Mỹ đang cô lập chính mình khỏi thế giới khi tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
Kiểm soát mối liên hệ với các công ty công nghệ Trung Quốc chính là lối thoát cho Mỹ (Nguồn: Getty Images). |
Mỹ "hụt hơi" so với Trung Quốc?
Không có gì bí mật khi một trong những mục tiêu chính của chính quyền Trump trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc là nhằm đảm bảo vị thế dẫn đầu của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ cao, theo Nikkei Asian Review.
Tuy nhiên, lập trường cứng rắn của các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ giúp họ sớm đoạt lấy lợi thế cạnh tranh lâu dài từ Mỹ. Thay vào đó, hướng tiếp cận hiện nay của Washington sẽ cô lập các công ty công nghệ Mỹ khỏi hệ sinh thái toàn cầu ngày càng liên kết chặt chẽ.
Công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE và Huawei Technologies là hai ví dụ điển hình. Cả hai công ty này đã sớm nhận được thông điệp từ Washington rằng họ không được chào đón. Do đó, không còn nghi ngờ gì khi xuất hiện các cáo buộc gian lận và trộm cắp công nghệ đối với Huawei cũng như trước đó, lệnh cấm tạm thời áp dụng với ZTE.
Tuy nhiên, vấn đề là không có công ty nào ở Mỹ có thể lấp đầy khoảng trống do sự vắng mặt của hai công ty Trung Quốc tạo ra. Mặc dù Mỹ vẫn duy trì vị thế dẫn đầu thế giới trong việc phát triển các bộ vi xử lí tiên tiến, nước này vẫn thiếu qui mô và chiều sâu trong khâu sản xuất các vi mạch, cảm biến và công nghệ không dây tiêu thụ điện năng thấp có thể điều khiển các thiết bị được kết nối mạng, hay “Internet Vạn Vật” (IoT) từ hệ thống giao thông khổng lồ đến các thiết bị gia dụng đơn giản.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng không có khả năng sản xuất điện thoại thông minh, cơ sở hạ tầng mạng thế hệ thứ 5 hay bất kì thành phần nào khác cho các hệ thống vật lí mạng tích hợp mới nhất.
IoT, công nghệ của tương lai mới
Trung Quốc hiện đang giữ chiếc chìa khóa cho đầu còn lại của ngành công nghệ, ít nhất là về khả năng sản xuất ở qui mô lớn và tốc độ cao mà ngành công nghệ cần để đẩy nhanh sự phát triển của IoT. Công ty nghiên cứu viễn thông Ovum ước tính rằng hiện đã có 3 tỉ thiết bị IoT hướng đến người tiêu dùng, chẳng hạn như loa thông minh, hộp giải mã tín hiệu truyền hình, đồng hồ thông minh và các thiết bị đeo tay khác, được sử dụng ngày nay.
Đến năm 2022, thế giới sẽ ghi nhận gần 9 tỉ thiết bị gia đình như vậy được kết nối với mạng và hơn 200 tỉ thiết bị sử dụng chung với đồng hồ điện, xe hơi, đèn đường, nhà máy và nhiều thứ khác, theo ước tính của công ty bảo hiểm toàn cầu AXA. Công ty này dự đoán nền sản xuất của Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 95% thiết bị, nhấn mạnh sự thống trị của nước này trong lĩnh vực công nghệ.
Qui mô và sự phối hợp của Trung Quốc trên thị trường cũng như vị thế dẫn đầu ngày càng tăng của nước này trong hợp tác công nghệ toàn cầu đồng nghĩa rằng các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh rõ ràng so với đối thủ khi IoT hoàn thiện qua các năm tới.
Trong khi một số quốc gia được Washington thuyết phục nên suy nghĩ lại về việc họ cởi mở đối với sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào mạng 5G, phần lớn thế giới vẫn đang dựa vào những đổi mới và hợp tác của Trung Quốc để tạo ra bước nhảy vọt cho các hệ thống viễn thông thế hệ tiếp theo.
Tương lai của IoT gắn liền với tương lai của công nghệ 5G, trong đó Trung Quốc vẫn là quốc gia có thị trường nội địa lớn nhất cùng số lượng các công ty có khả năng liên quan nhiều nhất thế giới.
Mỹ đang cô lập chính mình khỏi thế giới
Bằng cách cô lập mình khỏi nguồn cung cấp hệ thống, cảm biến và thiết bị IoT, Mỹ sẽ tự trục xuất bản thân khỏi cộng đồng đổi mới toàn cầu mà tại đó, Trung Quốc, dù gặp trục trặc về mạng hay không, vẫn sẽ tiếp tục tạo ra những ảnh hưởng đáng kể. Việc không tham gia cuộc chơi sẽ khiến các công ty Mỹ tách biệt khỏi ngành công nghệ toàn cầu hơn là bảo vệ họ.
