|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc có còn nhớ Hong Kong từng giúp mài sáng viên ngọc Thâm Quyến?

06:30 | 04/09/2020
Chia sẻ
4 thập kỉ trước, các nhà đầu tư Hong Kong đã tin tưởng rót vốn vào Thâm Quyến, trong khi giới chuyên gia nhiệt tình chia sẻ kiến thức cho quan chức đại lục. Thế nhưng, Trung Quốc giờ đây dường như đang bỏ quên người góp công mài giũa Thâm Quyến thành viên ngọc sáng.
Trung Quốc có còn nhớ Hong Kong từng giúp mài sáng viên ngọc Thâm Quyến? - Ảnh 1.

Hai năm trước khi Thâm Quyến trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc đại lục năm 1980, doanh nhân Cheng Ho-ming đã lặn lội từ Hong Kong đến vùng nông thôn nghèo khó này để bắt tay vào hợp tác cùng một nhà máy sản xuất tóc giả do nhà nước Trung Quốc điều hành.

Nhà máy rộng chỉ rộng hơn 200m2, tọa lạc tại huyện Luohu và chỉ có một con đường bê tông dẫn vào.

Trung Quốc có còn nhớ Hong Kong từng giúp mài sáng viên ngọc Thâm Quyến? - Ảnh 2.

"Không tòa nhà nào trong huyện cao quá 5 tầng và chỉ có duy nhất một nhà hàng", ông Cheng nhớ lại. "Các quan chức Thâm Quyến sắp xếp cho tôi di chuyển bằng xe buýt đến văn phòng để đàm phán thỏa thuận vì họ không có chiếc xe hơi nào".

Năm 1978, ông Cheng 34 tuổi và là doanh nhân Hong Kong đầu tiên đầu tư vào Thâm Quyến, khi đó chỉ là một làng chài ở tỉnh Quảng Đông với khoảng 2.000 dân.

Chia sẻ với South China Morning Post (SCMP), ông Cheng chưa bao giờ tưởng tượng Thâm Quyến có thể trở thành một đô thị 13,4 triệu dân hay nền kinh tế Thâm Quyến sẽ vượt xa Hong Kong chỉ trong vòng 4 thập kỉ.

Thâm Quyến được chỉ định thành đặc khu kinh tế vào ngày 26/8/1980, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực cải cách và mở kinh tế Trung Quốc với thế giới của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.

Hiện được coi là viên ngọc quí trong loạt cải cách kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình, Thâm Quyến phải cảm ơn đội quân các doanh nhân và chuyên gia Hong Kong đã tiên phong tìm đến từ những ngày đầu.

Đà chuyển mình của Thâm Quyến một phần là nhờ vào Hong Kong, một sự thật mà truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chọn cách hạ thấp hoặc phớt lờ thời gian qua.

Vị doanh nhân Cheng Ho-ming đã phải vượt qua nhiều khó khăn, cực nhọc để biến một nhà máy nhỏ ở Thâm Quyến thành dây chuyền sản xuất túi xách phục vụ thế giới. Ông Cheng kể lại, ngoài mang máy móc qua biên giới, ông còn phải chuyển máy phát điện đến Thâm Quyến vì nguồn cung điện chưa ổn định vào thời điểm đó.

Tất cả công nhân đều do chính phủ Trung Quốc phân bổ. Họ được trả mức lương cố định hàng tháng là 26 nhân dân tệ, tương đương 39 USD vào thời điểm đó. Ông Cheng cho hay: "Công nhân không có nhiều động lực để làm việc chăm chỉ hơn".

Khi ông Cheng cố nâng cao năng suất bằng cách giới thiệu hệ thống lương theo sản phẩm, người quản lí nhà máy do chính quyền đại lục chỉ định đã lo lắng, cho rằng đây là một "ý tưởng tư bản" và có thể vi phạm qui định nhà nước.

Tuy nhiên, khi công nhân thấy tiền lương tăng lên đáng kể khi làm việc chăm chỉ hơn, thái độ của họ liền thay đổi.

Năm 1986, nhà máy của ông Cheng chuyển sang cơ sở lớn hơn, từ đó sản xuất ra 1,2 triệu túi xách và hơn 500.000 đôi giày hàng tháng. Hai năm sau, nhà máy trở thành "doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài" do ông Cheng làm chủ sở hữu.

Trung Quốc có còn nhớ Hong Kong từng giúp mài sáng viên ngọc Thâm Quyến? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: SCMP

Trung Quốc có còn nhớ Hong Kong từng giúp mài sáng viên ngọc Thâm Quyến? - Ảnh 4.

Cùng khoảng thời gian ông Cheng đến Thâm Quyến xây nhà máy sản xuất túi xách, nhà quan trắc Hong Kong Leung Chun-ying là một trong số ít chuyên gia thường xuyên tìm đến để thuyết giảng về kinh tế thị trường, đất đai và qui hoạch cho các quan chức Thâm Quyến cũng như các thành phố khác ở đồng bằng sông Châu Giang.

Tổ của ông Leung thành lập Hiệp hội các chuyên gia về hiện đại hóa Trung Quốc vào năm 1979. Họ tự trả chi phí đi lại và chỗ ở khi vượt qua biên giới đến Thâm Quyến vào cuối tuần và trong thời gian nghỉ phép, mang theo hàng tá tài liệu học tập.

Tuần trước, trong cuộc phỏng vấn cùng SCMP, ông Leung cho biết ngày trước muốn đến Thâm Quyến phải mất rất nhiều thời gian thông quan tại trạm kiểm soát biên giới duy nhất ở Lo Wu cũng như phải đổi nhân dân tệ ở một chi nhánh của Bank of China.

