|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trung Quốc trở thành 'công xưởng' tái chế pin xe điện của thế giới

10:17 | 01/12/2021
Chia sẻ
Trung Quốc đang chứng minh nơi đây có thể là "thủ đô" của thế giới về lĩnh vực xe điện trong tương lai khi đẩy mạnh phát triển lĩnh vực tái chế pin xe điện để đáp ứng nhu cầu về pin lớn chưa từng có.

Theo các chuyên gia trong ngành ô tô, Trung Quốc đang trở thành "đầu tàu" cho các quốc gia châu Á trong lĩnh vực tái chế pin xe điện đã hết hạn. Nền kinh tế số một thế giới đang triển khai một số công nghệ giúp giải quyết các vấn đề về môi trường trong khẩu xử lý pin, theo South China Morning Post.

Trung Quốc có khả năng xử lý hàng tá pin xe điện đã qua sử dụng mỗi năm dựa trên cơ sở hạ tầng hiện có, theo một báo cáo do Fitch Solutions công bố. Thậm chí, công suất xử lý pin đã qua sử dụng tối đa ở Trung Quốc còn lớn hơn châu Âu và Mỹ.

Trung Quốc hiện là thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Vì vậy, lượng pin tiêu thụ tại quốc gia này cũng lớn nhất trong khu vực. Do đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển hệ thống tái chế pin công suất lớn. Ngoài ra, Hàn Quốc và Ấn Độ cũng là hai quốc gia khác tích cực phát triển các cơ sở tái chế pin xe điện.

Phoebe O'Hara, nhà phân tích trong lĩnh vực ô tô tại Fitch Solutions cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng khả năng tái chế pin của Trung Quốc sẽ tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ tới để quản lý số lượng lớn pin xe điện hết hạn".

Các nhà sản xuất xe điện như BYD Co, Nio, XPeng và Li Auto có khả năng sẽ công bố kế hoạch của họ trong năm tới để xây dựng các cơ sở mới hoặc mở rộng các cơ sở hiện có, theo Phoebe O'Hara.

Không chỉ là thị trường xe điện số một thế giới, Trung Quốc còn trở thành 'đầu tàu' trong lĩnh vực tái chế pin xe điện châu Á - Ảnh 1.

Một nhà máy xử lý pin xe điện hết hạn tại Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).

Theo dự báo của Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, ngành công nghiệp xe điện của nước này dự kiến sẽ tạo ra 2,4 triệu chiếc xe chạy bằng điện, plug-in hybrid và pin nhiên liệu trong năm nay, gấp đôi sản lượng trong năm 2020.

Chuyên gia O'Hara chia sẻ phương pháp tái chế luyện kim sẽ chiếm ưu thế, vì nó sử dụng quy trình nung chảy ở nhiệt độ cao để thu hồi các kim loại có giá trị như coban và niken, có thể sử dụng trong 2-3 năm tới. Ngoài ra, bà tiết lộ thêm rằng phương pháp luyện kim thủy lực thân thiện với môi trường có thể được triển khai trong thời gian tới.

Khác với luyên kim truyền thống, luyện kim thủy lực tránh được các vấn đề ô nhiễm đất và nước bằng cách sử dụng dung dịch nước để thu hồi các kim loại như coban và niken. Bên cạnh đó, O'Hara cũng lưu ý phương pháp thu hồi mới vẫn đang được thử nghiệm tại hầu hết các cơ sở tái chế.

Các công ty Trung Quốc thúc đẩy năng lực, sử dụng phương pháp tối ưu hơn Mỹ và châu Âu

Bill Ho Kam-piu, đồng sáng lập và Giám đốc khoa học của GRST, một startup công nghệ tái chế pin có trụ sở tại Hong Kong cho biết phương pháp luyện kim thủy lực sẽ trở thành tiêu chuẩn cho các cơ sở tái chế pin trong tương lai.

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã thành lập liên minh với các nhà cung cấp và tái chế pin để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu pin quan trọng trong tương lai. Ông nói thêm rằng các công ty tái chế lớn hiện nay bao gồm GEM có trụ sở tại Thâm Quyến và Brunp có trụ sở tại Quảng Châu đang thúc đẩy năng lực để đáp ứng nhu cầu tái chế lớn chưa từng có

Mặc dù không có quy định cấm các quy trình tái chế pin cụ thể, nhưng chính phủ Trung Quốc thông qua Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin đã cung cấp hỗ trợ chính sách cũng như các gói trợ cấp cho các công ty.

Ngược lại, các công ty tái chế cần phải đáp ứng những ngưỡng nhất định về quy mô hoạt động, mức độ tự động hóa, tiêu thụ năng lượng, tiêu chuẩn phát thải và hiệu quả tái sử dụng tài nguyên. Riêng công ty của ông Ho đang liên doanh xây dựng một nhà máy sản xuất pin xe điện chạy ở tỉnh Chiết Giang. Hiện liên doanh đang có kế hoạch xây thêm một cơ sở tái chế pin ngay trong khu liên hợp để tiện cho việc xử lý.

Cơ sở liên doanh của GRST sẽ có công suất sản xuất hàng năm ban đầu là 0,5 GWh vào năm 2022 trước khi tăng lên 15 GWh vào năm 2028. Theo ông Ho, công ty có thể cắt giảm tới 40% lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất pin và lên đến 80% trong quá trình tái chế khi sử dụng phương pháp luyện kim thủy lực so với phương pháp luyện kim truyền thống.

Ở khu vực Bắc Mỹ, chuyên gia O'Hara cho biết việc kết hợp giữa luyện kim thủy lực và luyện kim truyền thống dường như sẽ trở thành tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp tái chế pin xe điện.

Trong khi đó, tại Châu Âu, bản cập nhật chính sách mới nhất vào tháng 1 đã yêu cầu các nhà sản xuất pin xe điện phải tái chế sản phẩm của họ và các quy trình mà họ sử dụng phải tuân thủ hiệu quả tái chế tối thiểu cũng như các tiêu chuẩn về tính bền vững, bao gồm cả lượng khí thải carbon.

Nhà sản xuất pin Thụy Điển Northvolt đã thông báo vào đầu tháng này rằng họ đã sản xuất tế bào pin lithium-ion đầu tiên của mình với 100% niken, mangan và coban được tái chế từ pin đã hết hạn. Đây là thành công đầu tiên với ngành công nghiệp tái chế pin châu Âu.

Northvolt có kế hoạch xây dựng nhà máy tái chế pin lớn nhất châu Âu, có khả năng xử lý 125.000 tấn mỗi năm. Quy mô nhà máy sẽ đủ lớn để đáp ứng nhu cầu cho mục tiêu sản xuất 30 GWh pin với 50% vật liệu tái chế vào năm 2030.

Quốc Anh