|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc tăng gấp 2 lần lượng gạo nhập khẩu trong nửa đầu năm 2021

07:18 | 09/08/2021
Chia sẻ
6 tháng đầu năm nay, lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng 105,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhập khẩu đặc biệt tăng mạnh từ các thị trường Ấn Độ, Pakistan và Myanmar.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu gạo của nước này trong tháng 6 đạt 300 nghìn tấn, giảm 9,1% so với tháng trước nhưng tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm, nhập khẩu gạo của Trung Quốc đạt 2,5 triệu tấn, trị giá 1,9 tỷ USD, tăng 2 lần về lượng và tăng 74,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, 1,3 triệu tấn gạo nhập khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm là gạo sơ chế và gạo xay xát, tăng 60,2% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 56% tỷ trọng trong tổng nhập khẩu gạo của nước này.

Gạo tấm cũng chiếm tỷ trọng cao trong tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc với 1,2 triệu tấn, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 47% tỷ trọng.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhập khẩu một khối lượng nhỏ thóc, gạo lứt… từ thị trường thế giới.

Vừa qua, trong báo cáo tháng 7/2021, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo về nhập khẩu gạo của Trung Quốc – nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới lên mức 3,8 triệu tấn trong năm 2021, tăng gần 20% (tương ứng tăng 600 nghìn tấn) so với 3,2 triệu tấn của năm 2020.

Trước đây, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan, nhưng gần đây một lượng lớn gạo đã được nhập khẩu từ Myanmar và Pakistan.

Đặc biệt, cuối năm 2020, Trung Quốc đã cho phép sự tiếp cận của gạo non basmati Ấn Độ và nước này đã nhanh chóng trở thành một trong những các nhà cung cấp gạo hàng đầu cho Trung Quốc. Giá gạo hạt dài của quốc gia Nam Á này thấp hơn 25% so với giá gạo nội địa Trung Quốc.

Theo USDA, phần lớn gạo nhập khẩu của Trung Quốc hiện nay là gạo hạt dài.

Trung Quốc có tổng hạn ngạch thuế quan gạo (TRQ) là 5,32 triệu tấn, được chia đều cho gạo hạt dài, hạt trung bình và hạt ngắn. Nước này thường xuyên mua đủ hạn ngạch đối với gạo hạt dài, nhưng hạn ngạch đối với gạo hạt trung bình và hạt ngắn phần lớn vẫn chưa được lấp đầy trong vài năm qua.

Hiện nay, gần như toàn bộ gạo nhập khẩu của Trung Quốc từ các quốc gia Nam Á, bao gồm Pakistan và Ấn Độ là gạo hạt dài và một lượng đáng kể gạo tấm.

Myanmar cũng chủ yếu xuất khẩu hạt dài sang Trung Quốc mặc dù thế mạnh của nước này là gạo hạt trung bình và ngắn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc chỉ nhập khẩu một lượng nhỏ gạo hạt trung bình và ngắn từ các thị trường Đài Loan, Pakistan và Thái Lan.

Giá gạo hạt dài tại Trung Quốc đã tăng gần 20% kể từ giữa năm 2020 trong khi các nhà cung cấp Nam Á đưa ra mức giá thấp hơn đáng kể, đây là lý do chính cho sự gia tăng nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ đầu năm 2021 đến nay.

Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo hạt dài và tấm với tỷ lệ cao trong khi nhập khẩu gạo hạt trung bình tiếp tục ở mức thấp trong năm nay. Tuy vậy, tốc độ các cuộc đấu giá gạo của Chính phủ Trung Quốc đối với gạo hạt dài dường như đang giảm dần.

Trung Quốc tăng gấp 2 lần lượng gạo nhập khẩu trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Trong 6 tháng đầu năm nay, Pakistan đã vượt qua Việt Nam để trở thành thị trường cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc với khối lượng đạt 589 nghìn tấn, tăng mạnh 272,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kế đến, nhập khẩu từ Việt Nam và Myanmar đạt lần lượt là 557,9 nghìn tấn và 530,3 nghìn tấn, tăng 22,6% và 94,6% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, lượng gạo mà Trung Quốc nhập khẩu từ Ấn Độ trong nửa đầu năm nay đã tăng tới 7.559 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 465,83 nghìn tấn. Từ cuối năm 2020, Trung Quốc đã trở lại nhập khẩu gạo Ấn Độ lần đầu tiên trong khoảng ba thập kỷ do giá cả cạnh tranh.

Ngoài những thị trường kể trên, nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ Thái Lan, Campuchia… cũng tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm nay.

Về giá nhập khẩu, mức giá nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ Pakistan, Myanmar và Ấn Độ nhìn chung tương đối thấp so với các nhà cung cấp khác.

Cụ thể, giá gạo bình quân của Trung Quốc nhập khẩu từ Pakistan trong 6 tháng đầu năm đạt 438 USD/tấn (tăng 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái), Myanmar là 364 USD/tấn (tăng 5,6%) và Ấn Độ 345 USD/tấn (giảm 69,7%).

Trong khi đó, giá gạo nhập khẩu từ Việt Nam đạt trung bình 530 USD/tấn (giảm 11,4%), Thái Lan đạt 724 USD/tấn (giảm 16,8%), Campuchia là 685 USD/tấn (tăng 0,8%).

Sự chênh lệch về giá nhập khẩu là do sự khác nhau giữa cơ cấu các chủng loại nhập khẩu từ các thị trường, nhưng nó cũng cho thấy phần nào xu hướng nhập khẩu gạo của Trung Quốc trong thời gian qua.

Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ 2 của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 với khối lượng đạt 581 nghìn tấn, trị giá 309 triệu USD, giá trung bình 531,4 USD/tấn, tăng 26,9% về lượng và tăng 12,5% về trị giá nhưng giảm 11,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 19% trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Các doanh nghiệp trong ngành gạo cho biết, hiện nay Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu gạo nếp và gạo thơm từ Việt Nam.

Trong đó, khoảng 80% gạo nếp xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, do vậy tình hình tiêu thụ cũng như giá gạo nếp trong thời gian qua phụ thuộc khá nhiều vào thị trường này.

Đặc biệt, thời gian gần đây gạo ST 24 của Việt Nam đang rất được các nhà nhập khẩu Trung Quốc quan tâm và nhập khẩu nhiều. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã có khoảng gần 35 nghìn tấn gạo ST 24 được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tăng tới 70 lần so với chỉ 500 tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ một số thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021

Trung Quốc tăng gấp 2 lần lượng gạo nhập khẩu trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)

Hoàng Hiệp