số 165.
Khi nền kinh tế phanh gấp trước áp lực bên trong và bên ngoài, con số tăng trưởng năm 2018 xuống mức thấp nhất 28 năm, nguy cơ từ bảo lãnh chéo khiến người ta sợ hãi về một cuộc khủng hoảng nợ xấu của hệ thống tài chính.
"Khi tăng trưởng chậm lại và áp lực gia tăng đối với nền kinh tế, rủi ro tài chính dễ dàng trở thành một căn bệnh truyền nhiễm", một quan chức của Sơn Đông cho biết.