|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lúa Hè Thu bí đầu ra, chọn phương án doanh nghiệp tạm trữ hay dự trữ quốc gia?

16:22 | 07/08/2021
Chia sẻ
Dự kiến vụ lúa Hè Thu đạt sản lượng 8,5 triệu tấn nhưng việc tiêu thụ khó khăn do nhà máy đóng cửa, giảm công suất, thương lái không đến thu mua. Điều này đặt ra câu hỏi nên mua tạm trữ doanh nghiệp hay dự trữ quốc gia để giải tỏa bế tắc đầu ra lúa Hè Thu cho các tỉnh ĐBSCL.

Phân vân giữa hai phương án

Theo Bộ NN&PTNT, vụ Hè Thu vùng ĐBSCL đã xuống giống 1,5 triệu ha, sản lượng ước đạt 8,5 triệu tấn. Tính đến ngày 6/8, vụ lúa Hè Thu thu hoạch được hơn 4 triệu tấn, tương đương gần 50% sản lượng, phần còn lại sẽ thu hoạch vào tháng 8, 9.

Trước thực tế lúa Hè Thu đang tồn đọng khá nhiều, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ cho thu mua dự trữ lúa gạo vào kho dự trữ quốc gia với mục đích kích cầu, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong thời điểm này, phương án doanh nghiệp mua tạm có phần khả thi hơn.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng biết việc thu mua dự trữ quốc gia chưa cần thiết nhưng có thể cho các doanh nghiệp tự nguyện mua lúa tạm trữ.

Bởi việc mở kho dự trữ ra sau đó lại mua vào không dễ, việc thu mua dự trữ quốc gia cần nhiều thời gian, quy trình đấu thầu.

Ngoài ra, giữa tháng 9 bắt đầu vào vụ lúa Đông Xuân, 1 tôm 1 lúa nên suy nghĩ vụ Hè Thu không còn nhiều là sai lầm.

Với tình cảnh như thế này, tiêu thụ vụ Thu Đông cũng sẽ rất khó khăn. Chúng ta phải mua tạm trữ và mua được hay không phụ thuộc vào mức cho vay ngoài hạn mức của ngân hàng.

Nếu vấn đề này không giải quyết sớm sẽ liên quan tới xuất khẩu gạo năm 2022", ông Bình nói.

Liên quan đến doanh nghiệp mua tạm trữ hay dự trữ quốc gia, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Hai phương án này đều phải nghĩ tới nhưng cần ưu tiên phương án đối với doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp tháo gỡ được thì người nông dân, thương lái cũng sẽ tháo gỡ được".

Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhận định việc tiêu thụ lúa Hè Thu 2021 không chỉ dựa trên yếu tố cung - cầu mà còn gắn với bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường vẫn cao. Tuy nhiên vấn đề thiếu container, giá logistics tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp không dám ký các hợp đồng, thậm chí bỏ thị trường vì e ngại không đáp ứng được, không có lãi.

"Tín hiệu tốt cho ngành gạo là Trung Quốc đang có nhu cầu mua gạo Việt Nam.

Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc đi thu mua hàng hóa, chi phí vận tải cao, nhà máy sản xuất, chế biến giảm công suất ảnh hưởng giá lúa gạo. Do đó, các địa phương cần có chính sách nhất quán và có biện pháp lâu dài", ông Hải nói.

Yếu tố tác động đến giá lúa ĐBSCL

Trong khi sản lượng lúa chờ thu hoạch còn khá lớn thì dịch COVID-19 bùng phát, việc lưu thông, vận chuyển khó khăn, thương lái, doanh nghiệp không thể đến thu mua khiến giá lúa giảm mạnh.

Cụ thể, giống OM5451 có giá 4.800 – 5.200 đồng/kg, giảm 500 - 700 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Giống IR50404 có giá 4.400 đồng/kg, giảm 900 – 1.300 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg.

Lý giải về nguyên nhân, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: "Giá lúa Hè Thu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giảm không bất thường. Bởi theo thông lệ cứ thời điểm chính vụ giá lúa Hè Thu sẽ giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với mặt bằng.

Đồng thời, hầu hết các doanh nghiệp đều đăng ký thu mua lúa cho người dân song vẫn còn tâm lý chờ giá lúa xuống thấp để bắt đáy, tăng lợi nhuận.

Việc chất lượng lúa Hè Thu giảm, doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí sản xuất 3 tại chỗ, công suất giảm khiến giá lúa giảm trong hai tuần gần đây".

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 khiến chi phí sấy, logistics, container tăng nên giá gạo giảm 3 – 5% so với năm 2020. Ngoài ra, giá lúa còn chịu ảnh hưởng khi tỷ giá đồng ruppee của Ấn Độ, đồng bath của Thái Lan giảm.

Chữa lành tổn thương logisitcs

Theo ông Thư một trong những nguyên nhân khiến giá lúa giảm là vấn đề logistics. Tuy nhiên, vận chuyển, lưu thông của doanh nghiệp, thương lái trong tỉnh và ngoài tỉnh còn gặp khó khăn do quy định của các địa phương chưa đồng nhất.

Do đó, các tỉnh cần thống nhất với nhau các phương tiện của doanh nghiệp, thương lái các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long được gắn mã nhận diện, người vận chuyển âm tính với COVID-19 thì được đi qua.

"Bên cạnh đó, việc cảng Cát Lái ùn ứ khiến lượng hàng hóa dồn về An Giang, Cần Thơ. Nhiều tàu đang nằm chở ở phao số 0, doanh nghiệp phải bồi thường cho chủ tàu 3.000 – 5.000 USD/ngày.

Chỉ khi tháo gỡ vấn đề logistics mới giải phóng được lượng gạo trong kho, dòng vốn lưu thông thì doanh nghiệp mới có thể thu mua đợt lúa mới", ông Thư nói.

Đồng quan điểm, đại diện VFA cho biết nhiều doanh nghiệp phản ánh lượng hàng xuất khẩu đi chỉ được 50% khả năng sản xuất. Trong tháng 7, các doanh nghiệp mới giao được 30 nghìn tấn so với hợp đồng 50 nghìn tấn.

"Hợp đồng gạo giao tháng 8 là 100 nghìn tấn nhưng tình hình này tiếp tục tiếp diễn thì không biết hàng có đi nổi 50%. Nếu không thực hiện đúng hợp đồng, doanh nghiệp bị mất uy tín và ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu.

Hệ thống logistics là bác sỹ của nền kinh tế, nếu logistics không thông suốt thì sẽ nguy hiểm", đại diện VFA nói.

Nhiều doanh nghiệp không dám ký hợp đồng với các đối tác vì lo lắng lưu thông khó khăn, không mua và giao hàng đúng thời hạn. Trong khi cước vận tải vẫn tăng phi mã đặc biệt là châu Phi, tàu hàng đi không được, tàu vào nằm cả tháng.

Do đó, VFA kiến nghị các địa phương tạo điều kiện lưu thông cho ghe chở lúa gạo, trong hoàn cảnh nào cũng cần mở cửa.

Hoàng Anh