Một số quan chức Mỹ cho rằng Mỹ cần phải “lùi” một bước. Một báo cáo gần đây của Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ trước Quốc hội đã nhấn mạnh vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ IoT.
Bản báo cáo đặt ra mối đe dọa cạnh tranh rằng sự phối hợp và qui mô sản xuất cảm biến khổng lồ của Bắc Kinh có thể mang lại lợi ích cho Mỹ và ghi nhận những nỗ lực của Trung Quốc trong việc tác động đến các tiêu chuẩn IoT toàn cầu. Nó cũng đặt ra yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và ngành công nghệ Mỹ. “Chính sách IoT của Bắc Kinh không nên bị cản trở bởi ngành công nghệ và chính phủ Mỹ”, họ nói.
Tuy nhiên, báo cáo trên cho rằng các thiết bị và máy móc IoT của Trung Quốc được cài đặt tại Mỹ có thể thu thập và có khả năng lạm dụng dữ liệu thương mại, dân sự và tiêu dùng. Bản báo cáo khuyến khích rằng Washington nên áp dụng các qui định chặt chẽ hơn về cách IoT thu thập và sử dụng dữ liệu.
Mỹ có thể kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ IoT. Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, Mỹ dẫn đầu trong việc sản xuất các chất bán dẫn phức tạp và hạn chế truy cập vào các chip như vậy có thể làm chậm khát vọng trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc.
Hướng đi nào cho ngành công nghệ Mỹ?
Tuy nhiên, một cách tiếp cận phù hợp hơn cho Mỹ chính là kiểm soát sự tham gia đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Các khuyến nghị của Ủy ban Quốc hội xoay quanh việc tăng cường bảo mật IoT là điểm khởi đầu hữu ích để tạo ra một hệ thống nhằm đảm bảo những tuân thủ và hạn chế thích hợp đối với việc thu thập và phổ biến dữ liệu được thu thập bởi các thiết bị.
Việc cắt đứt hệ sinh thái viễn thông của một quốc gia khác là không khả thi do các chuỗi ứng toàn cầu đan xen và phức tạp mà trong đó, nguồn nguyên liệu, bằng sáng chế, nhân lực và khả năng sản xuất tại mỗi quốc gia là không giống nhau. Một quốc gia càng cản trở các công ty và tổ chức của mình hợp tác với quốc gia khác, khả năng bị tụt lại phía sau trong nỗ lực đổi mới quốc gia mình là rất lớn.
Điều đó cũng sẽ khiến việc tham gia phát triển các tiêu chuẩn toàn cầu liên quan đến sản xuất thiết bị viễn thông trở nên khó khăn hơn. Việc không thể tham gia vào bất kì thế hệ phát triển mạng nào, đặc biệt là khi thế giới đang bước vào tương lai IoT được ứng dụng triệt để, sẽ cô lập các bên bị bỏ lại phía sau khỏi sự đổi mới và “làm vôi hóa” ngành công nghệ địa phương.
Hầu hết mạng viễn thông trên thế giới đều có cơ sở hạ tầng do Trung Quốc phát triển. Mặc dù điều này có nghĩa là tất cả đều phải đối mặt với mối đe dọa an ninh mạng, các nhà mạng, chính phủ và doanh nghiệp nên tạo ra hệ thống an ninh hiệu quả nhằm giảm thiểu mối đe dọa hoặc nếu không, họ có thể sẽ bị xâm phạm.
Bằng cách cho phép các công ty Trung Quốc cung cấp hệ thống và cảm biến để tạo ra thiết bị IoT, dưới sự bảo trợ của một môi trường bảo mật và hợp tác nghiêm ngặt, Mỹ có thể cung cấp cơ hội cho các công ty của nước này để điều chỉnh hướng đi công nghệ riêng. Điều này sẽ giúp các công ty công nghệ của Mỹ tiếp tục gắn kết và cạnh tranh trong môi trường toàn cầu.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại kéo dài có thể sẽ “bóp nghẹt” vĩnh viễn sự hợp tác giữa các nước, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Trong viễn cảnh đó, Trung Quốc chỉ không thể tiếp cận Mỹ nhưng Mỹ sẽ dễ dàng mất quyền tiếp cận phần còn lại của thế giới.
Xem thêm |