Trung Quốc mạnh tay xử phạt các ‘ngân hàng ngầm’
Ảnh minh họa |
Theo một thông báo tư pháp vừa có hiệu lực từ đầu tháng 2, các chủ “ngân hàng ngầm” giao dịch với số lượng lớn ngoại tệ sẽ bị buộc tội vận hành một doanh nghiệp bất hợp pháp và có nguy cơ phải ngồi tù tới hơn 2 năm. Trước đó, người phạm tội này chỉ bị phạt hành chính.
Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã đưa ra thông báo vào ngày 31/1 nói rằng qui định này sẽ được áp dụng đối với các giao dịch ngầm liên quan đến từ 5 triệu nhân dân tệ (tương đương 74.000 USD) trở lên hoặc các giao dịch mang về lợi nhuận trên 100.000 nhân dân tệ.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng các nhà chức trách đang mở rộng phạm vi qui định từ việc chuyển tiền ngầm ra nước ngoài đến bao gồm cả việc giao dịch trái phép các loại ngoại tệ.
Trong các giao dịch chuyển tiền trái phép, hệ thống của các “ngân hàng ngầm” nắm giữ các tài khoản cả trong và ngoài nước và cố gắng cân đối nhu cầu của người mua và người bán về các loại tiền tệ khác nhau mà không cần chuyển tiền vượt biên giới.
Cụ thể, khách hàng ở Trung Quốc gửi một số tiền đã thỏa thuận vào tài khoản tại ngân hàng ở trong nước và sau đó, nhân viên ngân hàng sẽ chuyển số ngoại tệ tương đương vào tài khoản của khách hàng này ở nước ngoài. Đồng thời, nhân viên ngân hàng sẽ thực hiện một giao dịch tương tự với các khách hàng ở nước ngoài, khiến họ bỏ tiền vào tài khoản tại ngân hàng này ở nước ngoài và chuyển tiền vào tài khoản của khách hàng ở Trung Quốc.
Theo Viện kiểm sát, các khoản thanh toán bất hợp pháp và giao dịch ngoại tệ thông qua các “ngân hàng ngầm” đã gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Trước đó, các đại lí kiếm lợi thông qua việc mua thấp và bán cao trên thị trường ngoại tệ chợ đen. Bây giờ họ đã chuyển sang các hoạt động chuyển tiền xuyên biên giới bất hợp pháp và một lượng vốn đáng kể đã không được giám sát.
“Phần lớn hoạt động kinh doanh của hầu hết các “ngân hàng ngầm” hiện nay là thanh toán bất hợp pháp, dẫn đến sự thất thoát của một lượng vốn khổng lồ và gây thiệt hại lớn cho xã hội. Đó là mục tiêu chính của cuộc trấn áp” Viện Kiểm sát cho biết trong thông báo.
Chính quyền Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động nhằm kiềm chế sự rút chạy của dòng vốn trong vài năm qua khi các cá nhân và công ty tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt hơn ở nước ngoài để đối phó với sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ và sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế trong nước.
Hành động đó đã bao gồm lệnh cấm trao đổi tiền điện tử trong nước; yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với các cá nhân mua ngoại tệ và giới hạn chặt chẽ hơn đối với các khoản đầu tư ra nước ngoài.
Khi các con đường chính thức này bị thu hẹp, nhiều người đã chuyển hướng sang thị trường chợ đen.
Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc cho biết, vào tháng 8 năm ngoái, một người đàn ông tên Guo đã cố gắng chuyển hơn 100 triệu nhân dân tệ ra nước ngoài thông qua hệ thống chuyển tiền trái phép. Người đàn ông này bị phạt hơn 8 triệu nhân dân tệ, mức phạt cao nhất đối với một cá nhân trong năm.