|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phục hồi kinh tế của Trung Quốc trước nguy cơ bị nhấn chìm trong cơn sóng dữ

14:05 | 21/08/2020
Chia sẻ
Trận lũ lụt dữ dội nhất trong nhiều thập kỉ tàn phá vùng trung tâm công nghiệp Trung Quốc đúng lúc nước này đang phải vật lộn để rũ bỏ hậu quả của COVID-19.
Nguy cơ cuộc phục hồi kinh tế trung quốc bị nhấn chìm trong cơn sóng dữ - Ảnh 1.

Trung Quốc xả lũ để giảm áp lực cho đập Tam Hiệp. (Ảnh: AFP)

Lũ lụt trên sông Dương Tử đã đánh sập nhiều tòa nhà, phá hủy các nhà xưởng, tước đi kế sinh nhai của hàng triệu người. Theo ước tính của Bloomberg, thiệt hại kinh tế trực tiếp do lũ sông Dương Tử gây ra là 178,9 tỉ nhân dân tệ (25,7 tỉ USD). 

Lượng mưa trung bình tháng 6 và tháng 7 cao hơn các năm trước, trong khi đó công cuộc sửa chữa thiệt hại chỉ mới bắt đầu.

Thảm họa mới nhất càng khiến cho cuộc hồi phục kinh tế của Trung Quốc thêm gập ghềnh. 

Bắc Kinh đã rót hàng nghìn tỉ nhân dân tệ để cứu trợ thiệt hại COVID-19 và thu được một số dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế của nước này đang đi lên. Tuy nhiên, tình trạng thực sự của nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn là một dấu hỏi lớn. Các dữ liệu đang rất hỗn loạn.

Xe tải hạng nặng đang bán chạy như tôm tươi – doanh số trong tháng 7 của loại xe này tăng tới 89% so với cùng kì năm trước. Doanh số bán máy xúc tăng gần 30%. Nhu cầu về máy móc tự động hóa tăng lên và dòng chảy của hàng hóa trên khắp Trung Quốc cũng vậy.

Tuy nhiên, tổng số giờ sử dụng máy móc lại giảm 3%. Sản lượng điện hàng tháng giảm và lượng xi măng tồn kho cao hơn những năm trước. Chi tiêu chính phủ cho tài sản cố định tăng mạnh, nhưng đầu tư vào sản xuất công nghiệp và chế tạo lại đi xuống.

Phần lớn các ước tính tốt đẹp về kinh tế Trung Quốc chỉ được xây dựng dựa trên kì vọng. Niềm hi vọng rằng Bắc Kinh sẽ chi tiền và mở ra được con đường thoát khỏi cuộc suy thoái đang thúc đẩy một số hoạt động kinh tế.

Bắc Kinh đã cam kết bỏ ra thêm 2.000 tỉ nhân dân tệ (288 tỉ USD) để hỗ trợ kinh tế. Trước đó, chính phủ Trung Quốc cũng đã phát hành trái phiếu đặc biệt để tài trợ cho các dự án công cộng và khôi phục nền kinh tế mà không khiến ngân sách thâm hụt thêm.  

Tuy nhiên, thực tế lại khó khăn hơn nhiều so với tưởng tượng. Các trận lũ lụt không những đẩy giá tiêu dùng lên cao mà còn cản trở các dự án xây dựng và chế tạo. Số tiền khổng lồ Bắc Kinh hứa hẹn đổ vào cơ sở hạ tầng, đường bộ và đường sắt cũng không thể giải quyết trở ngại này. Nỗi đau kinh tế của Trung Quốc sẽ còn kéo dài.

Khó khăn chồng chất

Đà phục hồi của Trung Quốc đang dần mất đi động lực. Dù Trung Quốc là nước đầu tiên rơi vào và thoát khỏi COVID-19, người tiêu dùng vẫn chưa tự tin chi tiêu. Một phần nguyên nhân là từ trước khi có đại dịch, nhu cầu của Trung Quốc cũng đã sụt giảm. Doanh nghiệp xây dựng và chế tạo đối mặt với khủng hoảng niềm tin, tình hình tài chính eo hẹp và khó xin được tài trợ trực tiếp.

Giờ đây, kinh tế Trung Quốc lại bị lũ lụt đe dọa. Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc phải tìm cách giải quyết vấn nạn này. Trong một số năm, như 1998 và 2016, các trận mưa dữ dội khiến tình hình trở nên nghiêm trọng. Để đối phó, Trung Quốc đã cho xây 98.000 hồ chứa, 110.000 trạm thủy văn và mạng lưới gồm hàng trăm nghìn con đê.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu khiến lũ lụt trở nên khủng khiếp hơn. Một nghiên cứu về tác động của lũ lụt đối với lĩnh vực sản xuất trong giai đoạn 2003 - 2010 cho thấy sản lượng trung bình của doanh nghiệp giảm 28,3% trong những năm xảy ra các trận lũ có qui mô lớn. Tổng thiệt hại đối với nền kinh tế là 15.400 tỉ nhân dân tệ (2.230 tỉ USD).

Các cuộc khủng hoảng năm 2020 khiến Bắc Kinh rơi vào tình thế khó xử. Một mặt, các biện pháp tài khóa kiểu cũ và dự án đường sắt vô bổ sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn. Mặt khác, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng biết rằng các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ cao sẽ mang lại trái ngọt trong những năm tới. 

Con đường phục hồi gập ghềnh của kinh tế Trung Quốc xuất phát từ các ưu tiên không rõ ràng: tăng trưởng, nợ hay nền kinh tế tương lai?

Trở ngại cốt lõi của cuộc phục hồi kinh tế Trung Quốc là hệ thống ngân hàng. Dù Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ, giới ngân hàng vẫn không sẵn lòng cho vay trong thời điểm thiết yếu hiện nay.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cố gắng đạt được sự cân bằng, nhưng họ lại không muốn phải chịu đau đớn khi để các công ty yếu kém thất bại và cho phép nhu cầu thực sự xuất hiện.

Chỉ khi Bắc Kinh trình bày được những ưu tiên thực sự với nhà đầu tư thì Trung Quốc mới có thể cứu vớt được cuộc phục hồi kinh tế khỏi cơn sóng dữ hiện nay.

Giang