|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đã đến lúc Trung Quốc buông bỏ đặc quyền của một nước đang phát triển

19:07 | 31/08/2020
Chia sẻ
Giáo sư David Ahlstrom của Đại học Trung Hoa Hong Kong cho rằng Trung Quốc rõ ràng không còn là một nước nghèo sau 4 thập kỉ tăng trưởng kinh tế mạnh và ổn định. Hơn nữa, nếu công khai gia nhập hàng ngũ quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ có những lợi thế riêng.
Đã đến lúc Trung Quốc buông bỏ đặc quyền của một nước đang phát triển - Ảnh 1.

Theo dữ liệu thống kê gần đây nhất, Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại trong khi nhiều nền kinh tế lớn và phát triển tiếp tục chững lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cụ thể, GDP quí II/2020 của Trung Quốc tăng 3,2% so với cùng kì năm ngoái.

Đã đến lúc Trung Quốc tiến lên hàng các nền kinh tế phát triển như Mỹ - Ảnh 1.

Hồi đầu năm 2020, Tổng cục Thống kê Trung Quốc đã công bố số liệu cho thấy GDP bình quân đầu người hàng năm lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 USD, trong khi số liệu khác cho thấy đất nước tỉ dân chỉ xếp sau Mỹ về số lượng tỉ phú.

Giáo sư David Ahlstrom - quyền Chủ tịch Khoa Quản trị, Trường Kinh doanh thuộc Đại học Trung Hoa Hong Kong, cho hay các nước khác đang chú ý đến tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững của Trung Quốc nhằm tìm kiếm ý tưởng thúc đẩy tăng trưởng trong nước.

Tuy nhiên, điều đó cũng khiến Mỹ và một số nền kinh tế phát triển lập luận rằng Trung Quốc không còn là "quốc gia đang phát triển" để được hưởng ưu đãi như một thị trường mới nổi theo qui định của WTO và các hiệp định quốc tế khác.

"Nhận thấy yếu tố bất lợi nếu mất đi lợi ích của một nước đang phát triển, Trung Quốc đã nêu ra các chỉ số như tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tỉ lệ mù chữ ở người trưởng thành và tuổi thọ trung bình sau sinh để lập luận rằng họ nên tiếp tục được coi là một nền kinh tế đang phát triển vì mục đích thương mại và viện trợ", Nikkei Asian Review dẫn lời Giáo sư Ahlstrom cho hay.

Trên thực tế, Trung Quốc chưa thể trở thành một nước phát triển ở các chỉ số như thu nhập bình quân đầu người và tính ổn định của các tổ chức.

Tuy nhiên, thách thức chính mà Trung Quốc phải đối mặt lại không giống như của các nước đang phát triển như Myanmar và Lào. Thay vào đó, khó khăn của Trung Quốc lại tương tự của "các nền kinh tế tham vọng bứt phá" như Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ, Giáo sư Ahlstrom lập luận.

Các quốc gia như trên phải phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao và khác biệt hơn do họ không còn có thể dựa vào mức lương và chi phí sản xuất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các sản phẩm thuộc nhóm này lại thường gắn với chiến lược xây dựng thương hiệu hoặc công nghệ cao, ông Ahlstrom làm rõ.

Các nền kinh tế này có thể mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, tức là khi tăng trưởng có xu hướng chững lại hoặc thậm chí trì trệ với thu nhập trung bình khoảng 12.000 USD/người/năm, như trường hợp của Ai Cập, Nam Phi và Venezuela.

Trung Quốc rõ ràng đã đi được một chặng đường dài từ đầu những năm 1970 khi thu nhập bình quân đầu người rơi vào khoảng 120 USD/năm.

Đã đến lúc Trung Quốc tiến lên hàng các nền kinh tế phát triển như Mỹ - Ảnh 2.

Tăng trưởng về thu nhập tại Trung Quốc chỉ xuất hiện khi chính phủ thực hiện cải cách kinh tế và khuyến khích làm giàu khởi nghiệp cũng như phát triển các dự án đầu tư từ năm 1979.

Đã đến lúc Trung Quốc buông bỏ đặc quyền của một nước đang phát triển - Ảnh 4.

Đến năm 1997, World Bank đã chính thức công nhận Trung Quốc là nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Năm 2010, World Bank nâng hạng Trung Quốc thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao.