Ông Leung nhớ lại: "Các quan chức Thâm Quyến chào đón chúng tôi ở phía bên kia trạm kiểm soát Lo Wu và đưa cho chúng tôi các phiếu giảm giá ngũ cốc để chúng tôi có thể mua đồ ăn. Loại gạo mà chúng tôi ăn rất dở, hạt cơm thường ngả sang màu vàng hoặc thậm chí là màu đen".

Điều kiện sinh hoạt của nhóm chuyên gia Hong Kong tại Thâm Quyến cũng rất sơ sài. "Vào thời đó, khách sạn Huaqiao cao 5 tầng là nơi duy nhất ở Thâm Quyến mà khách du lịch xuyên biên giới có thể trú lại", ông Leung chia sẻ.

Dù vậy, nhóm chuyên gia Hong Kong vẫn mong muốn chia sẻ kiến thức chuyên môn với Trung Quốc đại lục và quan chức đại lục cũng rất ham học hỏi.

Cuối thập niên 1970, Hiệp hội các chuyên gia về hiện đại hóa Trung Quốc đã tự nguyên soạn thảo một bản thiết kế qui hoạch cho Thâm Quyến với dân số dự kiến là 300.000 người.

Ngoài ra, ông Leung còn giúp soạn thảo qui định về quyền sở hữu đất tư nhân cho Thâm Quyến, Quảng Châu, Thượng Hải và Bắc Kinh sau thay đổi chính sách năm 1988 của chính phủ Trung Quốc. Ông Leung còn khuyến nghị chính quyền địa phương nên sử dụng các phương thức chuyển nhượng sử dụng đất công khai và minh bạch hơn.

Ông Leung Chun-ying thành lập công ty quan trắc riêng vào năm 1993 và trở thành nhân vật nổi tiếng trong ngành. Hiện là Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (một cơ quan cố vấn cấp cao), ông Leung ngạc nhiên trước sự thay da đổi thịt của Thâm Quyến sau 40 năm qua.

Trung Quốc có còn nhớ Hong Kong từng giúp mài sáng viên ngọc Thâm Quyến? - Ảnh 5.

Đến năm 1988, 70% vốn đầu tư nước ngoài vào Thâm Quyến là đến từ các công ty Hong Kong và doanh nghiệp Hong Kong chiếm đến 85% tổng số công ty nước ngoài tại đặc khu kinh tế này.

Ông Herbert Lun - Giám đốc Điều hành của Wing Sang Bakelite Electrical Manufactory, cho hay: "Đầu những năm 1980, doanh nghiệp Hong Kong là những nhà đầu tư đầu tiên vào Thâm Quyến và thuê một lượng lớn công nhân tay nghề thấp trong khu vực. Chúng tôi đã giúp thành phố này giải quyết vấn đề việc làm vào những năm đó".

Trung Quốc có còn nhớ Hong Kong từng giúp mài sáng viên ngọc Thâm Quyến? - Ảnh 6.

SCMP dẫn lời ông Lun cho hay thành công của Thâm Quyến cũng được nhân rộng ở nhiều thành phố khác dọc đồng bằng sông Châu Giang như Đông Quan và Phật Sơn.

Kể từ cuối thập niên 1990, Thâm Quyến đã tự đổi mới thành một trung tâm công nghệ cao của Trung Quốc, hiện là nơi đặt trụ sở của một số công ty tên tuổi hàng đầu thế giới như Tencent Holdings, Huawei và Ping An Insurance.

Năm 2018, nền kinh tế Thâm Quyến lần đầu vượt qua Hong Kong. Năm 2019, GDP của Thâm Quyến là 389,5 tỉ USD, trong khi của Hong Kong là 367,4 tỉ USD.

Đánh dấu kỉ niệm 40 năm Thâm Quyến trở thành đặc khu kinh tế, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh, đã đăng một bài nổi bật trên trang nhất mà không đề cập đến vai trò của Hong Kong trong quá trình phát triển của thành phố này.

Theo SCMP, thiếu sót này khá bất thường, khác với các ấn phẩm chính thức trước đó.

Bài báo dài 3.200 từ của Nhân dân Nhật báo nhận định, thành công của Thâm Quyến bắt nguồn từ quyết định của chính quyền Bắc Kinh biến Thâm Quyến thành đặc khu kinh tế vào năm 1980.

Đồng thời, đà bứt phá của Thâm Quyến còn đến từ việc chính phủ công bố kế hoạch biến thành phố này thành một mô hình "phát triển chất lượng cao, là hình mẫu của luật pháp, trật tự và văn minh" hồi tháng 8 năm ngoái.

Chỉ ông Yu Youjun - Thị trưởng Thâm Quyến trong giai đoạn 2000 - 2003, đứng ra nhắc nhở mọi người không quên đóng góp của Hong Kong cho thành phố này.

Trung Quốc có còn nhớ Hong Kong từng giúp mài sáng viên ngọc Thâm Quyến? - Ảnh 8.

Trong một cuộc phỏng vấn đăng tải trên tài khoản cá nhân, ông Yu nói: "Nhiệm vụ mà nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đề ra không phải là tạo ra một đặc khu kinh tế Thâm Quyến vượt xa Hong Kong. Mục đích của ông là nhân rộng Hong Kong trên đại lục chứ không bảo chúng ta nên bỏ quên Hong Kong".

Giáo sư Zheng Tianxiang của Đại học Sun Yat-sen (Quảng Châu) nhấn mạnh: "Trong hai năm qua, một số người dân và quan chức Thâm Quyến đã nói về cách nền kinh tế thành phố vượt qua Hong Kong. Họ nên ghi nhận sự đóng góp của các doanh nhân Hong Kong trong 4 thập kỉ qua".

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.