|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc cắt giảm lãi suất tham chiếu do tác động của dịch COVID-19

20:33 | 20/05/2022
Chia sẻ
Trung Quốc ngày 20/5 thông báo sẽ cắt giảm lãi suất chủ chốt nhằm “hỗ trợ” những người mua nhà và các nhà phát triển bất động sản đang mắc nợ.

Một khu nhà cao tầng đang được xây dựng tại Trung Quốc. (Ảnh: CNBC).

Trung Quốc ngày 20/5 thông báo sẽ cắt giảm lãi suất chủ chốt nhằm “hỗ trợ” những người mua nhà và các nhà phát triển bất động sản đang mắc nợ trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại do các biện pháp hạn chế được triển khai nhằm ngăn chặn dịch COVID hoành hành ở các thành phố lớn.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) ngày 20/5 cho biết lãi suất cho vay trên thị trường (LPR) kỳ hạn 5 năm, mà nhiều ngân hàng lấy làm cơ sở cho lãi suất thế chấp của mình, đã giảm từ 4,6% xuống 4,45%.

Các đợt phong tỏa do dịch kéo dài đã khiến chuỗi cung ứng và nhu cầu bị hạn chế, còn hoạt động kinh tế bị đình trệ tại nền kinh tế đang theo đuổi chính sách Zero-COVID.

Julian Evans-Pritchard, một nhà phân tích tại Capital Economics, cho biết lãi suất trên là “điểm chuẩn” để định giá hầu hết các khoản thế chấp, do đó động thái trên được cho là nhằm hỗ trợ nhu cầu nhà ở. Việc cắt giảm lãi suất "sẽ giúp thúc đẩy hoạt động mua bán nhà ở”. LPR kỳ hạn một năm không thay đổi ở mức 3,7%.

Việc giảm tỷ lệ tham chiếu thế chấp diễn ra trong bối cảnh làn sóng vỡ nợ lan rộng trong lĩnh vực bất động sản, khi các chủ đầu tư đang chìm trong các khoản nợ lớn và vật lộn với sự sụt giảm nhu cầu.

Sunac, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã không trả được nợ trong những tháng gần đây, tuần trước cho biết rằng doanh số bán hàng tại các thành phố lớn đã giảm đáng kể trong tháng Ba và tháng 4/2022 do dịch COVID-19.

Số liệu trong tuần này đã cho thấy tác động rõ rệt của các biện pháp hạn chế và phong tỏa COVID-19 tại các thành phố lớn của Trung Quốc.

Các số liệu ngày 16/5 cho thấy doanh số bán lẻ và sản lượng nhà máy trong tháng 4/2022 đã sụt giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, trong khi tỷ lệ thất nghiệp quay trở lại mức cao nhất ghi nhận được hồi tháng 2/2020.

Theo chiến lược gia thị trường toàn cầu Chaoping Zhu thuộc JP Morgan Asset Management, bên cạnh sự yếu kém trong hoạt động tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và đầu tư, sự sụt giảm mạnh của các khoản vay ngân hàng cho thấy một thách thức cơ bản hơn đó là sự thiếu niềm tin của cả khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình.

Cách tiếp cận không khoan nhượng của Trung Quốc đối với sự bùng phát của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và khiến hàng chục triệu người phải ở trong nhà, tác động đến các trung tâm tài chính, công nghiệp và du lịch lớn.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5,5%, nhưng dữ liệu được công bố vào tháng 4/2022 cho thấy tăng trưởng trong quý I/2022 đã chậm lại còn 4,8% sau khi nền kinh tế nước này “hụt hơi” vào nửa cuối năm 2021.

Minh Hằng