Trung Quốc phủ nhận ủng hộ quân đội Myanmar đảo chính
Theo Reuters, hôm 3/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác cáo buộc rằng nước này ủng hộ hoặc ngầm đồng ý với cuộc đảo chính do quân đội Myanmar thực hiện.
Ông Uông Văn Bân, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày: "Các giả thuyết đều không đúng. Với tư cách là nước láng giềng thân thiện của Myanmar, chúng tôi mong muốn các bên ở Myanmar có thể giải quyết bất đồng của họ một cách phù hợp, giữ vững ổn định chính trị và xã hội".
Tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ca ngợi nỗ lực "hồi sinh quốc gia" của quân đội trong cuộc gặp mặt với Thống tướng Min Aung Hlaing, người sau đó giành được quyền lãnh đạo sau cuộc đảo chính.
Quân đội Myanmar giành lấy quyền lực vào ngày 1/2 sau khi bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và hàng trăm nhà lập pháp khác.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp hôm 2/2 nhưng không thống nhất được tuyên bố chung do không được Trung Quốc ủng hộ. Trung Quốc có quyền phủ quyết dự thảo với tư cách là một trong 5 thành viên thường trực của hội đồng.
Trước cuộc họp, bà Christine Schraner, Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar đã lên án mạnh mẽ việc quân đội tiếp quản quyền lực sau khi từ chối chấp nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào tháng 11 năm ngoái.
Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi giành chiến thắng vang dội 83% trong cuộc bầu cử 8/11 nhưng quân đội lại nói rằng kết quả bầu cử bị sai lệch do gian lận. Quân đội Myanmar sử dụng lý do này để biện minh cho cuộc đảo chính. Ủy ban bầu cử Myanmar tuyên bố cuộc bỏ phiếu đã diễn ra công bằng.
Nhóm G7 gồm các nước Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích chính biến ở Myanmar và kêu gọi nước này quay trở lại chế độ dân chủ.
Tuyên bố chung của G7 viết: "Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar chấm dứt ngay tình trạng khẩn cấp, khôi phục quyền lực cho chính phủ được bầu cử dân chủ, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất công, đồng thời tôn trọng nhân quyền và pháp quyền".
Theo BBC, tại thành phố lớn nhất của Myanmar là Yangon, các dấu hiệu phản đối cuộc đảo chính đang ngày càng gia tăng. Các bác sĩ và nhân viên y tế tại hàng chục bệnh viện trên khắp đất nước đang đình công để phản đối cuộc đảo chính và kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi.
Cảnh sát Myanmar đã đệ đơn cáo buộc bà Suu Kyi vi phạm pháp luật vì nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc. Bà sẽ bị giam giữ cho đến ngày 15/2 để điều tra.