Theo Giáo sư David Ahlstrom, điều ấn tượng nhất về tăng trưởng của Trung Quốc không phải là tốc độ, vì Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nền kinh tế châu Á cũng từng ghi nhận mức tăng trưởng tương đối mạnh mẽ và kéo dài.

Trong trường hợp của Trung Quốc, tăng trưởng GDP lại đặc biệt ổn định trong hơn 4 thập kỉ và rất ít khi biến động.

Đã đến lúc Trung Quốc buông bỏ đặc quyền của một nước đang phát triển - Ảnh 5.

Thể chế của các nền kinh tế có tham vọng đột phá nhìn chung khá ổn định nhưng thuộc dạng đang phát triển. Hệ thống luật pháp của các nền kinh tế này thường được phát triển lên một mức độ nhất định, tuy nhiên khâu thực thi và áp dụng luật trong các lĩnh vực như quyền sở hữu tài sản lại khá thiếu ổn định.

Ông Ahlstrom cho biết có bằng chứng từ các nền kinh tế trên cho thấy chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để tạo điều kiện đưa đất nước lên nhóm nền kinh tế có thu nhập cao.

Đặc biệt, chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách loại bỏ bớt các rào cản đối với quá trình đổi mới và thúc đẩy phát triển các công nghệ cũng như thương hiệu bản địa.

Đã đến lúc Trung Quốc tiến lên hàng các nền kinh tế phát triển như Mỹ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Trung Quốc ngày nay đã tập trung hơn vào mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị và trở thành nước đi đầu trong ngành công nghệ thế giới. Khác với một số nước phương Tây, các tổ chức nhà nước tại Trung Quốc đang đảm nhiệm phần lớn công việc tiếp thu và cải tiến công nghệ nước ngoài để giúp nâng cao năng lực của ngành công nghiệp Trung Quốc.

Do Trung Quốc vẫn đang cố bắt kịp thế giới trong nhiều lĩnh vực như công nghệ và năng suất, trong vài năm tới đất nước tỉ dân còn có thể tiếp tục hấp thu kiến thức và cải tiến thiết kế sản phẩm công nghệ đã có.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc bắt đầu đến giai đoạn bẫy thu nhập trung bình 12.000 - 15.000 USD/người/năm trong thập kỉ tới, những cải tiến mới sẽ tạo ra ít giá trị hơn.

Doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải phát triển thêm công nghệ bản địa và xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng và dịch vụ mới hơn. "Chính phủ có thể hỗ trợ nhưng doanh nghiệp tư nhân buộc phải đi đầu ở khía cạnh này", Giáo sư Ahlstrom nhấn mạnh.

Các nền kinh tế tham vọng không có khả năng phát triển các sản phẩm khác biệt và có giá trị gia tăng cao hơn sẽ gặp khó khăn để có thể vươn lên hàng ngũ nền kinh tế phát triển.

Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề trên nhưng họ có thể học hỏi từ các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc để thúc đẩy công nghệ và thương hiệu bản địa cũng như qua nghiên cứu từ kinh nghiệm của các nước đã gần như thất bại trong nỗ lực này.

Trung Quốc không còn là nền kinh tế mới nổi trong gần một thập kỉ qua. Dù Đại diện Thương mại Mỹ có thể hành động hơi vội vàng khi tuyên bố Washington sẽ xem Trung Quốc là nước phát triển cho mục đích thương mại vào tháng 2 năm nay, các cơ quan quốc tế nên có cái nhìn mới với các nước từ lâu đã không còn "mới nổi".

Đã đến lúc Trung Quốc buông bỏ đặc quyền của một nước đang phát triển - Ảnh 7.

Giáo sư David Ahlstrom nói thêm: "Trung Quốc cũng nên biết rằng được công nhận là nền kinh tế 'phát triển' cũng mang lại những lợi ích riêng".

Thành công của Trung Quốc trong kiểm soát đại dịch, xây dựng thần tốc các bệnh viện lớn trong vài ngày và phát triển phương pháp xét nghiệm cũng như kiểm soát các thách thức địa chính trị đã cho Bắc Kinh cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo và xây dựng ảnh hưởng của mình.

Một Trung Quốc phát triển và thể hiện được tinh thần lãnh đạo có trách nhiệm sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định của châu Á cũng như trong những nỗ lực chống đói nghèo trên thế giới.

Yên Khê

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.