Kinh tế Trung Quốc trên đường thoát khỏi hố sâu COVID-19
Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ đạt tăng trưởng GDP 2% cả năm 2020.
Trên đường tới đích, Trung Quốc đã dập tắt các ổ dịch nhỏ, chống chọi lại sự sụp đổ của nhu cầu toàn cầu, giữ cho thị trường chứng khoán tăng trưởng giữa những lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh công nghệ với Mỹ.
Có nhiều yếu tố lí giải cho thành tích của Trung Quốc, từ việc người dân sẵn lòng chấp nhận và thực thi các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt cho đến thực tế rằng thế giới vẫn cần nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc nhảy vọt trong tháng 7 khi các nhà máy và hãng bán lẻ quốc tế mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng cải thiện tâm lí người tiêu dùng, đà hồi phục của Trung Quốc có thể sụp đổ. Và một sự kiện như kiểu như sự bùng lên của ngọn lửa thương chiến với Tổng thống Donald Trump có thể buộc Bắc Kinh phải tung ra nhiều kích thích kinh tế hơn.
Các bằng chứng khác về đà đi lên vững chắc của nền kinh tế được công bố vào ngày 14/8, nhưng vẫn có các điểm yếu. Dữ liệu tháng 7 cho thấy sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng 4,8% so với cùng kì năm trước, nhưng vẫn thấp hơn dự kiến của các nhà kinh tế.
Doanh số bán lẻ giảm 1,1% trái với dự đoán tăng trưởng 0,1%. Đầu tư tài sản cố định thấp hơn 1,6% so với 7 tháng đầu năm 2020.
Cố gắng của Bắc Kinh
Chủ tịch Tập Cận Bình đang đẩy nhanh nỗ lực thúc đẩy tăng cường khả năng độc lập của nền kinh tế trong bối cảnh xung đột với Mỹ lan ra nhiều lĩnh vực.
Trong những tuần vừa qua, ông Tập liên tục ca ngợi mô hình phát triển "lưu thông kép" (dual circulation). Theo đó, nền kinh tế trong nước sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính, được hỗ trợ bởi một số công nghệ và đầu tư nước ngoài.
Mô hình trên ăn khớp với chiến lược chính sách tài khóa được thúc đẩy bởi đầu tư. Bắc Kinh đang chi tiêu mạnh tay cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vào các công nghệ hướng tới tương lai. Chính phủ Trung Quốc sẽ phát hành khoảng 3.750 tỉ nhân dân tệ (540 tỉ USD) trái phiếu đặc biệt để tài trợ cho các dự án trên.
Chỉ số Shanghai Composite đi lên 15% trong 6 tháng qua, hiệu suất ấn tượng nhất trong số các chỉ số chứng khoán lớn toàn cầu. Nhưng việc người tiêu dùng ngần ngại rút hầu bao vẫn là một câu đố và nỗi lo với nền kinh tế, dù COVID-19 đã được kiểm soát tại hầu hết lãnh thổ Trung Quốc trong suốt vài tháng.
Bà Helen Qiao, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Bank of America nhận xét: "Có vẻ như người tiêu dùng Trung Quốc mất nhiều thời gian hơn để quay trở lại mức chi tiêu như bình thường so với người Mỹ và châu Âu".
Thông tin về các cụm dịch rải rác nhỏ hơn so với tâm dịch ở Vũ Hán có thể là nguyên nhân khiến người tiêu dùng ngại đến nhà hàng và ra ngoài giải trí. Trong những tuần gần đây, tỉnh Liêu Ninh và khu tự trị Tân Cương đã phát hiện cụm dịch COVID-19, nối tiếp ổ dịch ở Bắc Kinh vào tháng 6.
Một cách giải thích khác là tỉ lệ thất nghiệp trên thực tế cao hơn nhiều con số 5,7% theo khảo sát chính thức vào tháng 7 của chính phủ Trung Quốc. Cách tính của Trung Quốc có lẽ đã loại bỏ tới một nửa lực lượng lao động, Bloomberg cho biết.
Thị trường việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp cũng vẫn còn yếu. Báo cáo của Zhaopin.com, một trong những trang web tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc, cho thấy hơn 1/4 sinh viên tốt nghiệp mà trang web này ghi nhận vẫn đang tìm việc trong tháng 6.
Thu nhập giảm còn giá lương thực lại tăng cao, sức chi tiêu của các hộ gia đình rõ ràng đang chịu áp lực.
"Mục tiêu việc làm đã trở thành ưu tiên hàng đầu," ông Liu Peiqian, nhà kinh tế Trung Quốc tại Natwest Markets cho biết.
Tốc độ phục hồi của Trung Quốc cũng sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch COVID-19, không chỉ ở trong nước mà còn đối với các đối tác thương mại lớn như Mỹ và châu Âu.
Và khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra, không thể loại trừ khả năng xung đột địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington sẽ tiếp tục gia tăng. Hôm 14/8, ông Trump đã ra lệnh để buộc công ty Trung Quốc ByteDance thoái sạch vốn khỏi TikTok, đẩy căng thẳng lên cao hơn.
Trung Quốc vẫn còn rất nhiều hỏa lực tiền tệ và tài khóa để trợ giúp đà hồi phục của nền kinh tế. Cho đến nay, ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn chưa cắt giảm nhiều lãi suất hay đẩy mạnh mua trái phiếu. Thay vào đó, ngân hàng này đã cấp tiền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.